100 năm, một bản tình ca

Thứ tư, 27/03/2024 09:15
Những ngày đầu Xuân vừa qua, cũng như mọi nơi, tại trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng thường diễn ra các buổi họp mặt đông vui của các nhóm cựu học sinh.
Thầy Hoàng Bích Sơn (bìa phải) trò chuyện cùng anh Nguyễn Chí Trung, cựu học sinh Phan Châu Trinh về ca khúc “Biệt mất rồi”.
Thầy Hoàng Bích Sơn (bìa phải) trò chuyện cùng anh Nguyễn Chí Trung, cựu học sinh Phan Châu Trinh về ca khúc “Biệt mất rồi”.

Tình cờ, trước những buổi hẹn hò, tụ tập ấy, tôi thật bất ngờ khi thấy một số bạn bè chuyền tay nhau một bản nhạc tình ca mới, phảng phất âm hưởng xa xưa, khá lãng mạn của nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn - nguyên thầy giáo âm nhạc trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, người vừa vượt khỏi ngưỡng tuổi 100. Thầy viết ca khúc này dành tặng cho cựu học sinh khóa 67 – 74 của trường, nhân dịp kỷ niệm gặp mặt sau 50 năm xa trường. Bài ca ấy có tên “Biệt mất rồi”!

Theo các bạn hữu cựu học sinh khóa 67 – 74 : “Đây là bài tình ca đầu tiên, và có thể là duy nhất trong đời nhạc sĩ và dạy học của thầy. Và cũng có thể khóa 67 – 74 là khóa đầu tiên và duy nhất được thầy viết tặng bản tình ca buồn man mác, sâu lắng như vậy. Lời bài ca có những đoạn: “Em sắp qua sông rồi/ Tiễn em về thôn cũ/ Nhà tranh giữa đất trời/ Thuyền côi trong mưa gió/ Em là tiên nữ trên ngàn/ Vui Xuân đi rắc hoa vàng cho Xuân/ Trang Sinh Hồ Điệp dương trần/ Tình say hồn bướm mấy lần tương tư/ Đêm mơ hình dáng, ngày mơ giọng cười/ Tiếng hát đêm thanh lồng bóng nguyệt/ Giọng ngâm buổi sáng đọng sương mai…”.

Chia sẻ với những học trò cũ tâm đắc, thầy Hoàng Bích Sơn cho biết, “Biệt mất rồi” nguyên là một bài thơ của người anh thầy: Hoàng Duy Từ (bút danh Chi Điền). Bài thơ viết về một chuyện tình có thật giữa ông Từ và nữ sinh Đồng Khánh tên là Kiều Miên. Vào năm 1942, khi mới vào học Đệ Thất Đồng Khánh, Kiều Miên đã là một tài hoa sắc nước hương trời, từng tham gia hát tại quán Nghệ Sĩ của ông bà Quốc Thành ở Huế. Do hoàn cảnh gia đình, Kiều Miên phải lấy chồng sớm, nhưng éo le thay, người chồng này không ai khác hơn là một người bạn của ông Hoàng Duy Từ. Đau khổ vì phải tiễn người yêu đi lấy chồng, ông Hoàng Duy Từ đã viết nên bài thơ “Biệt mất rồi”. Thầy Hoàng Bích Sơn là người hiểu rõ chuyện tình này và rất thương những người trong cuộc, nên từ lâu đã ấp ủ ý định phổ nhạc bài thơ này.

Tiết lộ rõ hơn nguyên nhân sự ra đời hiện nay của bản tình ca, dù đã ấp ủ khá lâu, thầy Sơn nói: “Biệt Mất Rồi nhân duyên đến khi bạn Nguyễn Hải Đà, khóa 67 – 74 lên thăm thầy và ngỏ ý mong muốn thầy viết cho một ca khúc để kỷ niệm Hội khóa 50 năm xa trường. Lúc đó, tự nhiên thầy nghĩ đến mối tình giữa anh mình và cô Kiều Miên. Thầy lại nghĩ đến thế hệ học sinh đầu thập niên 1970 khi phải rời sách vở để rơi vào cuộc chiến. Thầy nghĩ đến những mối tình thời áo trắng không thành. Thế là bản tình ca “Biệt mất rồi” ra đời một mạch…”.

