Xung đột Israel - Palestine vẫn leo thang

Thứ hai, 17/05/2021 09:37

Xung đột giữa Israel và Palestine tiếp tục gia tăng nhanh chóng, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây.

Đơn vị pháo binh của Israel bắn vào các mục tiêu ở Gaza

Nhà riêng của thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza trúng bom

Ngày 16-5, Israel ném bom vào nhà ở của thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza, trong khi phong trào Hồi giáo này tiếp tục nã tên lửa vào Tel Aviv, trong bối cảnh xung đột giữa hai bên bước sang ngày thứ 7 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo kênh truyền hình của Hamas, trong loạt không kích vào sáng 16-5, Israel đã nhắm mục tiêu vào nhà của Yehya Sinwar, thủ lĩnh chính trị và quân sự của Hamas ở Dải Gaza từ năm 2017. Hiện chưa có thông tin nào về thương vong, trong khi Tân Hoa Xã dẫn các nguồn tin nói rằng, thủ lĩnh Sinwar không có mặt tại nhà khi xảy ra vụ không kích.

Quân đội Israel tối 15-5 mở các cuộc tấn công nhằm vào nhà ở trại tị nạn Dải Gaza của Palestine cũng như các văn phòng của các hãng truyền thông lớn ở đây trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang.

Cư dân địa phương cho biết, những người trong tòa nhà đã được phía Israel cảnh báo trước và sơ tán trước khi xảy ra vụ tấn công. Trước đó, còi báo động đã tiếp tục vang lên trên khắp thành phố Tel Aviv của Israel và các vùng lân cận khi lực lượng Hamas bắn nhiều tên lửa vào khu vực này.        

Israel bị tố “bịt miệng giới truyền thông”

Israel đã đánh bom một ngôi nhà ở Gaza, nơi một gia đình đang tụ tập để kỷ niệm kết thúc tháng Ramadan và một tòa nhà của các phương tiện truyền thông quốc tế ngay sau khi Hamas phóng hàng loạt tên lửa mới trút xuống Tel Aviv hôm 15-5 (giờ địa phương), làm gia tăng lo ngại, xung đột có thể sớm leo thang ngoài tầm với.

Theo AP, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không kích phá hủy tòa nhà đặt trụ sở hãng truyền thông AP (Mỹ), Al Jazeera (Qatar) và hai tòa nhà văn phòng của khoảng 20 tờ báo địa phương. Vụ tấn công này nhiều người cho rằng Tel Aviv đang muốn bịt miệng truyền thông về những gì diễn ra ở Dải Gaza. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AP Gary Pruitt cho biết, hãng tin “rất sốc khi quân đội Israel nhắm mục tiêu và phá hủy tòa nhà” dù họ đã biết văn phòng AP đặt ở đó. Một số phóng viên AP suýt thiệt mạng trong vụ không kích. “Chúng tôi đang yêu cầu chính phủ Israel cung cấp thêm thông tin”, ông Pruitt nói, đồng thời gọi vụ không kích “là diễn biến vô cùng đáng lo ngại” và nói thêm rằng, “thế giới sẽ biết ít hơn về những gì đang xảy ra ở Dải Gaza sau cuộc tấn công này”.

Trong khi đó, hãng tin Al-Jazeera cáo buộc chính phủ Israel đang cố “bịt miệng giới truyền thông”, những người đang chứng kiến, ghi lại và đưa tin trung thực về tình hình Dải Gaza”. “Đây là một tội ác trong số hàng loạt tội ác do quân đội Israel gây ra ở Dải Gaza”, Walid al-Omari, người đứng đầu văn phòng Al-Jazeera ở Jerusalem cho biết và khẳng định “Israel sẽ không thể ngăn chặn sự thật”. Đài Al-Jazeera đã phát cảnh tòa nhà đổ sụp sau khi trúng tên lửa. Nhà báo Wael al-Dahdouh, trưởng đại diện Al-Jazeera tại Dải Gaza, nói ông cảm thấy “buồn và kinh khủng” khi quân đội Israel nhắm vào truyền thông quốc tế.

