Xét xử 2 nhân viên CDC Quảng Trị tham ô gần 3.000 Kit test bán cho Cty Việt Á

Thứ bảy, 30/09/2023 07:52
Ngày 29-9, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử đối với 2 bị cáo: Lê Quang Việt (1980) và Đỗ Đình Phi (1982, đều trú TP Đông Hà, Quảng Trị) về tội: “Tham ô tài sản”. Thời điểm phạm tội, Việt và Phi là kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị. Bị hại trong vụ án là CDC Quảng Trị.
Hai bị cáo Lê Quang Việt và Đỗ Đình Phi tại phiên tòa.
Hai bị cáo Lê Quang Việt và Đỗ Đình Phi tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, năm 2020, 2021, dịch Covid-19 bùng phát toàn quốc, tỉnh Quảng Trị đã mua sắm trang thiết bị, vật tư để phục vụ công tác xét nghiệm virus Sars-CoV 2. Trong đó, Sở Y tế và CDC Quảng Trị mua Kit test Covid-19 (viết tắt: Kit test PCR) do Cty Việt Á sản xuất thông qua Công ty CP thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế (Cty dược Huế). Riêng CDC Quảng Trị đã mua sắm 11 gói thầu và tiếp nhận Kit PCR do các đơn vị khác cấp, tài trợ.

Cụ thể, ngày 28-4 đến 21-12-2020, CDC Quảng Trị đã tiếp nhận tổng cộng 23.100 Kit PCR Việt Á, Kit PCR Thái Dương, Kit PCR (Đức sản xuất) và 2.000 Kit tách chiết Việt Á do các đơn vị, tổ chức tài trợ. Kit test từ các nguồn mua sắm, tài trợ, cấp được CDC Quảng Trị nhập kho và giao cho Khoa Xét nghiệm quản lý, sử dụng. Trong đó, Lê Quang Việt là kỹ thuật viên được phân công phụ trách test, Kit PCR, thực hiện đề xuất mua, nhận, quản lý, báo cáo về test, Kit xét nghiệm và thực hiện công tác xét nghiệm.

Hoạt động xét nghiệm Covid-19 được CDC Quảng Trị bắt đầu triển khai từ 31-3-2020. Giai đoạn đầu, khi triển khai có một số trường hợp bị lây nhiễm chéo (không cho kết quả âm hoặc dương) dẫn đến Kit PCR Việt Á bị hao hụt. Việt và Phi đã báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo CDC, tuy nhiên lãnh đạo không có ý kiến chỉ đạo. Sau đó, Việt nghĩ ra cách thức sử dụng phương pháp gộp mẫu (sử dụng 1 test cho 2 mẫu) để giảm số test cần sử dụng xuống, tuy nhiên cũng chưa bù đủ số Kit PCR Việt Á đã hao hụt (khoảng 700 test).

Ngày 5-9-2020, CDC Quảng Trị tiếp nhận 4.032 Kit PCR do Tập đoàn Alibaba tài trợ. Việt được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm hiểu cách sử dụng. Khi thực hiện thành công, Việt đã hướng dẫn lại Phi và một số đồng nghiệp khác trong khoa áp dụng. Kit Alibaba chỉ có hạn sử dụng đến ngày 18-11-2020. Hết thời hạn, số Kit test còn lại hơn 2.000 vẫn được bảo quản tại tủ âm của Khoa Xét nghiệm do Việt quản lý.

Qua sử dụng thử nghiệm, Việt và Phi đánh giá số Kit Alibaba tuy đã hết hạn vẫn đạt yêu cầu. Việt và Phi không báo cáo với cấp trên mà chỉ chủ động tiếp tục sử dụng trong quá trình xét nghiệm sau thời gian ngày 18-11-2020. Mục đích nhằm bù lại số Kit PCR Việt Á bị hao hụt. Sau khi bù được thì tiếp tục áp dụng 2 phương pháp trên nhằm làm dư Kit PCR Việt Á. Số Kit PCR Việt Á dư được, Việt và Phi bảo quản tại tủ âm của Khoa Xét nghiệm và không báo cáo cho ai biết.

