Xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành điện
Sáng 10-7, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị về cung ứng, tiết kiệm và đảm bảo an toàn điện trên địa bàn TP năm 2024.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến 6 nội dung chính gồm có: đánh giá kết quả thực hiện công tác cung ứng điện, tiết kiệm điện và an toàn điện năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024; phương hướng, giải pháp công tác này trong thời gian tới; công tác quản lý giám sát hệ thống điện; xây dựng hệ thống điện thông minh; phát triển năng lượng tái tạo bền vững; tăng cường truyền thông và giáo dục cộng đồng về việc tiết kiệm và đảm bảo an toàn điện.
Thông tin về tình hình cung ứng điện trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Lê Hồng Cương – Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết, sản lượng điện thương phẩm đạt 1,75 tỷ kWh, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023; công suất điện cực đại (Pmax) đạt 668 MW (vào ngày 14-6), vượt 8,7% so với công suất cực đại năm 2023; sản lượng điện ngày lớn nhất là 13,7 tr.kWh (vào ngày 14-6), vượt 7,8% sản lượng cực đại năm 2023… Chia sẻ về công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ông Thái Việt Hùng – Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương TP) cho biết, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn TP đạt khoảng 3,69%; tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn TP là 81,6MW.
Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Sở Công Thương TP đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) triển khai ký thỏa thuận tiết kiệm điện với từng nhóm khách hàng. Tính đến 17-4-2024, PC Đà Nẵng đã ký biên bản thỏa thuận tiết kiệm điện với 28.121 khách hàng thuộc nhóm hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, đạt tỷ lệ 100%, sản lượng cam kết tiết kiệm điện đạt 46,8 triệu kWh. Về đảm bảo an toàn điện, trong 6 tháng đầu năm 2024, PC Đà Nẵng đã phát hiện, kịp thời cảnh báo an toàn 144 trường hợp công trình thi công xây dựng sửa chữa nhà, thi công hạ tầng giao thông có nguy cơ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; công tác đảm bảo an toàn khoảng cách phóng điện và bảo vệ hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn TP được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP không xảy ra tai nạn điện; không xảy ra sự cố, tai nạn điện do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cung ứng, tiết kiệm và đảm bảo an toàn điện trên địa bàn TP cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Các khó khăn, vướng mắc này theo ông Trần Xuân Hưng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện Miền Trung là quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục, vướng mắc liên quan đến việc triển khai đầu tư, thi công các dự án, công trình điện còn chậm; tình trạng đốt rừng, đốt rẫy, đốt thực bì, đốt hương, vàng mã tại nghĩa trang, v.v… gần công trình điện lưới dẫn đến có khả năng cháy gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện; khai thác đất, san lấp mặt bằng, thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông… ảnh hưởng đến hạ tầng điện lưới; thả diều, vật bay, pháo kim tuyến gần công trình lưới điện cao áp gây nguy cơ mất an toàn điện lưới… Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư, các đơn vị kinh doanh, vận hành điện lưới trên địa bàn TP kiến nghị UBND TP, Sở Công Thương TP tiếp tục quan tâm, xử lý tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác cung ứng, tiết kiệm và đảm bảo an toàn điện.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Văn Trừ đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung, Công ty Truyền tải điện 2, Ban Quản lý dự án lưới điện Miền Trung, PC Đà Nẵng và các nhà đầu tư thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch TP Đà Nẵng; PC Đà Nẵng tiếp tục bám sát Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 154/KH-UBND của UBND TP về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, phối hợp với UBND các quận, huyện đẩy mạnh các chương trình nâng cao nhận thức xã hội về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Sở Công Thương TP cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương của TP thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nguồn điện thông qua đấu giá hoặc đấu thầu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan; tham mưu UBND TP bố trí quỹ đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư để các đơn vị ngành điện và chủ đầu tư công trình điện triển khai dự án được thuận lợi; tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thực hiện quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền…
Về phần mình, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP kiến nghị Bộ Công Thương hoàn thành dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, làm rõ quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện nhằm triển khai đầu tư xây dựng các dự án điện theo quy hoạch; lấy ý kiến của các sở, ban, ngành hữu quan để trình UBND TP xử lý các kiến nghị của PC Đà Nẵng nói riêng, ngành Điện nói chung.
PHÚ NAM