1 tháng Hồng Kông

Thứ tư, 29/10/2014 06:10

(Cadn.com.vn) - Nhìn lại 1 tháng phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm” ở Hồng Kông thấy rõ, mọi việc đang dần dần hạ nhiệt.

Ngày 28-10, các lãnh đạo sinh viên ở Hồng Kông đánh dấu 1 tháng bùng nổ biểu tình, kêu gọi những người ủng hộ xuống đường vào ban đêm, đeo mặt nạ để tránh hơi cay.

Theo AFP, các nhà tổ chức biểu tình kêu gọi đám đông tập trung tại khu vực chính đối diện trụ sở chính quyền đặc khu, tham dự lễ kỷ niệm 87 giây im lặng bắt đầu vào lúc 17 giờ 57 (giờ địa phương).

Vào thời điểm đó, ngày 28-9, cảnh sát chống bạo động Hồng Kông bắn 87 phát súng hơi cay vào đám đông người biểu tình vốn đang chiếm trọn một đường cao tốc, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Tại quận Admiralty, người biểu tình vẫn cắm trại ở khu trung tâm, đang cố tái chế rác thải một cách tỉ mỉ. Một số sinh viên cố gắng hoàn thành bài tập về nhà trong khu vực học tập riêng...

Những người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, xuống đường đòi Quốc hội Trung Quốc thay đổi quyết định về việc bầu Trưởng đặc khu Hồng Kông. Sau 1 tháng, các trại biểu tình vẫn nằm dài trên 3 đường phố chính ở trung tâm đặc khu. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn chứng tỏ quyết tâm không thể thay đổi quyết định của Quốc hội cũng như không điều quân đội can thiệp biểu tình.

Người biểu tình ở quận Admiralty, Hồng Kông hôm 28-10. Ảnh: AFP

Nhưng trong kết cục được xem là thất bại của người biểu tình, làn sóng xuống đường đang mỏng dần. Giới chức Hồng Kông dường như quyết định để các cuộc biểu tình “tự bốc hơi” khi phong trào “Chiếm trung tâm” này đang khiến người dân mệt mỏi, thất vọng và tức giận vì gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và nền kinh tế trung tâm tài chính Châu Á. Nhiều du khách ngần ngại khi đến thiên đường du lịch này. Nhiều cửa hàng, chi nhánh ngân hàng phải đóng cửa. 

Trên thực tế, sau 1 tháng, người biểu tình đang dần đi vào ngõ cụt do chính họ tạo ra. Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông vẫn đang mở rộng cửa chờ các thủ lĩnh biểu tình ngồi vào bàn đối thoại.

Lãnh đạo sinh viên từng 1 lần hội đàm với giới chức Hồng Kông nhưng không có tiến bộ gì đáng kể. Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu thăm dò mà giới lãnh đạo biểu tình lên kế hoạch nhằm bàn về các đề xuất chính quyền đặc khu vẫn đang bị trì hoãn. Tại thời điểm này, các nhà lãnh đạo phong trào ý thức được tác động tiêu cực do chính họ gây ra.

Trong dấu hiệu được xem là bước nhượng bộ của người biểu tình, một trong những thủ lĩnh và là giáo sư Trường Đại học Benny Tai cho biết, ông sẽ phải trở về giảng dạy “một thời gian” dù khẳng định, đó không phải là rút lui.

“Chúng tôi sẽ không từ bỏ. Mặt khác, để tiếp tục phong trào, chúng ta cần phải có những điều chỉnh để cân bằng cuộc sống hàng ngày, lấy lại trạng thái tâm lý và sức mạnh thể chất cần thiết”, ông Benny Tai nói với các phóng viên như một lời hứa hẹn về “tương lai biểu tình mới”. Tuy nhiên, trên thực tế, giới phân tích cho rằng, các lãnh đạo biểu tình đang bế tắc và tìm đường thoái lui.

Có thể thấy, một tháng qua là thời điểm thách thức lớn đối với Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh khi ông phải đối mặt với làn sóng biểu tình lớn nhất trong gần thập kỷ qua. Thành công của ông Lương Chấn Anh là đã phần nào làm dịu biểu tình, dù ít dù nhiều. Nhưng thách thức vẫn còn nhiều. Bởi lẽ, tình hình hiện nay cho thấy, giới chức Bắc Kinh sẽ không can thiệp quân sự. Và tất nhiên, trách nhiệm trên vai ông khá nặng nề.

Khả Anh