Xung quanh “cuộc chiến” giữa Pháp và thế giới Hồi giáo

Thứ năm, 29/10/2020 17:24

Những tranh cãi giữa Pháp và các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông lại như được “đổ thêm dầu” khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-10 tuyên bố sẽ thực hiện các bước pháp lý và ngoại giao nhằm đáp trả mạnh mẽ liên quan tới vụ công bố bức tranh biếm họa vẽ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trên tạp chí Pháp Charlie Hebdo.

Tại một siêu thị ở Amman, Jordan, các sản phẩm của Pháp bị tẩy chay vì những tuyên bố của Tổng thống Macron về nhà tiên tri Mohammed.   Ảnh: AFP

Bức tranh biếm họa vẽ Tổng thống Erdogan

Trước đó, Charlie Hebdo đã xuất bản trên trang bìa bức tranh biếm họa vẽ ông Erdogan trong bối cảnh mối quan hệ giữa Paris và Ankara đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được vẽ trong tranh với tư thế mặc nửa kín nửa hở, ngồi trên ghế và cầm lon nước ngọt trên tay phải. Tay kia ông đang vén gấu váy của phụ nữ đội khăn trùm Hồi giáo. Bức hình châm biếm được chú thích như sau: “Ông Erdogan trong cuộc sống riêng tư là người rất ham chơi”.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul nói với các phóng viên ở Ankara rằng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện tất cả các sáng kiến cần thiết với các cơ quan liên quan. Truyền thông nhà nước cũng đưa tin rằng, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một cuộc điều tra đối với những người điều hành Charlie Hebdo. Các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án bức tranh biếm họa, trong đó, phát ngôn viên của Tổng thống Ibrahim Kalin nói rằng nó không tôn trọng "bất kỳ niềm tin, sự thiêng liêng và giá trị nào” và cho thấy "sự thô tục và vô đạo đức của chính họ”. Họ nói rằng bức tranh biếm họa không thể được coi là tự do ngôn luận và gọi đây là “nỗ lực kinh tởm” nhằm “truyền bá sự phân biệt chủng tộc và thù hận trong văn hóa”. “Người dân của chúng tôi không nên nghi ngờ về việc chính phủ sẽ nỗ lực thực hiện tất cả các bước pháp lý và ngoại giao cần thiết đối với bức tranh biếm họa được đề cập”, AFP dẫn lời Ban Giám đốc Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Bức tranh biếm họa này được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ Pháp-Thổ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Hồi cuối tuần, Tổng thống Erdogan chỉ trích mạnh mẽ người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, nói rằng, nhà lãnh đạo này cần kiểm tra sức khỏe tâm thần, khiến Paris triệu hồi đại sứ từ Ankara. Hôm 26- 10, Tổng thống Erdogan kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa Pháp. “Tôi kêu gọi người dân đừng bao giờ chú ý đến các thương hiệu Pháp. Đừng mua hàng hóa Pháp”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Pháp cảnh báo công dân cẩn trọng

“Cuộc chiến” lần này bùng phát khi giáo viên dạy lịch sử người Pháp Samuel Paty bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại dã man sau khi cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo trong một bài học về quyền tự do ngôn luận.

Sau vụ việc, Tổng thống Macron càng “đổ thêm dầu vào lửa” với tuyên bố cho rằng, các bức tranh biếm họa biểu trưng của sự tự do ngôn luận do đó không cần phải loại bỏ chúng. Chính phủ của ông Macron đã gọi đây là “vụ tấn công của các phần tử khủng bố Hồi giáo” đồng thời tăng cường hành động chống chủ nghĩa khủng bố và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Quan điểm trên của Tổng thống Pháp về đạo Hồi đã vấp phải sự phản đối của người dân nhiều nước như Iran, Bangladesh, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ... kèm theo kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp. Tại các siêu thị ở nhiều quốc gia Trung Đông, hàng loạt sản phẩm tiêu dùng, trong đó có nhiều mặt hàng nổi tiếng như phô mai Con bò cười, mỹ phẩm của L'Oreal... đã bị gỡ khỏi kệ hàng. Trong khi đó, người dân các nước cũng tổ chức biểu tình phản đối Tổng thống Pháp. Trong tuyên bố mới nhất, chính quyền Saudi Arabia cũng lên án các bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, cũng như phản đối mọi ý định gắn đạo Hồi với chủ nghĩa khủng bố. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah ngày 27-10 cho biết bộ trên đã triệu Đại sứ Pháp Olivier Chambard tại Jakarta để phản đối tuyên bố của Tổng thống Pháp.

Trong bối cảnh này, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi công dân nên thận trọng và tránh tụ tập đông người ở các nước đã tuyên bố tẩy chay các sản phẩm của họ. Bộ trên khuyến cáo công dân nước này nên tránh các khu vực tổ chức biểu tình, hết sức cảnh giác khi đi du lịch, đặc biệt ở những điểm du lịch mà cộng đồng người nước ngoài thường xuyên lui tới, tuân theo sự hướng dẫn của đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Pháp ở nước sở tại.

KHẢ ANH