Đáp trả, IDF cáo buộc Hamas “đang sử dụng tòa nhà này để thu thập thông tin tình báo”, do đó, tòa nhà được xem là “mục tiêu quân sự”. “Lực lượng khủng bố Hamas sử dụng các hãng tin dân sự như một lá chắn sống”, quân đội Israel nêu lập luận. Tuy nhiên, AP khẳng định “không có dấu hiệu nào cho thấy Hamas đang ở trong tòa nhà hoặc đang hoạt động trong tòa nhà”. Quân đội Israel cũng khẳng định đưa ra cảnh báo trước tất cả các cuộc tấn công, nhưng Linah Alsaafin, một nhà sản xuất của Al Jazeera, khi chủ tòa nhà yêu cầu IDF cho thêm thời gian để các nhà báo sơ tán thiết bị, IDF từ chối.

Tòa nhà 12 tầng nơi đặt trụ sở hãng tin AP và Al Jazeera ở Dải Gaza bị Israel đánh sập. Ảnh: Reuters

LHQ lo ngại gây thương vong cho dân thường ở Gaza

Các cuộc không kích mới nhất của Israel vào Gaza ngày 16-5 đã làm 17 người Palestine thiệt mạng, nâng số người chết tại vùng lãnh thổ đông đúc ven biển này lên 174 người kể từ khi các vụ bắn phá leo thang hôm 10-5. Trong số những người thiệt mạng có 47 trẻ em. Bên phía Israel, tổng cộng 10 người đã thiệt mạng, với hàng loạt tên lửa bắn ra từ Gaza. Tại Israel, 10 người đã thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em.

Hamas và các nhóm chiến binh khác đã phóng 2.300 tên lửa từ Dải Gaza vào Israel, tính từ đầu tuần. Khoảng 1.000 quả đã bị đánh chặn và 380 quả đã rơi xuống Dải Gaza. Để đáp trả, Israel mở hơn 1.000 cuộc không kích nhằm vào “các mục tiêu quân sự” ở Dải Gaza. Trước tình hình giao tranh đang leo thang đáng lo ngại này, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric, cho biết, người đứng đầu LHQ đã bày tỏ quan ngại về việc gây thương vong cho dân thường tại Dải Gaza cũng như vụ không kích của Israel nhằm vào tòa nhà có văn phòng các hãng truyền thông quốc tế.

Người đứng đầu LHQ khẳng định các hành động bạo lực nhằm vào các cơ sở dân sự và truyền thông là vi phạm luật pháp quốc tế và cần phải tránh điều này “bằng mọi giá”. Trong ngày 16-5 (giờ Mỹ), HĐBA LHQ sẽ nhóm họp để thảo luận về tình trạng bạo lực tại Dải Gaza, nhất là sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, Israel vẫn đang trong chiến dịch tấn công vào Dải Gaza và hoạt động này sẽ tiếp tục nếu cần thiết.

Nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Ai Cập, Qatar... cũng đang cố gắng làm trung gian hòa giải. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky khẳng định nước này sẵn sàng cung cấp địa điểm ở Moscow để tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải giữa Israel và Palestine. Trên kênh YouTube Solovyev Live, ông Slutsky cho biết, Nga ủng hộ nhóm Bộ tứ Trung Đông - gồm LHQ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và Mỹ tổ chức họp khẩn về tình hình Israel-Palestine, nhưng Washington chưa sẵn sàng cho cuộc họp. Do đó, Moscow đang đề xuất triệu tập một nhóm Bộ tứ khác, gồm các nước Trung Đông về mặt địa lý, có thể là Israel, Palestine và các quốc gia Arab đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Israel như Saudi Arabia.

KHẢ ANH