Xét xử đường dây làm giả, mua bán văn bằng giả xuyên Việt

Thứ bảy, 07/01/2017 10:16

(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 5 và 6-1, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với 10 bị cáo đã có hành vi làm giả, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả. Đây là đường dây cung cấp loại chứng chỉ, bằng cấp giả xuyên Việt đã bị Phòng ANĐT CA tỉnh Gia Lai cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ CA và CA nhiều địa phương triệt phá vào tháng 2-2016.

10 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Hoàng Đức Huấn (1986, trú H. Đan Phượng, Hà Nội, nguyên chuyên viên Phòng Nội vụ H. Đan Phượng), Trịnh Văn Chung (1989, tỉnh Nam Định), Lê Quang Phát (1991, trú Q. Thanh Xuân, Hà Nội), Lê Quang Lâm (1988, trú tại H. Yên Thế, Bắc Giang), Trịnh Văn Nam (1990, trú H. Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Võ Nguyễn Xuân Đan (1972, trú TX Tân Châu, An Giang), Nguyễn Quốc Hương (1976, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc), Phạm Thị Hồng An (1994, trú TP Thái Bình, Thái Bình), Bùi Thị Mỹ Phương (1990, trú H. Chư Prông, Gia Lai) và Đinh Thanh Lam (1987, chồng Phương). Dù biết các hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi, các bị cáo đã câu kết, hình thành đường dây chuyên làm giả, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả mạo.

Để bóc gỡ đường dây này, CQĐT CA tỉnh Gia Lai đã dày công theo dõi, nghiên cứu kỹ phương thức, thủ đoạn giao dịch cũng như quá trình làm văn bằng, chứng chỉ giả của các bị cáo trên… Theo cáo trạng, 9 giờ 30 ngày 23-2-2016, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang Bùi Thị Mỹ Phương cùng chồng là Đinh Thanh Lam đang bán 1 chứng chỉ tiếng Anh trình độ C giả mạo cho một đối tượng (không rõ nhân thân, lai lịch) tại quán cà-phê Noel (P. Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai). Tại CQĐT, Phương khai nhận dù tốt nghiệp đại học nhưng chưa tìm được việc làm, khi thấy một số cá nhân có nhu cầu mua văn bằng, chứng chỉ giả nên thông qua mạng xã hội facebook, nên Phương đặt mua của Lê Quang Lâm khoảng 20 chứng chỉ giả với giá từ 350-500.000 đồng/chứng chỉ để bán lại kiếm lời từ 400.000-450.000 đồng/chứng chỉ. Còn Lam đảm nhận việc đi nhận chứng chỉ giả do Lâm gửi qua đường bưu điện và gửi các chứng chỉ giả cho một số cá nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến ngày 29-2-2016, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng trên về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cũng từ đây, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã lần ra đường dây làm giả, mua bán văn bằng, chứng chỉ với sự tham gia của nhiều đối tượng trải dài từ Bắc, Trung, Nam. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến tháng 3-2016, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục ANĐT Bộ CA và CA nhiều tỉnh, thành phố bắt khẩn cấp các đối tượng trong đường dây này, gồm: Lê Quang Lâm, Phạm Thị Hồng An (bạn gái Lâm), Hoàng Đức Huấn, Lê Quang Phát, Trịnh Văn Chung, Trịnh Văn Nam, Nguyễn Quốc Hương và Võ Nguyễn Xuân Đan. Ngoài ra, Cơ quan ANĐT đã xác định được 360 đối tượng mua chứng chỉ, văn bằng giả nên đã đề nghị CA các địa phương, các cơ quan chủ quản xử lý riêng đối với các đối tượng này.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Trong quá trình điều tra cũng như phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hoàng Đức Huấn được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây. Trước vành móng ngựa, Huấn khai, do thấy việc làm các loại chứng chỉ, bằng cấp giả mạo dễ kiếm tiền nên cuối năm 2014, qua mạng Internet, Huấn mua hơn 14.000 phôi chứng chỉ tiếng Anh, tin học từ một phụ nữ tên Huyền (không rõ địa chỉ) với giá 130 triệu đồng. Sau đó Huấn tiếp tục mua 4.400 tem giả, máy in và 2 con dấu giả mang danh một số trường đại học sư phạm nổi tiếng để sản xuất các văn bằng, chứng chỉ giả. Tuy nhiên, dù chuẩn bị đủ “đồ nghề nhưng Huấn không tự in được chứng chỉ giả nên đã lên mạng Internet mua chứng chỉ, các bằng cấp khác rồi bán lại kiếm lời và bán lại phôi, tem cho các đối tượng khác. Trong đó, Huấn đã bán cho Chung 2.000 bộ phôi và tem giả, 1 bằng tốt nghiệp đại học giả và 50-60 chứng chỉ tin học, ngoại ngữa giả mạo; Huấn bán cho Phát 6 chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giả và 2.000 bộ phôi, tem, tuy nhiên chưa kịp giao dịch thì bị phát hiện. Ngoài ra Huấn bán cho các đối tượng khác hơn 100 chứng chỉ, tin học giả mạo. Tổng số tiền Hoàng Đức Huấn thu lợi bất chính từ việc mua bán chứng chỉ là 39 triệu đồng

Qua xem xét toàn diện vụ án, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên tổng cộng 210 tháng tù cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Huấn nhận mức án cao nhất với 30 tháng tù giam; các bị cáo còn lại đều nhận mức án từ 18-24 tháng, riêng 2 đối tượng Nguyễn Quốc Hương và Đinh Thanh Lam được hưởng án treo.

Minh Tân