Khoảng giữa tháng 1-2021, trong 1 lần Phan Tôn Châu Thành (thuộc Cty Việt Á) thực hiện giao nhận hàng tại CDC Quảng Trị, Thành và Việt đã trao đổi về việc Cty Việt Á có chủ trương thu mua lại Kit PCR Việt Á nếu các đơn vị có nhu cầu bán. Sau đó, Việt trao đổi với Phi, cả hai cùng rà soát thấy thời điểm này còn dư hơn 1.000 Kit PCR Việt Á nên đã thống nhất sẽ bán số test này cho Cty Việt Á. Việt trao đổi với Thành bán lại 1.000 Kit PCR, Thành báo cáo và xin chủ trương của Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Cty Việt Á) và đồng ý thu mua số Kit trên. Thành báo cáo cho Chủ tịch HĐQT Cty dược Huế đồng thời liên hệ với trưởng phòng kinh doanh thông báo thu mua lại, hàng hóa sẽ được nhập kho Cty dược Huế theo chỉ đạo của Phan Quốc Việt.

Ngày 26-1-2021,Việt chiếm đoạt 1.000 Kit PCR để bán cho Cty Việt Á. Việt đóng gói hàng hóa rồi trực tiếp giao hàng cho Thành tại CDC Quảng Trị. Việt đã nhận số tiền bán được gần 260 triệu đồng và chuyển cho Phi hơn 95 triệu đồng. Sau khi bán lô hàng trên, Việt và Phi tiếp tục nảy sinh ý định sử dụng Kit PCR Alibaba và sử dụng phương pháp gộp mẫu để nhằm mục đích tạo dư Kit PCR Việt Á, sau đó bán lại cho Cty Việt Á khi có đề nghị.

Cuối tháng 7-2021, Việt và Thành cùng thỏa thuận với nhau về việc Cty Việt Á mua Kit PCR. Sau khi rà soát, Việt và Phi thấy dư 960 Kit PCR và 960 Kit tách chiết (dư so với số đã nhập kho do mua sắm) nên ngày 29-7-2021, Việt đã bán cho Cty Việt Á 960 Kit PCR và 960 Kit tách chiết. Đợt này, Việt Á trả cho Việt hơn 230 triệu đồng. Nhận được tiền, Việt chuyển cho Phi hơn 97 triệu đồng.

Việt và Phi hưởng lợi bất chính hơn 489 triệu đồng, trong đó Việt gần 297 triệu đồng, Phi hơn 193 triệu đồng. Ngày 20-6-2023, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự có kết luận số Kit test bị chiếm đoạt: 1.000 Kit PCR Việt Á (bán ngày 26-1-2021) có tổng trị giá 470 triệu đồng. 960 Kit PCR và 960 Kit tách chiết có giá trị hơn 480 triệu đồng. Tổng trị giá Việt và Phi chiếm đoạt của CDC Quảng Trị là hơn 951 triệu đồng. Quá trình điều tra, Việt và gia đình đã tự nguyện giao nộp 530 triệu đồng, Phi và gia đình nộp 100 triệu đồng.

Trong vụ án này, Thành là người trực tiếp thỏa thuận trao đổi với Việt, nhận hàng giao lại cho Cty Dược Huế và nhận tiền từ Cty Việt Á để thanh toán cho Việt. Tuy nhiên, không có căn cứ xác định việc Thành biết số Kit test do chiếm đoạt mà có. Vì vậy, không có cơ sở xem xét vai trò đồng phạm của Thành trong vụ án nêu trên. Xét vai trò của từng bị cáo, HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt bị cáo Việt 8 năm tù và bị cáo Phi 7 năm tù về tội: “Tham ô tài sản”.

BẢO HÀ