10 năm "Nghĩa tình Thuận Phước"
Mô hình "Nghĩa tình Thuận Phước" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng đã đi trọn 10 năm (2010-2020). Dù chưa phải là quãng đường dài, nhưng nó cũng đủ chứng minh cho sự bền vững của một mô hình "dân vận khéo". Mô hình của sức dân, của sự đồng lòng và nghĩa tình của người với người.
Nguồn kinh phí vận động được từ chương trình đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo trên địa bàn. |
10 năm trước, P. Thuận Phước lúc bấy giờ có khoảng 3.500 hộ dân, phường có số hộ nghèo theo chuẩn của thành phố xếp nhất, nhì trong toàn quận Hải Châu. Đặc điểm của phường lại luôn có biến động do di dời giải tỏa. Thời điểm này, chính quyền đang loay hoay tìm nguồn để hỗ trợ cho các hộ nghèo nhưng cứ lối mòn cũ nên không hiệu quả. Đầu năm, Ban thường trực UBMTTQVN phường giao mức vận động cho các Ban công tác Mặt trận khu dân cư. Với tư duy này, nhiều Ban công tác Mặt trận chỉ "lựa cơm gắp mắm", vận động đủ mức được giao. Số lượng Ban công tác phấn đấu vượt chỉ tiêu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cuối năm, tính cả phường cũng chỉ vỏn vẹn được 50 triệu đồng vận động. Số tiền này không thấm vào đâu so với tình hình hộ nghèo cần giúp đỡ ở địa phương.
Trước tình hình đó, để thực hiện chương trình "150 ngày cao điểm vì người nghèo", Thường vụ Đảng ủy P. Thuận Phước họp bàn để đưa ra hướng đi mới, trong đó trọng tâm đề ra là khơi dậy được lòng hảo tâm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là người con của Thuận Phước đang sinh sống, làm ăn bất cứ nơi đâu. Nhiều mô hình dân vận khéo được đề xuất, loại bỏ những biện pháp hành chính cứng nhắc, đêm văn nghệ mang tên "Nghĩa tình Thuận Phước" ra đời và nhận được sự đồng lòng cao. Hàng trăm thư ngỏ của UBMTTQVN Phường được trao tận tay các đối tượng. Chi phí, phương thức tổ chức được tính toán chi tiết, cán bộ chủ chốt đều được phân công cụ thể từ công tác vận động hành lang. Nhiều tổ chức khi nghe nội dung, tính nhân văn của chương trình đã tích cực góp ý, giúp đỡ. Các nhà hảo tâm đạt mức vận động quy định đều được mời lên trao bảng ủng hộ và nhận lời cảm ơn từ ban tổ chức. Đêm văn nghệ đầu tiên đã gặt hái thành công với số tiền ủng hộ lên đến 76 triệu đồng.
Từ chỗ mỗi năm công tác vận động quỹ "Vì người nghèo" trên địa bàn phường Thuận Phước chỉ đạt xấp xỉ 50 triệu, thì ngay sau khi có chương trình" Nghĩa tình Thuận Phước" số tiền đã tăng gấp đôi. Càng làm, càng có thêm kinh nghiệm và đổi mới, số tiền cứ tăng lên, năm 2013 đã lên tới hơn 300 triệu đồng và duy trì tốt qua các năm. Đến năm 2019, số tiền vận động đạt gần 40 triệu đồng. Tính từ năm 2010 đến nay đã vận động được gần 3 tỷ đồng. Không chỉ những con số kỷ lục tăng theo từng năm mà ý nghĩa lớn nhất ở "Nghĩa Tình Thuận Phước" chính là hiệu quả mà nó mang lại đối với cộng đồng.
Được tổ chức đều đặn hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình văn nghệ "Nghĩa tình Thuận Phước" trở thành món ăn tinh thần đầy ý nghĩa của mỗi người dân Thuận Phước và là ngày hội để người kéo lại gần nhau hơn, cũng như san sẻ yêu thương, tinh thần dân tộc. Có những đơn vị như Tổng công ty dệt may Hòa Thọ liên tiếp 10 năm đóng góp cho chương trình; có việt kiều tại Hà Lan tự nguyện ủng hộ tiền khi hay tin chương trình được tổ chức hay xúc động hơn cụ già neo đơn đến tận nhà bí thư chi bộ để ủng hộ 5 ngàn đồng cho "Nghĩa tình Thuận Phước". Những tình thương mang nặng "Nghĩa tình Thuận Phước" được trao từ người có lòng hảo tâm, trao trực tiếp đúng địa chỉ cho người đang mong đợi. Nhiều ngôi nhà thấm dột được sửa chữa kịp thời, nhiều dụng cụ sinh kế đã tạo cơ hội cho nhiều hộ dân thoát nghèo, nhiều em học sinh tiếp bước đến trường.
Giữ thương hiệu "Nghĩa tình Thuận Phước" nhưng phải tiếp tục đổi mới cách làm. Qua từng năm, chương trình lại được thực hiện làm nhiều đợt trong năm, với nhiều chủ đề theo thời điểm. Mở màn đầu năm là chủ đề " Xuân yêu thương" trao quà đầu xuân vào dịp tết đến, xuân về. Hàng trăm cặp bánh chưng, những gói quà, bao gạo đầy nghĩa tình lại được mở màn trao cho các phận đời không may mắn. Hay chủ đề "Vầng trăng yêu thương" hỗ trợ, tiếp sức các em học sinh đến trường vào Tết trung thu... Chị Lê Thị Bích Hòa, Chủ tịch UBMTTQVN phường chia sẻ, là những người thừa kế chương trình, nhưng làm việc gì cũng cần có đầu tư công sức và suy nghĩ, để hoàn thiện hơn, phù hợp hơn theo năm tháng.
Dù vất vả hơn, nhưng bù lại là niềm vui và hạnh phúc khi những người làm chương trình đã góp phần làm cầu nối để làm ấm thêm tình người. "Niềm vui đó không phải ai cũng có được. Chúng tôi tự hào đã góp một phần bé nhỏ vào chương trình "4 an" của thành phố chúng ta", chị Hòa vui mừng.
C. LƯƠNG - M. VINH