“ Ai ở đâu, ở yên đấy” trong 7 ngày

Thứ hai, 16/08/2021 13:40

Trước tình hình dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp, từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8, Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố (TP), trừ một số hoạt động đặc biệt. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, đây là giải pháp mạnh nhất, quyết liệt nhất quyết định đến thành bại của cả cuộc chiến chống dịch nên rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân. 

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 15-8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng mong muốn, cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị,  người dân sẽ chung sức, đồng lòng cùng thành phố dập dịch. 

“Trận đánh lớn chưa có tiền lệ”

Bắt đầu từ 8 giờ ngày 16-8, Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú; thực hiện tuyệt đối nhà cách ly với nhà. Những người được phép ra ngoài, bao gồm: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông; thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ, bưu chính Nhà nước.

Ngoài ra còn có người đi cấp cứu, khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng COVID-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé. Quyết định cũng bổ sung cho người thực hiện tác nghiệp báo chí, tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 2 người/báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí).

Với những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định “5K”. Cụ thể, làm việc tại các cơ quan, công sở Nhà nước với số lượng không quá 10%; làm việc tại các cơ sở cung ứng hàng hóa thiết yếu, cơ sở y tế, cơ sở cung cấp ga, điện, nước, xăng dầu, ngân hàng, bưu chính, cảng biển, sân bay; làm việc tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao (chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc). Bên cạnh đó, một số người được phép tham gia các hoạt động khẩn cấp, quan trọng khác do Chủ tịch UBND TP hoặc các quận, huyện quyết định cho ra ngoài theo thẩm quyền.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp sau 2 tuần áp dụng Chỉ thị 05 buộc Đà Nẵng phải triển khai các biện pháp mạnh hơn. Sau khi nắm bắt được chủ trương này, rất nhiều người dân đã đồng tình, ủng hộ. “Đây là trận đánh lớn chưa có tiền lệ. Tình thế bây giờ chúng ta cũng không còn cách nào khác ngoài việc phải nỗ lực giành thắng lợi cuối cùng. Bài học từ những địa phương khác buộc chúng ta phải quyết tâm cao, vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất. Tất cả chúng ta phải hiểu rằng, mục tiêu trong 7 ngày tới là cắt đứt chuỗi lây nhiễm, bóc F0 ra khỏi cộng đồng chứ không phải hoàn toàn chiến thắng đại dịch. Cuộc chiến chống dịch được dự báo còn dài, nếu chúng ta đạt được những mục tiêu trong 7 ngày tới thì bài toán chống dịch những ngày tiếp theo sẽ dễ tìm được lời giải hơn”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

“Săn” F0

Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp mạnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP giao Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả trên diện rộng, có độ bao phủ toàn TP để tìm và đưa các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng; khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu, bên cạnh việc xét nghiệm sàng lọc những đối tượng liên quan đến các F, ngành Y tế phải hoàn thành việc xét nghiệm cho 100% đại diện hộ gia đình trên toàn TP. 

Bà Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế cho hay, ngay trong ngày 16-8, các đơn vị sẽ đồng loạt triển khai xét nghiệm. Dự kiến, 3 ngày sẽ lấy mẫu 1 lần với số lượt người được lấy mẫu khoảng 300.000 người. Để kế hoạch trên diễn ra thuận lợi, ngành Y tế TP huy động lực lượng từ phường/xã đến quận/huyện chung tay vào cuộc. Tốc độ lấy mẫu dự kiến rơi vào khoảng 90 đến 100.000 mẫu/ngày. “Các trạm y tế xã phường sẽ phối hợp với các địa phương lên danh sách cụ thể, rõ ràng để phục vụ cho việc lấy mẫu không bị trùng lặp. Trong hộ gia đình, người nào có nguy cơ cao nhất sẽ được lấy mẫu đại diện”, bà Yến nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lưu ý, trong quá trình lấy mẫu, lực lượng chức năng phải tăng cường nhắc nhở, phân luồng để tránh việc tập trung đông người không giữ khoảng cách an toàn. Đặc biệt, cho dù ảnh hưởng đến tốc độ lấy mẫu nhưng cán bộ y tế phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình, phải sát khuẩn sau mỗi lượt lấy mẫu để tránh nguy cơ lây nhiễm trong lúc “săn” F0.

