10 năm, muối mặn gừng cay!
Hôm nay (4-9), thầy trò Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) hân hoan kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Với tuổi đời non trẻ chưa đủ để khẳng định vị thế như những ngôi trường THPT có bề dày lịch sử trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng 10 năm qua, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường (HĐSP) bằng tâm huyết yêu nghề, yêu trò đã cùng các thế hệ học sinh (HS) không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, thi đua dạy - học tốt để đáp lại niềm tin mà các cấp lãnh đạo TP, chính quyền địa phương cũng như tấm lòng nghĩa tình của đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đã dành cho sau thảm họa Chan Chu...
Lễ cắt băng khánh thành Trường THPT Thanh Khê cách đây 10 năm. |
Ngôi trường của triệu tấm lòng!
Đưa tôi tham quan trường trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, thầy Nguyễn Duy Thảo - Hiệu trưởng - đã xúc động nói như thế về sự ra đời của Trường THPT Thanh Khê.
Như lời thầy Nguyễn Duy Thảo tâm sự, Trường THPT Thanh Khê ra đời trong bối cảnh vô cùng đặc biệt. Đây là ngôi trường được xây dựng không bằng tiền ngân sách TP mà từ sự đóng góp nghĩa tình của triệu triệu tấm lòng đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế hướng về ngư dân Thanh Khê sau thảm nạn Chanchu 2006. Sự ra đời của ngôi trường còn là minh chứng sinh động về những chủ trương, quyết sách đúng đắn, mang tầm vóc chiến lược lâu dài của lãnh đạo TP, lãnh đạo Q. Thanh Khê đối với sự nghiệp trồng người ở địa bàn có nhiều con em ngư dân này...
Đứng giữa sân trường giờ rợp mát bóng cây xanh, tôi bỗng nhớ đến kỷ niệm 10 năm trước khi theo chân lãnh đạo ngành GD-ĐT TP kiểm tra, thăm công trình xây dựng Trường THPT Thanh Khê trước thềm năm học mới 2007-2008. Một trong nhiều mong muốn mà thầy Nguyễn Xuân Hòa- Hiệu trưởng đầu tiên, nguyên Phó Hiệu Trưởng THPT Thái Phiên (nay đã mất) - trình bày với đoàn là mong sớm trồng cây xanh. Bởi lẽ, trường học không có cây xanh thì không ra dáng trường lớp... Sở dĩ tôi nhớ chi tiết này, bởi vào thời điểm đó, trường đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất... Mới đó mà Trường THPT Thanh Khê tròn 10 tuổi...
Thật khó kể hết ra đây những khó khăn, thiếu thốn cũng như những vất vả mà đội ngũ thầy cô giáo ngày ấy phải đối mặt khi về trường mới. Con đường Kinh Dương Vương - nơi trường đóng chân - giờ đã rợp bóng cây xanh, dân cư đông đúc, nhưng 10 năm trước vẫn còn hoang vắng. Trường xây dựng trên khuôn viên rộng nhưng chỉ có phòng học, khu nhà hiệu bộ làm nơi sinh hoạt và làm việc cho cán bộ, giáo viên không có. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường phải lấy 4 phòng học ngăn ra làm nơi làm việc cho đến bây giờ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ yếu là lấy từ Trường THPT Thái Phiên làm nòng cốt. Ông Lê Trung Chinh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP, hiện là Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn - bồi hồi nhớ lại: “Việc điều động cán bộ, giáo viên đang công tác tại trường đến nhận công tác tại Trường Thanh Khê không hề đơn giản, bởi phải chọn đội ngũ có thâm niên, cứng cáp trong nghề để ra làm nòng cốt ở trường mới. Nhiều năm gắn bó với Trường THPT Thái Phiên, các thầy cô có quá nhiều kỷ niệm nên lưu luyến khi phải rời trường đến nhiệm sở mới...!”.
Nhớ lại giai đoạn này, cô Trần Thị Thúy Hồng - Tổ trưởng tổ Hóa - chia sẻ: “Khi nhận quyết định về Trường THPT Thanh Khê, tôi tủi thân lắm. Ngày đầu tiên về trường mới đúng vào tháng 10. Trường vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất, vôi vữa, cát sạn còn đầy, chưa có bóng cây xanh. Nằm gần biển, trúng mùa đông gió thổi bốn bề làm cho ngôi trường càng thêm trơ trọi, hắt hiu. Nhìn cảnh đó, tôi nhớ Trường Thái Phiên rợp bóng cây, nơi có 6 năm gắn bó. Vào phòng Hiệu trưởng dự định sẽ nói với thầy những nỗi niềm đang chứa chất trong lòng, nhưng khi đối diện với thầy, nhìn thấy nỗi lo toan hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của thầy, bao nhiêu nỗi tủi thân bỗng tan biến. Tôi thấy thương thầy. Thấu hiểu tâm trạng của tôi, thầy động viên, an ủi còn nói cho tôi nghỉ thêm một tháng để có điều kiện chăm sóc con nhỏ (vừa nghỉ xong chế độ thai sản). Tôi kìm nén xúc động, lắc đầu nói “dạ thôi”... Rồi chẳng biết từ lúc nào, tôi thấy yêu, thấy gắn bó với ngôi trường mới này...”.
