Xót xa những cánh rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam bị cháy nham nhở
Các cánh rừng phòng hộ ven biển thuộc các huyện Thăng Bình, Núi Thành rộng hơn 3.600ha, trong đó 2.875ha có rừng, 761ha đất trống, ngập nước theo mùa. Những cánh rừng được trồng từ những năm 1990 của dự án PACSA, gồm các cây keo lưỡi liềm, phi lao chắn gió, cát. Tuy nhiên, liên tiếp từ tháng 6-2023 đến nay, trên địa bàn các xã Bình Dương, Bình Nam, Bình Sa, Bình Minh của huyện Thăng Bình và xã Tam Tiến của huyện Núi Thành thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng phòng hộ ven biển. Dọc theo tuyến đường Võ Chí Công qua địa phận các xã này, mọi người dễ dàng nhận thấy nhiều diện tích rừng phòng hộ 2 bên đường bị cháy nham nhở.Có những khoảnh rừng bị cháy khoảng vài trăm mét, nhưng có khu vực rừng bị cháy một diện tích rất lớn, lên đến hàng ngàn mét vuông, lá cây nhám màu đỏ úa.
Đơn cử như cuối tháng 6 vừa qua, trong lúc đi kiểm tra công tác PCCCR về, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu cũng bất ngờ chứng kiến vụ cháy rừng phòng hộ tại khu vực xã Bình Nam, giáp ranh xã Bình Sa. Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cùng người dân đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường để dập lửa. Do khu vực này thực bì, lá cây khô kèm nắng nóng và gió to nên đám cháy lan ra khá nhanh, khói bốc cao ngùn ngụt quanh một khu vực rộng lớn. Ngọn lửa bùng phát dữ dội đã làm cháy nhiều diện tích cây rừng và thực bì ở dưới đất.
Trước đó, cũng tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), một vụ cháy rừng phòng hộ PACSA thuộc địa bàn thôn Lạc Câu, do UBND xã Bình Dương quản lý đã làm thiệt hại 20,86ha rừng. Số cây bị cháy là keo lưỡi liềm được trồng theo Dự án PACSA đã bị gãy, ngã đổ do ảnh hưởng của các cơn bão năm 2020 và 2022. Ước tính thiệt hại trên 70%... Theo báo cáo của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 11 vụ cháy rừng trồng, thiệt hại tài nguyên rừng là 48,133ha với loài chủ yếu là keo lưỡi liềm và phi lao tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, do lực lượng Kiểm lâm cơ động và PCCCR tại địa bàn vẫn còn mỏng, nhiều địa phương 1 công chức kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 4 - 5 xã nên công tác tuyên truyền và chữa cháy không đảm bảo tính kịp thời, cơ động. Bên cạnh đó, kinh phí cấp cho công tác mua sắm trang thiết bị hư hỏng, sửa chữa vận hành quá ít đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phòng và chữa cháy rừng.
Liên quan đến công tác PCCCR, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ban hành Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách trong PCCCR. Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đến mọi tầng lớp nhân dân biết và thực hiện.
Thực hiện phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và cần đặc biệt chú ý an toàn tính mạng con người và tài sản khi tham gia chữa cháy rừng; chủ động phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng” trong công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra. “Đồng thời khẩn trương chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng vừa xảy ra trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng”, nội dung công điện nhấn mạnh.
BÃO BÌNH