Chặt từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong

Trước khi bước vào “trận đánh lớn”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu toàn bộ lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tuyệt đối không được sao nhãng, không thả nổi, những gì đã đạt được trong 14 ngày qua phải giữ cho bằng được. “Lần này chúng ta phải hạ quyết tâm cao nhất, làm quyết liệt nhất, chặt chẽ nhất từ cấp thành phố đến phường/xã, từ bên ngoài vào bên trong thành phố để đạt được mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Khi cả thành phố đều nỗ lực, cá nhân nào vi phạm làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung đều sẽ bị xử lý nghiêm, dù đó là lực lượng tuyến đầu”, ông Chinh nhấn mạnh. 

Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 15-8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Công an TP phối hợp cùng lực lượng Quân sự, Biên phòng cùng các lực lượng chức năng khác tại các địa phương từ 8 giờ ngày 16-8 phải đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát chặt chẽ từ tổ dân phố, kiệt kẻm ra các tuyến đường chính. Các địa phương cũng phải thành lập các tổ giám sát, vừa cung ứng hàng hóa cho người dân vừa kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Những nơi nào không cần thiết, lực lượng chức năng phải tiến hành rào chắn lại để cấm tuyệt đối người dân ra đường. Bên cạnh, tất cả tài xế vận chuyển lương thực thực phẩm vào thành phố phải được test nhanh tại các chốt cửa ngõ, có kết quả âm tính thì yêu cầu mang đồ bảo hộ, khử khuẩn toàn bộ xe để tránh đem dịch từ bên ngoài vào trong TP. 

“Văn bản, kế hoạch thì cụ thể, rõ ràng rồi nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tổ chức thực hiện cho thật hiệu quả, đạt kết quả cao nhất. Người đứng đầu các địa phương phải thật sự quyết tâm, phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình vì đây cũng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng phải chủ động, linh hoạt xử lý các tình huống, không nên chờ đợi, hành chính các thủ tục dẫn đến chậm trễ gây ra nhiều hệ lụy. Song song đó, trong giai đoạn quyết định này, cùng với nỗ lực của lực lượng ở tuyến đầu, rất mong người dân cùng đồng lòng, chia sẻ và chung tay cùng chính quyền thành phố thực hiện tốt các giải pháp về phòng chống dịch vì mục tiêu chung, vì một thành phố khỏe mạnh, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng”,  Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng mong muốn.

PHI NÔNG

Ghi nhận thêm 12 ca trong cộng đồng

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, trong ngày 15-8, Đà Nẵng ghi nhận 79 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, 33 ca đã được cách ly tập trung, 34 ca cách ly tại nhà, 3 ca trong khu vực phong tỏa và 9 ca trong cộng đồng. 9 ca này bao gồm 3 ca là tiểu thương chợ đầu Hòa Cường đến khám tại Bệnh viện Tâm Trí; 1 ca có triệu chứng đến khám tại TTYT Q. Cẩm Lệ, có ba mẹ bán cá ở chợ đầu mối; 1 ca có triệu chứng đến khám tại Bệnh viện Tâm Trí, có con làm ở Công ty Thủy sản Miền Trung; 1 ca có triệu chứng đến khám TTYT Q. Ngũ Hành Sơn và 3 ca lấy mẫu diện rộng P. An Hải Đông (Q. Sơn Trà). Trước đó, trong ngày 14-8, thành phố ghi nhận 91 ca mắc mới, trong đó 81 ca đã cách ly, 7 ca trong khu phong tỏa và 3 ca cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP đánh giá, chuỗi lây nhiễm tại các khu phong tỏa trên địa bàn Q. Sơn Trà đã có dấu hiệu giảm nhưng chuỗi lây nhiễm mới liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường vẫn đang có nguy cơ rất cao.