Xét xử phúc thẩm, xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm
Hôm nay (4-11), TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên toà xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan. Phiên tòa được xét xử trực tuyến ở 2 đầu cầu là trụ sở TAND Cấp cao và đầu cầu tại Trại giam T30 (H. Củ Chi, TP HCM). Dự kiến phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ ngày 4 đến 25-11.
Phiên xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 47 bị cáo khác về các tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Trong kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tử hình đối với mình là quá nghiêm khắc. Theo đơn kháng cáo, bị cáo Lan trình bày, bà ta cùng người thân và các bạn bè đã giúp Ngân hàng SCB hợp nhất kịp thời theo lời vận động và kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định toàn hệ thống tiền tệ tài chính quốc gia. Thời điểm đó, SCB có tổng tài sản là 145.000 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả là 133.000 tỷ đồng với lãi suất 35 - 52% mà SCB không có tài sản đáng giá, áp lực rất lớn. Các cổ đông đã không chia lợi nhuận suốt 11 năm, cho mượn tiền, sổ tiết kiệm, tài sản. SCB đã hoạt động ổn định, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn, không sử dụng kinh phí của Ngân hàng Nhà nước.
"SCB hoạt động theo luật tổ chức tín dụng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các liên ngành suốt 11 năm và không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy buộc cho một cá nhân chịu trách nhiệm toàn bộ… Dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa xét xử sơ thẩm tôi luôn thể hiện sự tự nguyện mang hết tài sản của tôi và tích cực phối hợp cùng SCB giải quyết khắc phục hậu quả, dùng các dự án đang dang dở để thu hồi đúng giá trị cho SCB...”, đơn kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan nêu.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX và các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp đối với gia đình bà cùng một số cá nhân khác.
Trước đó, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án giai đoạn 1 đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền 673.849 tỷ đồng.
T.H
Dòng sự kiện:Trước vành móng ngựa
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và một số quan chức Bộ Công Thương, Cục Thuế TPHCM đã “giúp đỡ” bà chủ Xuyên Việt Oil như thế nào?
Tuyên tử hình và chung thân 2 đối tượng mua bán 12.000 viên hồng phiến
Một bị cáo nộp tiền khắc phục cho cơ quan thi hành án nhiều hơn bà Trương Mỹ Lan
Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả to
Xét xử 5 đối tượng hủy hoại rừng để làm nương rẫy