Xóa bỏ định kiến, kỳ thị với người chấp hành xong án phạt tù

Thứ tư, 13/03/2019 15:01

Tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT) là quá trình khó khăn cho chính bản thân người được tha tù, kể cả gia đình họ. Chính vì vậy, để giúp những người này có thể hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành, đoàn thể và sự chung tay của toàn xã hội bằng những hành động thiết thực...

Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật cho người dân và những NCHXAPT tại Ngũ Hành Sơn.  

Vứt bỏ quá khứ lạc lối

Do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện đường bộ nên giữa năm 2016, M.V.T (1990, trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị TAND H. Bình Sơn (Quảng Ngãi) tuyên phạt 20 tháng tù giam. Vào trại giam, T. cố gắng lao động, học tập, cải tạo để sớm về với gia đình, người thân. Tháng 2-2018, T. được đặc xá trước thời hạn. Do mang trên mình tiền án nên khi về địa phương, T. gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như xin việc làm. Nhờ sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể, T. đã vươn lên, tìm được việc làm tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Từ đây T. dần ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng. Để chuộc lại lỗi lầm do mình gây ra trong quá khứ, T. viết đơn tình nguyện xin vào lực lượng dân phòng tại địa phương. T. cho biết: "Qua công tác tổ chức tuần tra đêm giữ gìn ANTT tại khu dân cư, tôi đã cùng các anh Cảnh sát khu vực giải quyết hàng loạt vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, mâu thuẫn nội bộ nhân dân cũng như  tham gia bảo vệ hiện trường nhiều vụ tai nạn giao thông... Tôi mong rằng các ban ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm sâu sát đối với những người lầm lỗi để chúng tôi có điều kiện hoàn lương, trở thành công dân tốt, sống và làm việc có ích cho gia đình và xã hội".

Cùng có quá trình tù tội nhưng biết vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội như M.V.T là T.V.T (1991, trú Q. Ngũ Hành Sơn). T. từng bị TAND Q. Ngũ Hành Sơn tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Năm 2015, do cải tạo tốt, T. được đặc xá ra tù trước thời hạn. Với tâm lý mặc cảm, hơn 1 tháng từ khi về nhà, T. không dám gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là CAP đến tận nhà động viên, T. đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội và mở tiệm sửa chữa xe máy để kiếm sống.

Nhờ đó, T. đã dần có niềm tin làm lại cuộc đời. Gần đây, trong một lần đến Bến xe Đà Nẵng nhận hàng, T. gặp L. Qua trò chuyện, được biết L. không có nghề nghiệp ổn định, đang có chiều hướng theo đối tượng xấu, T. đã động viên và đưa em về tiệm sửa chữa xe máy của mình để truyền nghề. Đến nay, tay nghề của L. đã vững vàng và có thể ra riêng. T. tâm sự: "Do không hiểu biết về pháp luật nên tôi đã có hành vi vi phạm pháp luật. Khi ra tù với 2 bàn tay trắng, tôi nghĩ rằng, mình không còn ước mơ, hoài bão. Vậy nhưng, nhờ sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, Cảnh sát khu vực, tôi đã mở tiệm sửa chữa xe máy tại nhà và kiếm thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. Cuộc đời của tôi được chuyển sang trang mới tốt đẹp hơn. Từ trải nghiệm bản thân, tôi muốn giúp L. rời xa môi trường xấu".

Cần chung tay của toàn xã hội

Theo Trung tá Trần Việt Hùng- Trưởng CAP Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn), P. Mỹ An hiện đang quản lý 17 NCHXAPT. Tất cả những người này đều được CAP phối hợp với các ban ngành, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ thích nghi với đời sống xã hội, tạo kế sinh nhai. Rất nhiều trường hợp trong số đó đã phấn đấu vươn lên vượt qua mặc cảm và trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo ANTT tại địa phương, được nhân dân và các cấp lãnh đạo ghi nhận. Điển hình như trường hợp anh Mai Văn D. (trú P. Mỹ An), là người THNCĐ, sau khi về địa phương, CAP và các đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tư tưởng, nhu cầu và tham mưu UBND phường hỗ trợ vay vốn làm ăn có hiệu quả và tạo thêm được việc làm cho những người cùng hoàn cảnh với anh tại địa phương...

Trung tá Trần Việt Hùng cho biết, vấn đề khó nhất để hỗ trợ NCHXAPT THNCĐ chính là giải quyết việc làm. Phần đông người THNCĐ còn mặc cảm, tự ti, sống khép kín, khó hòa nhập nên khó xác định số người cần giới thiệu việc làm, học nghề hay hỗ trợ vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khi tuyển công nhân có yêu cầu xác nhận lý lịch thì những người chưa xóa án tích khó vào làm hoặc do trình độ tay nghề. Vì vậy, nhiều người sau khi ra tù không tìm được việc làm nên bị kẻ xấu lợi dụng dẫn tới tái phạm... Trung tá Hùng cho rằng: "Để công tác THNCĐ đi vào chiều sâu có hiệu quả thiết thực hơn nữa, các cấp ngành, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực tham gia xóa bỏ mặc cảm kỳ thị, hỗ trợ, giúp đỡ NCHXAPT trở về địa phương ổn định cuộc sống. Đồng thời, các ban ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện cho vay vốn, vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận NCHXAPT vào làm việc để ổn định cuộc sống; kịp thời biểu dương, khen thưởng những NCHXAPT tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng...".

Việc hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục NCHXAPT THNCĐ là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng CA đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Làm tốt điều này sẽ là giải pháp quan trọng, góp phần kiềm chế tội phạm gia tăng, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết mọi người phải thay đổi nhận thức xóa bỏ định kiến trong cộng đồng xã hội đối với những người đã từng có quá khứ vi phạm pháp luật khi họ đã chấp hành xong hình phạt tù trở về cộng đồng...

TRÍ DŨNG