Thầy và trò Trường THPT Thanh Khê hôm nay. |
Chắt chiu gieo hạt tin yêu
Ngoài sự đặc biệt như thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Thảo tâm sự, đây là ngôi trường có tỉ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất TP, đầu vào cũng thuộc diện thấp nhất, nhì TP lúc ấy. HS phần lớn là con em ngư dân, cha mẹ bám biển nên không có điều kiện quan tâm, chăm sóc như các gia đình khác. Nếu không có tinh thần trách nhiệm, tình yêu học trò, khó có thể bám trụ được với ngôi trường có quá nhiều điểm không thuận lợi này. Vượt qua những trở ngại khó khăn, thiếu thốn ban đầu ấy, thầy trò động viên nhau cố gắng thi đua dạy và học tốt. Niềm động viên lớn nhất là trong 10 năm ấy, những hoạt động của lãnh đạo nhà trường, của cấp ủy Chi bộ luôn có sự quan tâm, đồng hành của Quận ủy, UBND Q.Thanh Khê...
Một trong những điều mà Trường THPT Thanh Khê để lại dấu ấn trong lòng HS và phụ huynh chính là công tác chăm lo đến HS nghèo. Ngoài việc miễn tất cả các khoản đóng, hàng năm nhà trường còn tổ chức cấp học bổng cho các HS này. Trong đó, có trường hợp cả 3 anh em và 2 chị em có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường miễn giảm, cấp học bổng trong suốt 3 năm theo học tại trường. Trong bài viết nhớ về trường xưa, cựu HS Ngô Thị Thu Phương, một trong hai chị em được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện (2 chị em này từ Bắc vào Đà Nẵng sống tại nhà chú, dì do mẹ mất sớm, gia đình khó khăn), có đoạn viết: “Ba năm tại Trường Thanh Khê với tôi có ý nghĩa vô cùng. Sự tận tụy của thầy cô, sự sôi nổi của bạn bè đã khiến bản thân tôi vượt ra khỏi cái vỏ trầm tính rụt rè, không còn mặc cảm số phận... Được thầy cô, bạn bè yêu quý, được nhận rất nhiều phần thưởng của các cấp, đã giúp tôi tự tin, thực sự vượt lên chính mình... Thanh Khê đối với tôi trở thành ngôi nhà lớn. Ở đó, tôi luôn được yêu thương, được giúp đỡ; nơi trang bị cho tôi những kiến thức cơ bản đầu đời, dạy tôi những bài học làm người quý giá mà tôi không bao giờ quên”.
Nhưng có lẽ, đặc biệt hơn cả là việc dạy dỗ, giúp đỡ các em HS ham chơi hơn ham học tiến bộ, trở thành những HS tiên tiến, đạt nhiều thành tích trong học tập. Một trong những mô hình do Đoàn trường sáng lập được Thành Đoàn Đà Nẵng công nhận là mô hình “Sáng tạo trẻ” cấp TP năm 2012 là mô hình hoạt động tiêu biểu: “Học làm người có ích”. Có em từ một HS chuyên gây gổ, bị CAP gọi lên làm việc, suýt bị đuổi học, khi được tham gia vào chương trình lớp học này và được sự dìu dắt của BGH, Đoàn trường, không chỉ tiến bộ mà còn trở thành HS tiên tiến, có mặt trong đội tuyển tham dự HSG cấp TP môn Hóa...
Bằng tình yêu thương cùng sự nỗ lực âm thầm không mệt mỏi, đội ngũ thầy cô Trường THPT Thanh Khê đã chắc chiu gieo hạt tin yêu để cho ra đời những quả ngọt rất đáng tự hào. 10 năm chưa hẳn là dài, nhưng từ trong “thác ghềnh”, khó khăn của những ngày đầu thành lập, các thế hệ thầy trò đã viết nên trang sử mới cho Trường THPT Thanh Khê...
P.Thủy
--------------------------------------------------------------------------------------------------------- * Qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay trường đã có được 6 giải cấp quốc gia và khu vực, 181 giải thành phố với 15 giải Nhất, 24 giải Nhì, 49 giải Ba và hàng chục giải khuyến khích. Số HS đạt danh hiệu HSG, HS tiên tiến ngày càng tăng, đã có gần 3.000 em đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm bình quân đạt 90.6%, số HS đỗ ĐH, CĐ tăng lên hằng năm. Riêng năm 2017, có 281/375 em dự thi đạt điểm sàn. Từ 17 cán bộ, giáo viên, đến nay, toàn trường có 83 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 43 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 4 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 1 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp TP. Nhà trường cũng đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ GD-ĐT và UBND cùng nhiều danh hiệu thi đua khác... Đặc biệt năm học 2016-2017 trường được Sở GD-ĐT đề nghị UBND TP tặng Cờ Thi đua xuất sắc. ---------------------------------------------------------------------------------------------------------- |