Xin đừng thương mại múa Lân

Thứ tư, 19/09/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Sẽ không có ý nghĩa,  nếu Trung thu không có múa Lân. Múa Lân là di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là đối với thiếu niên nhi đồng. Hơn thế nữa, múa Lân là một bộ môn nghệ thuật dân gian phục vụ cho các hoạt động lễ hội mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Thế nhưng những năm gần đây, vào dịp Tết Trung thu, múa Lân không được các cơ sở Đoàn Thanh niên cũng như nhà trường đứng ra tổ chức,  mạnh ai nấy làm. Chính vì bị thả nổi, múa Lân trở thành công cụ kiếm tiền mang tính thương mại. Ở nông thôn, trước Trung thu từ 5 đến 7 ngày, múa Lân bắt đầu xuất hiện với đủ các chủng loại lớn nhỏ, và từ 19 giờ đến đến 23 giờ mỗi đêm. Do kéo dài  nhiều đêm, mỗi lần có Lân đến nhà vì không có tiền buộc lòng bà con phải đóng cửa, và như vậy, phải đón nhận các trận mưa đá vào nhà, thậm chí bị chửi tục, mất văn hóa... Ngoài ra, do tranh giành “lãnh thổ”, nhiều nhóm Lân xảy ra khẩu chiến rồi dẫn đến hỗn chiến. Ngang nhiên hơn, có khi Lân đón cả ô-tô đang lưu thông trên đường, chặn đầu xe xin tiền, nếu tài xế không đáp ứng không những bị đánh mà còn hăm dọa, văng tục.

Hội thi múa Lân tại Nhà Thiếu nhi TP Đà Nẵng. 

Trước thực trạng múa Lân lấn sang hệ tiêu cực, dư luận không đồng tình và đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm đưa ra các chế tài về quản lý cũng như các tiêu chí kèm theo với những tổ chức và cá nhân được phép tổ chức múa Lân. Bởi cứ tiếp tục thả nổi múa Lân như hiện nay, sẽ không những làm lu mờ giá trị văn hóa truyền thống mà còn làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn giao thông.

Trung thu đã đến gần, trước khi chờ đợi các chế tài quản lý của các ngành chức năng, nên chăng những người làm cha làm mẹ cần giáo dục, ngăn chặn con em không nên biến múa Lân trở thành công cụ thương mại. Ngăn chặn các biểu hiện biến múa Lân trở thành phương tiện thương mại là góp phần gìn giữ giá trị văn hóa quý hiếm được truyền tụng chuyển giao qua nhiều đời đối với dân tộc ta nói chung và còn ý nghĩa hơn đối với thiếu niên, nhi đồng, lứa tuổi mà nếu không có múa Lân thì Trung thu không còn ý nghĩa.

Nguyễn  Gia