Xới rừng tìm “thần dược”
(Cadn.com.vn) - Người dân ở khắp các địa phương của tỉnh TT- Huế đổ xô vào những cánh rừng tự nhiên trên rú cát xã Phú Xuân (H. Phú Vang) để đào tìm lấy rễ cây mật nhân (tên dân gian là lộc bệnh). Loại cây này được cho rằng là một loại “thần dược” trị bá bệnh, có giá trị kinh tế cao.
Rễ cây mật nhân được UBND xã Phú Xuân bắt giữ của một số người đào trộm.
Ồ ạt đào rễ mật nhân
Ngày 29-10, chúng tôi về xã Phú Xuân (Phú Vang), nơi có 2 thôn Quảng Xuyên và Ba Lăng có diện tích rú cát tự nhiên khoảng 25ha được cho là “điểm nóng” về khai thác cây “thần dược” này. Tại thôn Ba Lăng, với khoảng 1 ha rú cát do cộng đồng thôn Ba Lăng và UBND xã Phú Xuân quản lý đã xuất hiện hàng trăm điểm đào bới tìm rễ mật nhân. Theo quan sát, cây mật nhân là cây thân gỗ thường mọc chung bụi với những cây khác nên để đào được cây này phải đào luôn những cây bên cạnh vì rễ cây mật nhân ăn sâu vào cát. Ở cánh rừng thôn Ba Lăng, hàng trăm gốc mật nhân bị xới nát, nhiều hố vẫn còn dấu đất mới đào. Ông Phan Đăng Phóng- Trưởng thôn Ba Lăng cho biết, việc người dân vào khu vực rú cát đào bới cây mật nhân xuất hiện ồ ạt gần cả tháng nay. Số lượng người đến đào trộm mật nhân rất nhiều nhưng chính quyền địa phương chỉ mới phát hiện, tịch thu phương tiện và đẩy đuổi 2 trường hợp vi phạm trú tại thị trấn Phú Đa (H. Phú Vang).
Ông Phóng cũng cho biết thêm, tình trạng đào bới cây mật nhân gây ảnh hưởng đến trật tự xóm làng. Do lực lượng cán bộ của thôn mỏng, nạn đào trộm xảy ra vào buổi trưa hay ban đêm giữa rừng rú rậm rạp nên rất khó truy bắt, xử lý. Theo ông Phóng, trước đây chủ yếu người ngoài địa bàn về đào bới cây mật nhân. Nhưng khi một số người trong xã nghe người dân đồn thổi về công dụng của cây “thần dược” này đã có rất nhiều người trong thôn đổ xô đi đào bới. “Thôn Ba Lăng có hơn 320 hộ thì hơn một nửa đi đào cây mật nhân, dù chưa biết mang về để làm gì. Nghe đâu nó có nhiều công dụng chữa bệnh lắm. Người ta đồn rằng, mỗi cân rễ thái lát phơi khô có giá từ 300- 500 ngàn đồng. Nói vậy, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy ai hỏi mua, mà người dân cứ phơi khô dự trữ”- ông Phóng cho biết.
Một hố còn dấu đất mới đào xới để tìm rễ mật nhân.
Vì nghe đồn “thần dược” ?
Về thôn Ba Lăng, chúng tôi thấy rất nhiều nhà ở trước sân đều phơi rễ mật nhân. Theo ông Phan Huấn, nghe thiên hạ đồn đại rễ cây mật nhân này là “thần dược” chữa bách bệnh nên cũng huy động người nhà đi đào chứ chẳng lẽ thuốc quý mà để người lạ về đào hết, mình ở ngay đó phải có một ít để dự trữ chứ. Khi chúng tôi hỏi phương thức, liều lượng sử dụng, cách bào chế mật nhân để làm thuốc, nhiều người dân Phú Xuân đều mập mờ. Một số người cho biết, đã thử sắc uống để chữa tiểu đường, huyết áp, mỡ máu nhưng không thấy tác dụng. Một số người khác thì phơi khô, sao vàng, hạ thổ sau đó ngâm rượu uống. Họ còn lý giải rằng, nếu là “thần dược” cứ uống không trị bệnh này cũng trị bệnh khác?!
* Cách đây vài tháng, tình trạng đào cây mật nhân rộ lên ở các vùng như Phú Yên, Đăk Nông, Gia Lai..., 1kg có giá từ 600- 800 ngàn đồng/kg. Theo một số tài liệu, cây này làm tăng tính dục cho nam giới. Rễ cây sấy khô chữa được bệnh như: gân xương nhức mỏi, ăn không tiêu, nôn mửa, cảm mạo, chữa say rượu. Quả trị bệnh lỵ, tiêu chảy. Lá đun với nước trị ghẻ. Nhưng với những người có đề kháng yếu, trong cơ thể mang nhiều bệnh liên quan đến nội tạng như gan, mật, dạ dày... nếu dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là phụ nữ có thai không nên dùng cây này làm thuốc. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, những cây mật nhân lớn gần như đã biến mất trên vùng rú cát xã Phú Xuân. Tác dụng của cây mật nhân như thế nào rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Điều đáng nói, nếu người dân cứ ào ạt đào trộm cây mật nhân thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại địa phương.
Hải Lan- V.A