“Xẻ thịt” rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tranh (Bài 1: Thâm nhập điểm nóng phá rừng phòng hộ)

Thứ bảy, 02/10/2021 08:21

Sau thời gian tạm lắng, mới đây tình trạng “xẻ thịt” rừng phòng hộ (RPH) đầu nguồn thủy điện Sông Tranh lại tái diễn. Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thâm nhập vào khu RPH Sông Tranh, ghi nhận hiện trường một vụ phá rừng quy mô lớn, với hàng chục cây cổ thụ đã bị “lâm tặc” đốn hạ. Để thuận tiện cho việc khai thác gỗ trái phép, “lâm tặc” dựng lán trại ở ngay trong rừng, đồng thời nuôi cả chó để cảnh giới người lạ.

Các đối tượng phá rừng dựng lán trại giữa khu rừng. 

Một cây gỗ huỳnh đàn trắng, thuộc loại gỗ nhóm 1 đặc biệt quý hiếm bị đốn hạ. 

Ngày 29-9, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam) lên xã Trà Bui  (H. Bắc Trà My, Quảng Nam). Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi theo lối mòn vào rẫy cây keo của người dân để đi lên khu vực RPH Sông Tranh. Sau hơn 2 giờ cuốc bộ, chúng tôi đến bìa khu RPH thuộc địa phận thôn 6, xã Trà Bui. Quan sát tại khu vực này chúng tôi nhận thấy, có nhiều ngọn đồi đã bị “cọc trọc” để trồng cây keo khoảng 1 đến 3 năm tuổi. Tiến sâu vào trong khu rừng, chúng tôi bắt gặp hàng chục cây gỗ đường kính khoảng 0,4m đến 1m đã bị đốn hạ từ lâu nằm ngổn ngang. Trong đó, có nhiều cây đã bị xẻ gỗ thành phách vận chuyển đi. Điều này cho thấy, khu rừng đã bị tàn phá trong thời gian dài.

Trong khu vực rừng nguyên sinh, chúng tôi ghi nhận có 5 cây cổ thụ đường kính 0,5-1,2m đã bị đốn hạ và chủ rừng đã đánh dấu sơn đỏ kiểm tra. Gỗ được các đối tượng xẻ phách tại chỗ, lượng lớn gỗ phách đã được vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường vẫn còn nhiều lóng gỗ và phách gỗ 20x50cm dài hơn 3m. Di chuyển sâu vào khu rừng, chúng tôi bắt gặp hàng chục cây gỗ cổ thụ đã bị đốn hạ đã lâu nằm ngổn ngang, gỗ đã được rọc phách vận chuyển đi. Những cây gỗ này vẫn chưa được chủ rừng kiểm tra. Càng vào sâu trong khu rừng, đường mòn trâu kéo gỗ hằn sâu gần nửa mét đất, chi chít như “xương cá” cho thấy khu rừng đã bị tàn phá rất khủng khiếp.

Những cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ tại tiểu khu 742. 

Sáng 30-9, chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào khu RPH Sông Tranh tại thôn 5 (xã Trà Bui) đang bị “lâm tặc” tàn phá. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lên khu rừng tiếp giáp với thôn 3, nơi còn những cánh rừng nguyên sinh. Trong khu vực này, chúng tôi gặp 5 cây gỗ đường kính 0,8 đến 1,4m vừa bị đốn hạ được chủ rừng đóng dấu, nhiều cây bị “xẻ thịt” tại chỗ, gỗ phách đã vận chuyển đi hết. Hàng chục lóng gỗ cắt đoạn dài gần 3m nằm ngổn ngang khắp nơi. Tại đây, chúng tôi nghe có 3 khu vực đang cưa hạ cây rừng, tiếng máy cưa rầm rú vang khu rừng. Tiếp tục men theo lối mòn, chúng tôi sững sờ chứng kiến có hàng chục cây gỗ vừa bị đốn hạ, nhựa cây vẫn còn tươm ra, gỗ phách nằm ngổn ngang khắp nơi. Đặc biệt, trong đó có nhiều cây gỗ huỳnh đàn trắng, thuộc loại gỗ nhóm 1 đặc biệt quý hiếm.

Chúng tôi tiến sâu hơn đến khu vực các đối tượng đang cưa, nhưng khi còn cách khoảng 40m thì bị chó của các đối tượng nuôi tại đây phát hiện, sủa inh ỏi. Biết có người lạ thâm nhập nên các đối tượng “lâm tặc” lập tức tắt máy, bỏ chạy. Tại hiện trường có 1 cây gỗ đường kính 0,8m đang bị rọc thành những phách gỗ nhỏ kiểu khung sườn nhà. Cạnh con suối trong vùng lõi rừng, chúng tôi gặp 1 lán trại các đối tượng dựng lên để ăn ngủ tại rừng. Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến những khu vực khác đang cưa hạ, mà theo người dân phản ảnh thì còn rất nhiều cây cổ thụ bị triệt hạ.

Gỗ được xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp rừng.

Một người dân địa phương cho biết, khu RPH tại thôn 5 và thôn 6 đã bị tàn phá từ lâu và những kẻ phá rừng là người dân địa phương. Khu rừng tại thôn 5 tiếp giáp với thôn 3, sau khi đốn hạ cây rừng, họ xẻ phách tại chỗ, dùng trâu kéo gỗ xuống địa bàn thôn 5 và thôn 3 để đưa đi tiêu thụ. Còn Khu RPH tại thôn 6 đã bị “lâm tặc” tàn phá và người xâm lấn từ lâu để trồng cây keo, làm nương rẫy. Ở khu vực này, do đường đi xa nên nhóm “lâm tặc” thường đốn hạ cây rừng để khô sẽ vào rọc phách, dùng trâu vận chuyển ra ngoài…

(còn nữa)

LÊ VƯƠNG – LÊ HẢI

>> “Xẻ thịt” rừng phòng hộ Sông Tranh