10 năm sau thảm họa Chan Chu
* Bài 1: Bình Minh ngày trở lại
(Cadn.com.vn) - Thấm thoát đã 10 năm kể từ ngày thảm họa Chan Chu- cơn đại cuồng nộ của trời đất gây ra biết bao đau thương, mất mát cho ngư dân miền Trung, khiến 265 người chết và mất tích. Trong đó, chỉ riêng xã Bình Minh, H.Thăng Bình (Quảng Nam) có đến 87 ngư dân. 10 năm, một quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ giúp con người lấy lại sự tĩnh tâm, đủ để kịp làm lành những vết thương lòng...
Đường vào xã Bình Minh giờ đã khang trang. Ảnh: P.T |
Ký ức buồn khó quên
Kể từ sau thảm họa kinh hoàng ấy, cái tên “Chan Chu” dường như gắn liền với xã Bình Minh. Ám ảnh trong tôi ngày trở lại Bình Minh là những ngôi nhà không có đàn ông. Điển hình trong những điển hình ấy là nhà bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Bình Tịnh. Chồng, 2 con trai cùng con rể của bà chết và mất tích trên biển. Giờ bà ở một mình, 3 cô con gái đã đi lấy chồng... Nhìn lên bàn thờ, nơi có di ảnh ông bà, cha chồng cùng chồng và 2 con trai, bà Hoa lẩm bẩm: “Nhà tui, người chết còn nhiều hơn người sống!”. Chỉ vào di ảnh con trai đầu, bà thủ thỉ: “Nó tên Võ Phúc, mất lúc 24 tuổi, mới có người yêu...Chồng tui là con trai độc đinh. Giờ ổng và 2 con trai mất, nhà tui chẳng còn ai thờ tự”. Suốt cuộc trò chuyện, bà Hoa không khóc nhưng ánh mắt thì vô hồn. Nỗi đau càng tột cùng hơn, khi đến nay, xác hai con trai vẫn còn nằm trong lòng biển. Nhớ lại chuyện con gái cùng người thân ra Đà Nẵng nhận nhầm xác chồng, bà Hoa ngậm ngùi: “Hôm đi nhìn nhận thân nhân ở Đà Nẵng, người nhà không cho tôi đi. Sau khi đem xác về chôn được vài ngày, con gái tôi (có chồng mất tích trong cơn bão Chan Chu) ra lại Đà Nẵng tìm xác 2 anh trai thì lại phát hiện ra thi thể của cha. Cơ quan chức năng vào cuộc, xét nghiệm gen mới biết, xác người đang nằm yên dưới mộ không phải là chồng tôi...Giờ mỗi lần ra thăm mộ chồng và các con trai, tôi đều chăm luôn phần mộ đó”. Bà bảo, từ ngày chồng và 2 con trai mất, một lần bà nghe chồng gọi cửa, một lần bà gặp trong mơ. “Trời nắng còn nguôi ngoai, chứ mỗi khi mưa bão xuống tôi lại quặn lòng nhớ ổng và 2 con trai. Lúc đó, chẳng biết nhờ ai chằng chống nhà cửa...Cũng có chồng, con cả bầy. Vậy mà giờ như cây khô đứng giữa đàng!”- bà Hoa lại nghẹn ngào...
Ghé thăm nhà ngư dân Phạm Phú Thành (thôn Bình Tịnh)-được mệnh danh “người hùng” đánh bắt xa bờ, chủ tàu QNa 95959 vừa bị tàu lạ đâm chìm cùng với 34 ngư dân thoát chết trở về với 2 bàn tay trắng đầu tháng 5-2016, cũng là một trong số ngư dân may mắn từ cõi chết trở về trong cơn bão Chan Chu. Nghe chúng tôi nhắc chuyện cũ, người thuyền trưởng có hơn 30 năm gắn bó với biển khơi chợt cau mày: “Khơi lại chuyện cũ làm chi, càng thêm đau lòng thôi. Cũng gần đến ngày giỗ 10 năm rồi đó, 19-4 AL này nè! Mỗi năm, cứ đến ngày đó chúng tôi phải chia người ra để đi giỗ gia đình các ngư dân gặp nạn chứ không thể đi hết thảy 87 hộ được...”.
