Xử lý ô nhiễm nước thải ven biển: Cần làm ngay!
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, tình trạng xả nước thải ra các bãi biển mỗi khi mưa xuống gây mùi hôi thối làm người dân và du khách đến Đà Nẵng không hài lòng. Nguyên nhân chính được cho là các công trình xử lý nước thải (XLNT) dọc bãi biển Đà Nẵng đã xuống cấp và quá tải, công nghệ XLNT lạc hậu...
Một cống xả thải bốc mùi hôi thối dọc tuyến đường ven biển Đà Nẵng. |
Hiện nay, các bãi tắm biển trên địa bàn Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) là những bãi tắm thu hút đông người dân và du khách nhất, song khu vực này đang tồn tại những cống thoát nước thải bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm cho cả vùng. Theo thống kê của ngành chức năng Q. Sơn Trà (Đà Nẵng), hiện có nhiều cống thoát nước thải xả thẳng ra biển như: đường T20, Temple, Thọ Quang, đặc biệt khu vực bãi biển Mỹ Khê đến bãi biển Phạm Văn Đồng (đường Võ Nguyên Giáp).
Anh Huỳnh Văn Đức, Quản lý bãi tắm Sao Biển (thuộc bãi biển Mỹ Khê), cho biết: "Mỗi lần có mưa, dòng nước đen ngòm chảy tràn lan trên mặt cát từ cống thoát nước thải rồi đổ ra bãi tắm ngay trước mắt du khách, ai thấy cũng rợn cả người. Kèm theo dòng nước đen là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc".
Nói về tình trạng này, ông Mai Mã, Giám đốc Cty thoát nước và XLNT Đà Nẵng, cho biết: Hệ thống thoát nước của TP Đà Nẵng đang gộp chung, vừa thoát nước thải, vừa thoát nước mưa, khi trời mưa hoặc mất điện, nước thải sẽ chảy tràn ra cống xả. Nếu ngăn lại thì sẽ gây ngập úng cho các khu vực dân cư phía trên. Vì vậy, giải pháp cấp thời, hoặc là để khu dân cư ngập úng, hoặc là để bãi biển mất vệ sinh!? Theo ông Mã, hệ thống xử lý nước thải trên các tuyến đường ven biển đã quá cũ. Cty thoát nước và XLNT Đà Nẵng cũng đã nhiều lần phản ánh vấn đề này với các ban, ngành liên quan, đề nghị đốc thúc các đơn vị liên quan xử lý vấn nạn nước thải chảy ra bãi biển, nhưng vẫn chưa thấy có chuyển biến gì tích cực. Ông Mã trăn trở: "Chúng tôi rất lo lắng về sự ô nhiễm này, nhất là dịp cao điểm của mùa du lịch Đà Nẵng. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, biển Đà Nẵng sẽ không còn đẹp trong mắt du khách".
Chúng tôi đã đi thực tế hầu hết các miệng cống nước thải xả ra dọc tuyến đường biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Có thể đếm được 16 cửa xả trong đó chủ yếu là dùng để thu gom nước mưa xử lý. Đúng như ông Mai Mã nói, tình trạng ô nhiễm là do các trạm bơm dọc tuyến này đang quá tải, sau mỗi cơn mưa, nước thải tràn ra biển, cuốn theo đất cát, rác bốc mùi hôi thối. Để giải quyết vấn đề này, Cty thoát nước và XLNT Đà Nẵng đã dùng giải pháp tạm thời là gạt ngăn lại cát để tạo cảnh quan, phun hóa chất khử mùi tại các miệng cống...
Ông Mã cho biết: "Công ty đã nghiên cứu và áp dụng hệ thống van lật để giữ nước thải, ngăn mùi bay ra, ngăn không cho nước thải tràn ra biển và ngăn cát từ biển vào lấp cửa xả. Đến nay cũng mới chỉ áp dụng được tại 3 cửa, ban đầu đã phát huy hiệu quả, Cty cũng đang đề nghị thành phố cho áp dụng van lật tại các cửa xả còn lại nhưng thành phố chỉ mới đồng ý thêm 1 cửa". Để giảm thiểu ô nhiễm ở các trạm này, công ty đã xây dựng các tuyến ống ngầm để dẫn nguồn nước đã xử lý ra môi trường đồng thời tiếp tục đề xuất Sở TN&MT cho xử lý bằng chế phẩm xử lý mùi ngay trước khi đưa nước ra môi trường. Đối với việc xử lý bọt tại các miệng đầu ra của các trạm, công ty đã áp dụng biện pháp xử lý tại nhà máy bằng các chất kháng bọt để giảm bọt phát tán ra môi trường.
Hiện Đà Nẵng có 4 trạm XLNT dân sinh gồm trạm Phú Lộc (đổ ra biển Nguyễn Tất Thành ), Sơn Trà (đổ ra âu thuyền Thọ Quang), Ngũ Hành Sơn (đổ ra sông Cổ Cò) và Hòa Cường (đổ ra khu vực Đò Xu - cầu Hòa Xuân) với tổng công suất xử lý khoảng 100.000m3/ngày đêm. Hiện nay hầu hết các trạm này đều trong tình trạng quá tải. Vấn đề XLNT, mùi hôi tại các miệng cống đổ ra biển cũng đã được lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà kiến nghị với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi làm việc vào chiều 4-8-2016. Theo đó, địa phương đề nghị TP và các ngành chức năng cần phải khẩn trương có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này để đảm bảo môi trường du lịch.
Hồng Thanh