Xử lý nhiều trường hợp đăng tin sai sự thật, xuyên tạc Đại hội khỏe “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ IX
Từ ngày 11 đến 18-10, Bộ Công an tổ chức Đại hội khỏe “Vì ANTQ” lần thứ IX và Hội thi điều lệnh, quân sự, võ thuật CAND lần thứ VI khu vực 3 diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ngày hội là cơ sở để đánh giá chất lượng thể dục thể thao, điều lệnh, quân sự, võ thuật của 20 đơn vị Công an ở khu vực phía Nam. Thế nhưng, một số tài khoản, trang, hội nhóm mạng xã hội đăng tải, phát tán nội dung sai sự thật, xuyên tạc rằng: “Đoàn xe mô-tô của công an biểu diễn lạng lách, đánh võng, coi thường quy định pháp luật”.
Sự so sánh ấu trĩ và cố tình xuyên tạc
Theo Ban tổ chức Đại hội và Hội thi, tất cả chương trình, kế hoạch tổ chức, các hoạt động diễn ra trong Đại hội khỏe và Hội thi đều được Bộ Công an, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, cấp phép. Trong đó, chương trình biểu diễn của đội mô-tô hộ tống danh dự của Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đều là mô phỏng các tình huống nghiệp vụ mà lực lượng Công an sẽ xử lý trong thực tế, phục vụ công tác, chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH.
Đoàn xe mô-tô hộ tống được sử dụng để thực hiện nghi lễ mô-tô hộ tống danh dự bảo vệ đoàn nguyên thủ quốc gia các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam, các Đại sứ trình quốc thư. Trong đó kỹ năng vừa điều khiển xe mô-tô hộ tống vừa thực hiện động tác đứng dậy chào và thôi chào theo nghi lễ ngoại giao; kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm xảy ra như: vừa điều khiển xe mô-tô hộ tống vừa thực hiện động tác đứng, rút súng mô phỏng động tác bắn nhằm tiêu diệt đối tượng xâm phạm đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ; kỹ năng vừa điều khiển xe mô-tô hộ tống vừa thực hiện chiến thuật thay đổi đội hình nhằm linh hoạt xử lý phù hợp với cung đường trong quá trình di chuyển…
Đối với các kỹ năng trên, CBCS trực tiếp tập luyện, biểu diễn đều đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe, quy định pháp luật liên quan về điều khiển phương tiện, giấy phép sử dụng xe mô-tô; được tuyển chọn kỹ lưỡng theo quy định nghiệp vụ riêng của lực lượng Cảnh vệ, Bộ Công an. Đây là hoạt động nghiệp vụ với những kỹ năng khó, đòi hỏi CBCS phải luyện tập thường xuyên, nhuần nhuyễn nhằm đáp ứng xử lý các tình huống nguy hiểm xảy ra trong công tác phòng, chống tội phạm; được các cơ quan chức năng cấp phép và triển khai tập luyện, biểu diễn mô phỏng theo đúng quy định pháp luật. Các điều kiện để triển khai các tình huống tập luyện, biểu diễn đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt nhằm đảm bảo các hoạt động được diễn ra an toàn, đúng quy định, không để phương tiện người dân lưu thông vào các khu vực nêu trên…
Việc một số tài khoản, trang, hội nhóm mạng xã hội đăng tải, phát tán nội dung cho rằng “Đoàn xe mô-tô của Công an biểu diễn lạng lách, đánh võng, coi thường quy định pháp luật” và so sánh với trường hợp điều khiển xe mô-tô vi phạm của người mẫu Ngọc Trinh... là cố tình xuyên tạc, sai sự thật, xúc phạm đến uy tín của tổ chức, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ban tổ chức đại hội và hội thi.
Bởi, bản chất việc thao diễn đội hình mô-tô hộ tống danh dự của Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ khác hoàn toàn với hành vi vi phạm của trường hợp Ngọc Trinh (điều khiển xe gắn máy phân khối lớn, không mặc đồ bảo hộ, thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, di chuyển trên nhiều tuyến đường giao thông công cộng, không được cơ quan chức năng cấp phép, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT công cộng và ATGT, vi phạm pháp luật). Việc đăng tải, bình luận, chia sẻ, phát tán thông tin trên không gian mạng nhưng không kiểm chứng, không tìm hiểu đầy đủ các quy định pháp luật, sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức là vi phạm pháp luật.
Hậu quả nhãn tiền
Qua công tác đảm bảo an ninh mạng, Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện một số tài khoản, trang, hội nhóm mạng xã hội đăng tải, phát tán nội dung sai sự thật, xuyên tạc về các hoạt động liên quan đến Đại hội khỏe và Hội thi. Ban Giám đốc Công an tỉnh đã giao Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng ANM) chủ trì, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Trong ngày 12-10, Phòng ANM phối hợp Công an TP Đà Lạt triệu tập, làm việc 3 trường hợp, gồm: ông N.Đ.T (1971, trú P. 2, TP Đà Lạt), chủ tài khoản Facebook “N.T”; ông B.V.T (1985, trú P. 9, TP Đà Lạt) và ông V.M.N (1984, trú P. 12, TP Đà Lạt). Những cá nhân này đã có hành vi đăng tải nội dung xuyên tạc, sai sự thật cho rằng các hoạt động tập luyện của đội mô-tô hộ tống danh dự của Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là “ỉ quyền, ỉ thế chạy xe thả hai tay lạng lách đánh võng, không coi pháp luật ra gì… việc tập luyện để đi ăn cướp”.
Bên cạnh đó, Phòng ANM tiếp tục phát hiện, làm việc với quản trị viên của các trang, hội nhóm cộng đồng lớn tại địa phương gồm: bà T.H (1982, trú P. 6, TP Đà Lạt; quản trị trang Facebook “I.Q.O.S Đà Lạt”) đã có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về hoạt động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh CAND là “dịch vụ cưỡi ngựa ngắm hồ Xuân Hương…”; ông M.Đ (1991,trú P. 4, TPĐà Lạt;đồng quản trị trang Facebook “Thông Tin Đà Lạt”).Ngoài ra còn có quản trị viên các nhóm Facebook khác, như: “Người Đà Lạt”, “Đà Lạt ReView Tất Tần Tật”… có hành vi buông lỏng, không kiểm duyệt nội dung, phê duyệt cho người theo dõi đăng tải các tin, bài, bình luận có nội dung sai sự thật, vi phạm pháp luật trên trang do bản thân quản trị, điều hành.
Tại buổi làm việc với cơ quan Công an, các trường hợp nêu trên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của bản thân, nguyên nhân do không tìm hiểu, không kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, chưa tìm hiểu quy định pháp luật trong quá trình quản trị trang, hội, nhóm mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật.
Hiện, Công an tỉnh Lâm Đồng đang củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục xác minh tất cả các trường hợp tài khoản cá nhân ở trong và ngoài địa phương đăng tải, bình luận, chia sẻ, quản trị viên các trang, hội nhóm buông lỏng kiểm duyệt, phê duyệt cho thành viên đăng tải các nội dung sai sự thật, vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định của pháp luật.
C.A.L.Đ