Yếu tố Trung Quốc hậu bầu cử Đài Loan

Thứ hai, 01/12/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Quan hệ ấm dần lên giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục đang đứng trước thách thức lớn sau khi Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền ở hòn đảo này hứng chịu thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử địa phương hôm 29-11.

Việc KMT chịu thua tại 9 tỉnh thành, cả những “căn cứ điểm” như Đài Bắc, Đài Trung và chỉ giữ được 6 ghế lãnh đạo trong cuộc bầu cử tại 22 huyện thị ở hòn đảo này khiến người đứng đầu Cơ quan lập pháp Đài Loan Giang Nghi Hoa phải lập tức tuyên bố từ chức.

Áp lực giờ đặt lên vai nhà lãnh đạo Đài Loan và cũng là Chủ tịch KMT Mã Anh Cửu. Theo AFP, sau thất bại chưa từng có, ông Mã Anh Cửu có thể sẽ phải tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng cầm quyền. Cả chiếc ghế lãnh đạo hòn đảo cũng đang bị lung lay.

Quốc dân đảng thất bại nặng nề

Tối 29-11, ông Mã Anh Cửu tổ chức họp báo, cúi gập đầu xin lỗi các đảng viên KMT và những người ủng hộ. “Tôi nhận được thông điệp từ người dân qua kết quả bầu cử này. Tôi sẽ nhanh cải cách đảng đáp ứng nguyện vọng của mọi người”, ông Mã nói tại cuộc họp báo.

Bầu cử địa phương lần này được xem là thước đo quan trọng của cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016. Kết quả này cho thấy, KMT buộc phải xem xét lại các chính sách, nhất là vấn đề kinh tế. Giới phân tích cho rằng, nếu không thay đổi, KMT có thể sẽ tiếp tục thua trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2016 tới. Bởi lẽ, thất bại của KMT là điều được dự báo trước trong bối cảnh hòn đảo nay đối mặt với nền kinh tế phát triển chậm lại và chuỗi các vụ bê bối thực phẩm.

KMT sẽ tổ chức cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 3-12 tới, thời điểm giới phân tích cho rằng, ông Mã sẽ phải tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng. Nếu ông Mã từ chức, KMT phải sửa lại quy định liên quan, bao gồm triệu tập đại hội để bầu lại Chủ tịch đảng. Phó lãnh đạo Ngô Đôn Nghĩa sẽ thay thế đảm nhiệm chức Chủ tịch KMT trong thời gian KMT bầu lại Chủ tịch đảng.

Ông Mã Anh Cửu cúi đầu xin lỗi sau thất bại của KMT. Ảnh: Reuters

Khi Trung Quốc “vỗ về”

Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008, mối quan hệ giữa Đài Bắc và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự bùng nổ làn sóng du lịch từ Đại lục đến Đài Bắc cũng như các liên kết thương mại.

Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Do đó, cuộc bầu cử lần này ở hòn đảo này phần nào cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hai bên. Tối 29-11, Bắc Kinh hối thúc Đài Loan bảo vệ các lợi ích hợp tác mang tính bước ngoặt giữa hai bờ eo biển. “Chúng tôi hy vọng đồng bào khắp eo biển Đài Loan sẽ coi trọng những thành quả khó khăn lắm mới đạt được trong quan hệ hai bên, và cùng nhau bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển hòa bình các mối quan hệ này”, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang nói.

Hiện có nhiều lo lắng cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai bờ eo biển sau khi một hiệp ước thương mại đề xuất với Trung Quốc đại lục gây ra các cuộc biểu tình sinh viên trong 3 tuần vào đầu năm nay. Trên thực tế, thất bại của KMT có thể gây nguy hiểm cho 6 năm đàm phán với Trung Quốc đại lục vốn dẫn đến 21 thỏa thuận, giúp đỡ đưa nền kinh tế 500 tỷ USD của Đài Loan phát triển.

Việc KMT thất bại có thể làm xói mòn nhiệm kỳ của ông Mã trước cuộc bầu cử năm 2016, với hy vọng ký hiệp ước với Trung Quốc để cắt giảm thuế nhập khẩu, thành lập văn phòng đại diện chính thức hai bên và thúc đẩy cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khả Anh