Xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Thứ năm, 26/12/2024 07:44

Hôm nay (26-12), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan đối với 25 bị cáo có kháng cáo trong vụ án.

Theo đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự; 2 bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga (đềulà em gái bị cáo Quyết) kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại phần nội dung bồi thường, khắc phục hậu quả.

Bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh- HOSE) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 20 bị cáo khác trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù.

Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, ngày 5-8-2024, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với 49 bị cáo, trong đó cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù về 2 tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán". Cùng bị kết án về 2 tội danh này, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt 14 năm tù và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị phạt 8 năm tù. Các bị cáo Trầm Tuấn Vũ bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù về tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và bị cáo Lê Công Điền bị xử phạt 36 tháng tù về tội: "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên thành 4.300 tỉ đồng, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền hơn 3.621 tỉ đồng;

Bị cáo Trịnh Văn Quyết còn là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng; trong đó, phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, gồm: HAI, GAB, ART và FLC với số tiền thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

Đượcbiết, trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bồi thường được hơn 600 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS số tiền 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết. T.H