10 ngày tiếp tục phong tỏa “cứng”: Người dân sẽ được cung ứng hàng thiết yếu như thế nào?

Thứ năm, 26/08/2021 16:52

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng về việc đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày cho người dân TP trong 10 ngày (26-8 đến 5-9) tiếp tục phong tỏa “cứng” để phòng chống dịch Covid-19 kể từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8, ngày 25-8, Sở Công Thương TP đã có văn bản số 2071/PA-SCT ban hành Phương án cung ứng hàng thiết yếu trong phục vụ người dân TP trong thời gian này.

Các nhân viên tại một siêu thị ở Đà Nẵng chuẩn bị combo hàng thiết yếu để bán cho người dân.

Ngày 26-8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản 446/TB-VP thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh về việc UBND TP cơ bản thống nhất chủ trương cho khôi phục lại hoạt động của các chợ truyền thống và các cửa hàng, quầy hàng tạp hóa trên nguyên tắc phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19. UBND TP giao Giám đốc Sở Công Thương TP xem xét, quyết định cho khôi phục lại hoạt động của các chợ cấp TP; giao Chủ tịch UBND các quận, huyện xem xét, quyết định cho khôi phục lại các chợ truyền thống thuộc phạm vi quận, huyện, phường, xã quản lý; giao Chủ tịch UBND các phường, xã xem xét, quyết định cho phép một số cửa hàng, quầy hàng tạp hóa trên địa bàn hoạt động trở lại.

         Hoạt động tối đa 100% công suất

         Cụ thể, hàng hóa thiết yếu do TP hỗ trợ có 50.000 suất hàng gồm gạo, mì ăn liền, thịt hộp, cá hộp, cá khô, trứng gà) cho 50.000 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, tương ứng 16,6% số hộ toàn TP; 1.000 tấn rau, củ, quả cho toàn bộ người dân TP; TP sẽ tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ hàng hóa thiết yếu để cung cấp cho người dân TP. Đối với việc cung ứng hàng hóa thiết yếu thông qua các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối lớn: các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối lớn được phép cung ứng hàng hóa thiết yếu hoạt động tối đa 100% công suất; người dân tiếp tục đặt mua hàng từ các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối lớn; tăng cường vai trò của các ban điều hành (khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố, thôn, v.v…) trong việc hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho người dân; ngoài ra, lực lượng shipper công nghệ hợp đồng với các đơn vị cung ứng hàng thiết yếu để tham gia vào việc giao nhận hàng phục vụ người dân TP.  

         Cho phép mở lại cửa hàng tạp hóa, khôi phục chợ truyền thống

         Để tăng nguồn cung hàng thiết yếu phục vụ người dân TP, Sở Công Thương TP sẽ phối hợp với các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và điều kiện dịch tễ để quyết định cho phép mở lại hoạt động của các cửa hàng tạp hóa nhưng phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh, tại các cửa hàng này sẽ cho phép bày bán thêm các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá... Việc mua hàng tại các cửa hàng này được thực hiện thông qua các ban điều hành (khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố, thôn, v.v…). Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, các quận, huyện chủ động cho phép khôi phục lại hoạt động của các chợ truyền thống trên cơ sở tuân thủ nghiêm các yêu cầu của TP về phòng chống dịch bệnh, như: đảm bảo giãn cách giữa các quầy hàng tối thiểu theo quy định, bố trí lối ra vào chợ khác nhau, tăng cường rào chắn để chống xâm nhập vào chợ ở các vị trí còn lại; tiểu thương, nhân viên ban quản lý các chợ phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng dịch Covid-19 và xét nghiệm Sars-Cov-2 định kỳ 1 lần/3 ngày, mỗi hộ dân đăng ký mua hàng tại chợ qua các ban điều hành với tần suất tối đa 1 lần/5 ngày, các ban điều hành phối hợp với các hội, đoàn thể tham gia mô hình “Đi chợ giúp dân”, hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm.

        Tổ chức thêm các điểm bán hàng lưu động        

         Ngoài ra, để góp phần đảm bảo cung ứng kịp thời hàng thiết yếu phục vụ người dân tiêu dùng hàng ngày, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP đề nghị UBND TP cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối lớn được sử dụng 100% nhân lực làm việc và không áp dụng “3 tại chỗ”; chỉ đạo cơ quan chức năng ưu tiên cấp thẻ nhận diện, tạo điều kiện cho người và phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu lưu thông thông suốt, nhanh chóng và an toàn; chỉ đạo các quận, huyện phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng hóa thiết yếu tổ chức thêm các điểm bán hàng lưu động, khôi phục lại hoạt động của các chợ truyền thống khi đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, tăng cường và bổ sung thêm lực lượng cho các ban điều hành để đảm bảo tổng hợp đơn hàng cũng như giao hàng kịp thời cho người dân…

PHÚ NAM