Xung đột biên giới: Vấn đề nan giải của Thái Lan-Campuchia

Thứ tư, 09/02/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Tiếng súng lại vang lên xung quanh khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan với sự góp mặt của vũ khí hạng nặng như súng máy, đạn cối... khiến mối quan hệ vốn rất căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang.

Giao tranh vì đền cổ

Mối quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan trong những năm gần đây luôn trong trạng thái “căng như dây đàn” chủ yếu do những tranh chấp biên giới, nhất là tranh chấp quyền sở hữu ngôi đền cổ Preah Vihear đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Những cuộc khẩu chiến kịch liệt từ hai phía trong thời gian qua đã bùng nổ thành cuộc đấu pháo ác liệt từ ngày 4-2, gây thương vong đáng tiếc cho binh sĩ hai nước và cả dân thường. Đợt căng thẳng hiện thời xảy ra sau khi tòa án Campuchia kết án 2 nhân vật theo phe dân tộc chủ nghĩa người Thái Lan 8 năm tù vì tội “do thám”. Hai bên Thái Lan và Campuchia cũng đổ lỗi cho nhau là vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Theo AP, một chỉ huy quân đội Campuchia nói họ “đánh trả” vì phía Thái Lan “nổ súng trước”. Trong khi đó, AFP dẫn lời thiếu tá quân đội Thái Lan, Sunsern Kaewkumnerd nói, “Thái Lan chỉ bắn trả, chiến sự vẫn tiếp diễn, hiện chưa có tin tức gì về con số thương vong”. Theo một số nhà quan sát, nguyên nhân khiến Thái Lan - Campuchia căng thẳng là vì mỗi nước sử dụng bản đồ riêng: Campuchia dùng số liệu từ thời Pháp, còn Thái Lan dùng tài liệu của Mỹ. Xuất phát từ những căn cứ khác nhau này, hai nước không thể thống nhất về lãnh thổ và chuyện va chạm là khó tránh khỏi.

 Binh sĩ Campuchia bắn trả Thái Lan từ hàng rào bao cát. Ảnh: Reuters

Vai trò của ASEAN

Trong vụ xung đột biên giới trên bộ dai dẳng từ mấy năm qua giữa Thái Lan và Campuchia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) một lần nữa lại gặp phải thách thức về uy tín với tư cách là tổ chức cấp vùng cao nhất.

Nước chủ tịch ASEAN là Indonesia muốn hai nước hòa giải. Trong thông cáo báo chí ngày 7-2, ASEAN đã hối thúc Thái Lan và Campuchia trở lại bàn đàm phán. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng dọc biên giới hai nước, cho rằng các vụ xung đột đang làm xói mòn niềm tin trong ASEAN, tác động tiêu cực tới triển vọng phục hồi kinh tế, du lịch và đầu tư trong khu vực. Ông kêu gọi hai bên kiểm soát tình hình xung đột và sớm trở lại bàn thương lượng, đồng thời cho phép ASEAN giúp dàn xếp một hình thức ngừng bắn tạm thời, vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như của ASEAN. Ông cho biết, đã liên lạc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya để thảo luận tình hình, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh, kiềm chế tối đa.

Tuy nhiên, Phnom Penh lại muốn HĐBA LHQ can thiệp. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị LHQ gửi quân gìn giữ hòa bình vào vùng biên giới để giải quyết tranh chấp và ngăn chặn “hành vi xâm lược” của Thái Lan. Ngày 8-2, Đại sứ Brazil (nước làm chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ trong tháng 2) bà Maria Viotti cho biết, đại diện của 15 nước trong HĐBA đã tổ chức phiên họp bàn về vụ xung đột Thái Lan - Campuchia. Theo bà Viotti, LHQ sẵn sàng tổ chức hội nghị về tình hình biên giới Thái Lan-Campuchia và đánh giá những nỗ lực làm trung gian hòa giải trong khu vực. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại về diễn biến quanh ngôi đền có từ thế kỷ XI mà nay trở thành tiêu điểm của tranh chấp biên giới. Trong bài phát biểu hàng tuần trên truyền hình, Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva nói quan chức quân đội và chính phủ hai nước đang tìm cách ổn định tình hình. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng xuất hiện trên truyền hình để nói chuyện với quốc dân, đồng thời cho rằng “quân LHQ vào” là giải pháp duy nhất.

Những diễn biến này cho thấy, chưa có dấu hiệu cả ASEAN và LHQ làm được gì nhanh chóng để giải quyết cuộc xung đột này.

Dân lao đao

Kể từ khi bùng phát giao tranh vào ngày 4-2, các binh sĩ Thái Lan và Campuchia đã đụng độ 5 lần ở khu vực biên giới tranh chấp, làm ít nhất 10 người, trong đó có cả binh sĩ và dân thường thiệt mạng, đồng thời làm hư hại nghiêm trọng ngôi đền cổ Preah Vihear.

Những vụ đụng độ này còn khiến hàng chục ngàn người dân ở hai bên “chiến tuyến” phải sơ tán khẩn cấp. Tại Thái Lan, Tỉnh trưởng tỉnh Si Sa Ket, ông Somsak Suwansucharit cho biết, các vụ đụng độ đã buộc 16.654 người dân Thái sinh sống tại các làng dọc biên giới phải sơ tán. Trong khi đó, theo giới chức Campuchia, hơn 10.000 người dân nước này đã rời làng mạc gần đền cổ Preah Vihear để đi lánh nạn. Những người phải đi sơ tán hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Họ đang phải náu thân trong những ngôi lều tạm, trường học hoặc đền chùa.  Những người di tản cho biết, họ buộc phải rời đi, chỉ mang theo quần áo, bỏ lại nhà cửa và đồ đạc không có ai trông nom. Cô Hang Savy thuộc thị trấn Sa Em, cách đền cổ Preah Vihear 27km, cho biết gia đình cô phải sơ tán vì sợ trúng đạn lạc. Hầu hết cư dân ở thị trấn này kéo đến tỉnh Kulen sau khi các nhà chức trách khuyên người dân nên đi lánh nạn.

Theo các chuyên gia, tranh chấp lãnh thổ luôn là vấn đề phức tạp, khó xử lý nên cũng khó tìm ra giải pháp hoàn hảo và tránh gây đổ máu. Một khi chưa tìm ra biện pháp nào tốt hơn, thiết nghĩ cả hai bên cần phải kìm chế.

Thanh Văn