Bà Nguyễn Thị Hoa bên di ảnh chồng con. |
Bình minh ở xã “Chan Chu”
Còn nhớ, 10 năm trước, đường về các thôn trong xã Bình Minh chỉ toàn cát trắng. Vậy mà, sau 10 năm, cảnh vật nơi đây đổi khác rất nhiều. Đường đã được trải thảm nhựa, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, trong đó có gia đình của các nạn nhân Chan Chu. Có thể nói, sau cơn cuồng nộ của đất trời, chính quyền cùng người dân xã Bình Minh nén cơn bão lòng để bắt tay làm lại từ trong đớn đau, nghèo khó... Gặp ngư dân Trần Công Tú (thôn Tân An)-cũng thoát chết trong cơn bão Chan Chu năm nào- đúng lúc ông vừa cập bến sau 25 ngày ra khơi đánh bắt hải sản. Thật khó có thể tin, chỉ vài tháng sau khi từ cõi chết trở về đó, người đàn ông này lại tiếp tục đi biển. Ông bảo: “Cũng ám ảnh chớ. Nhưng không thể bỏ biển được. Biển là lẽ sống của chúng tôi. Khi xảy ra thảm họa Chan Chu, tôi đã có 27 năm gắn bó với biển, sống nhờ biển khơi...”. Được biết, 3 tháng sau Chan Chu, ông vay mượn sắm thuyền công suất nhỏ (90-100 mã lực) để đánh bắt gần bờ, làm lưới quay trủ, lưới quay sưa, nuôi sống gia đình. Đến năm 2013, ông cùng 4 người khác vay mượn 1 tỷ đồng rồi hùn hạp mỗi người thêm 270 triệu đồng để đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển. Đến nay, họ đã trả được 600 triệu đồng tiền vay. Riêng khoản tiền hùn hạp thì đã lấy lại được hơn phân nửa. “Sau Chan Chu, chúng tôi được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm. Bản thân tôi được tham gia lớp bồi dưỡng, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, lấy được bằng cấp 4 rồi đó...Nhờ đầu tư tàu công suất lớn nên năng suất cao hơn đi câu mực hồi trước”- ông Tú chia sẻ...
Phụ nữ Bình Minh gượng dậy sau bão Chan Chu. |
Cũng như ông Tú, vài tháng sau thảm họa Chan Chu, ông Thành cũng lại đi biển, lái tàu thuê cho người ta. Cách đây 6 năm, ông vay mượn tiền đầu tư đóng tàu lớn với tổng kinh phí 6 tỷ đồng để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Chưa kịp trả xong nợ, đầu tháng 5-2016, tàu của ông bị tàu lạ đâm chìm. Nhìn con tàu yêu quý đắm trên biển, lòng ông đắng ngắt. Từ cõi chết trở về với 2 bàn tay trắng, trong ông giờ ngổn ngang bao nỗi lo khi về số nợ chồng chất. Vậy mà khi nghe chúng tôi hỏi, lần thoát nạn này có làm nhụt chí, ông cương quyết: “Nếu được Nhà nước, chính quyền quan tâm, có chính sách hỗ trợ cũng như tìm cách giúp tôi giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ tàu bị tàu lạ đâm chìm, tôi vẫn sẽ tiếp tục vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép vươn khơi đánh bắt hải sản. Vừa để nuôi sống gia đình, vừa để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng mà cha ông mình để lại...”.
10 năm sau thảm họa Chan Chu, từ một vùng quê ven biển nghèo xác xơ, Bình Minh đã vươn lên với những con số khá ấn tượng. Nếu như năm 2006, toàn xã có 60 tàu thuyền, chủ yếu là tàu thuyền công suất từ 20 CV- 60 CV với tổng sản lượng đánh bắt hải sản 3.000 tấn; thì nay, đội hình đánh bắt xa bờ của xã đã lên đến 151 chiếc, trong đó có 4 tàu vỏ thép, 147 tàu gỗ (có 91 tàu gỗ công suất từ 90 Cv). Tổng thu nhập từ khai thác đánh bắt mỗi năm tăng 1.000 tấn. Riêng cuối năm 2015, tổng sản lượng đạt 13.200 tấn, tăng so với năm 2006 10.000 tấn. Năm 2006, tỉ lệ hộ nghèo là 47,5%, thì nay, chỉ còn 9,21%....
Nói về những đổi thay này, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, ông Trương Công Bảy cho biết: “Sau Chan Chu, từ nhiều nguồn hỗ trợ của Trung ương, chính quyền đặc biệt là các nhà hảo tâm trong cả nước, các hộ có thân nhân gặp nạn trên biển được hỗ trợ hộ ít nhất 100 triệu đồng, nhiều nhất (1 trường hợp) là 1 tỉ đồng. Từ nguồn hỗ trợ đó, bà con ngư dân đã bỏ tiết kiệm để lo cho con ăn học. Về phần mình, xã cũng đã tổ chức thành lập Hội nghề cá để đưa các phụ nữ trong xã, đặc biệt là phụ nữ có chồng, con mất trong bão Chan Chu vào làm nhằm giải quyết công ăn việc làm. Đến nay thu nhập của họ cũng tương đối ổn định. 10 năm qua, xã phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức 12 lớp thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 và 5 cho 380 ngư dân, đồng thời mở 10 lớp đào tạo các ngành nghề khác cho 225 người; tham gia tư vấn cho hơn 640 thanh niên về đào tạo việc làm, trong đó có 157 thanh niên đi lao động Hàn- Nhật. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở 4 lớp cho dân quân và ngư dân sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với sự tham gia của 800 người...”. Được biết, có 10/125 em HS là con em ngư dân gặp nạn đậu ĐH, 20 em đỗ CĐ và Trung cấp nghề, còn lại thì theo nghề biển hoặc đi làm công nhân...
10 năm, dù vẫn còn đó những ký ức đau thương, nhưng vết thương lòng cũng đang bắt đầu lành. Vẫn còn đó nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết hậu Chan Chu, tuy nhiên, không thể phủ nhận, sau cơn cuồng nộ của trời đất, bình minh đã trở lại ở xã “Chan Chu” này...
P.Thủy(còn nữa)