“Xẻ thịt” rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tranh (Bài cuối: Hệ quả của việc di dời dân vào rừng phòng hộ để tái định cư)

Thứ tư, 06/10/2021 09:46

“Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy tiền lệ... đưa dân vào giữ rừng phòng hộ bao giờ. Để giữ rừng, càng cố gắng đưa dân ra xa rừng bao nhiêu thì càng tốt…", một cán bộ của BQL bảo vệ rừng Bắc Trà My tâm sự.

Những khu vực rẫy của người dân xã Trà Bui trước đây là những cánh rừng nguyên sinh.

Theo số liệu chúng tôi có được, để triển khai dự án thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My phải thu hồi hơn 3.319ha đất các loại để bàn giao cho thủy điện. Theo đó, có 834 hộ dân của 4 xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Tân phải di dời nơi ở vào các khu TĐC hoặc di dời tự do để nhường đất cho dự án. Điều đáng nói, do thiếu đất ở lẫn đất sản xuất, chính quyền địa phương đưa hàng trăm hộ dân vào khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh để lập nghiệp. Hệ quả của việc làm này khiến hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ bị xâm hại trong những năm qua.

Theo ông Hồ Văn Tiến- Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, diện tích lúa nước của xã lớn nhất huyện. Khi có thủy điện, thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân phải di dời, những cánh đồng trù phú năm xưa nay đã ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện. "Phần diện tích đất ít ỏi còn lại lưng chừng sườn đồi không đủ chỗ để bố trí TĐC mới cho hàng trăm hộ. Mà theo tập quán sinh sống của người đồng bào nơi đây, mình không thể đưa họ xuống đồng bằng hoặc qua địa phương khác sinh sống được. Việc đưa dân vào khu vực rừng phòng hộ là một phương án bất khả kháng", ông Tiến trăn trở.

Cũng theo ông Tiến, câu chuyện hậu thủy điện đối với người dân nơi đây vẫn còn gây ra những hệ lụy dai dẳng. "Ngoài hệ quả dẫn đến việc phá rừng, đến nay cơ sở hạ tầng các khu TĐC do thủy điện xây dựng đều bị xuống cấp, hư hỏng. Một số nhà ở TĐC và các công trình khác như trường học, trạm y tế đã xuống cấp do chất lượng xây dựng không đảm bảo; quỹ đất dự phòng trong các trường hợp tách hộ, tăng dân số, giãn dân chưa được thực hiện; các chương trình chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất... không được chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 thực hiện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 70%, trong đó ở những khu TĐC thủy điện, tỷ lệ hộ nghèo tới 90%", ông Tiến thông tin thêm.

Từ những hệ lụy trên, ông Hồ Văn Tiến thẳng thắn thừa nhận có tình trạng người dân lén lút chặt hạ gỗ để lấy vật liệu làm nhà. Từ khi các khu tái định cư hình thành, ban đầu do thiếu đất sản xuất, người dân phá rừng khá nhiều. Đảng ủy xã đã phối hợp với Ban quản lý tuyên truyền, yêu cầu người dân không lấn chiếm rừng già để làm rẫy, không cưa hạ cây để lấy gỗ làm nhà. Tuy nhiên, do xã Trà Bui là địa bàn xa nhất của huyện Bắc Trà My, vật liệu xây dựng vận chuyển lên chi phí cao, do đó bà con không mua được vật liệu nên lén lút khai thác gỗ trái phép làm nhà tại chỗ, không chặt hạ để buôn bán.

Còn nhớ cuối năm 2015, chúng tôi cũng đã từng có loạt bài phản ánh về việc phá rừng phòng hộ tại đây. Sau khi báo chí phản ánh, ông Lê Trí Thanh– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) cùng đoàn công tác đã đến hiện trường kiểm tra, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm. Thế nhưng sau đó, không hiểu nguyên nhân thế nào mà vụ việc phá rừng trên rơi vào “quên lãng”.

Ngoài việc phá rừng để lấy đất canh tác, lấy gỗ làm nhà thì các đối tượng còn “xẻ thịt” gỗ rừng để bán.

Trở lại vụ phá rừng mà chúng tôi vừa phản ánh, lý giải để xảy ra tình trạng trên, ông Châu Minh Ninh – Giám đốc BQL Rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My (chủ bảo vệ rừng) cho hay, xã Trà Bui lâu nay là địa bàn nóng về tình trạng phá rừng. Do đó, BQL đã xây dựng 4 chốt kiểm soát quan trọng tại lòng hồ sông Tranh, chốt Nước Lía, chốt Thùng Phi, chốt 746 giáp xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), đồng thời thành lập Trạm bảo vệ rừng xã Trà Bui, cắt cử 3 cán bộ nhân viên của Ban đứng điểm tại đây và ký hợp đồng với 28 người bán chuyên trách làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ khu RPH. Thế nhưng, khu rừng phòng hộ tại thôn 6 và thôn 5 vẫn bị tàn phá, cho thấy có sự quản lý lỏng lẻo của Trạm bảo vệ rừng xã Trà Bui để các đối tượng lợi dụng đốn hạ cây rừng.

“Hiện tại, Ban đang phối hợp với các lực lượng kiểm tra, đo đếm lượng cây gỗ khu vực rừng bị tàn phá. Sau đó sẽ có hướng xử lý kỷ luật các cán bộ nhân viên của Ban, đồng thời xem xét việc chấm dứt hợp đồng và xử lý những điều khoản trong hợp đồng theo quy định đối với những người được ký hợp đồng bảo vệ 2 tiểu khu tiểu khu 738 (thôn 6) và tiểu khu 742 (thôn 5) để xảy ra tình trạng phá rừng”, ông Ninh nói.

Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe. “Phải xử lý nghiêm dù đó là ai để răn đe cho những đối tượng khác. Có như thế mới giữ được những cánh rừng nguyên sinh còn lại”, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.  

LÊ HẢI – LÊ VƯƠNG

>> Gần thập kỷ chờ giải quyết vướng mắc tại thủy điện Khe Bố (Kỳ 1: Rác thải bủa vây lòng hồ thủy điện)

>> “Xẻ thịt” rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tranh (Bài 2: UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trường, yêu cầu xử lý nghiêm)

>> “Xẻ thịt” rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tranh (Bài 1: Thâm nhập điểm nóng phá rừng phòng hộ)