Ca khúc “Biệt mất rồi” được thầy Hoàng Bích Sơn viết trên cung Mi thứ. Cung Mi, nhưng nhờ có một dấu thăng nên có gam màu sáng chứ không tối như dấu giáng. Nỗi buồn ở đây chỉ là buồn tàn thu: “Em đã qua sông rồi/ Anh buồn về thôn vắng/ Nhà tranh giữa đất trời/ Lướt sóng nhìn Thu rơi…”, song cũng chỉ là nỗi buồn man mác, nuối tiếc em không ở lại trần gian lâu hơn một chút để điểm tô hương sắc cho đời. Bạn Nguyễn Chí Trung, một trong những cựu học sinh Phan Châu Trinh bày tỏ cảm xúc về bài tình ca đầu duy nhất của người thầy âm nhạc: “Thầy ơi, sao tình ca lại đến với thầy muộn màng đến thế? Phải chăng cả đời thầy, thầy chỉ quan tâm đến việc đào tạo bao thế hệ học trò, dạy chúng nên người, mà quên đi việc để lại cho đời những bài tình ca bất hủ? Phải chăng cả đời thầy, thầy chỉ quan tâm đến những trang sử hào hùng của dân tộc và chỉ muốn cho ra đời những tuyệt tác như “Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh”? Biết bao thế hệ học sinh Phan Châu Trinh đã hát “Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh” dưới sân trường mỗi sáng thứ hai chào cờ sau Quốc ca. Biết bao thế hệ học sinh Phan Châu Trinh vẫn còn đang hát “Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh” mỗi lần họp lớp, hội khóa, hội trường hay mỗi lần húy nhật Cụ Phan trong nước cũng như ngoài nước. “Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh” đã là hùng ca của cựu học sinh Phan Châu Trinh. “Biệt mất rồi”, có thể sẽ là tình ca vang lên mãi để tưởng niệm những mối tình thời áo trắng dành cho những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, dành cho những người yêu nhau một thời nhưng có nhau một đời”.

Bạn Trần Hữu Trung, người từng sáng tác ca khúc từ thuở ngồi dưới mái nhà trường, đến nay đã có những bài ca phổ biến rộng rãi qua các CD của các ca sĩ nổi tiếng, đã vô cùng yêu thích “Biệt mất rồi” và không ngần ngại chuyển tài nhạc phẩm phổ biến đến bạn bè yêu nhạc gần xa. Trung nói: “Rất thú vị là bạn Trần Tuyết (một giọng ca nữ nghiệp dư TP Hồ Chí Minh) sau khi làm quen ca khúc, đã trình diễn ở một số phòng trà thân hữu thu hút được nhiều người yêu chuộng, bởi giai điệu trong trẻo, cùng lời ca buồn man mác…”.

Cần nhắc lại, vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn là một thầy giáo dạy nhạc nổi tiếng ở các trường học tại Đà Nẵng như: Phan Châu Trinh, Hồng Đức, Phan Thanh Giản... Thầy được nhiều thế hệ học sinh nhớ nhất với bài hiệu đoàn “Phan Châu Trinh hành khúc”. Những ai đã từng học nhạc thầy Hoàng Bích Sơn đều luôn ấn tượng về cách hướng dẫn “Một, hai, ba, bốn”, dùng cánh tay phải đánh nhịp: trên xuống, trái sang phải, phải lên đỉnh và từ đỉnh xuống dưới… để biết dần đến tiết tấu, hòa âm và âm điệu của các bài ca. Và sau này, trong số những học trò của thầy, nhiều người đã trở thành những nhạc sĩ, như Vũ Đức Sao Biển, Nguyên Chương (Lý Văn Chương), Phạm Tình, Trần Dục, Nguyễn Nam (hay nhiều thành viên trong phong trào du ca trước năm 1975 như Phạm Thị Lộc, Trương Xuân Mẫn, Phạm Sỹ Sáu…)…

Dù vậy, suốt cuộc đời sáng tác và dạy học thầy Sơn không có nhiều ca khúc phổ biến. Ngoài tập ca khúc mang tên Một thời Phan Châu Trinh và các bản ký âm về Hò khoan và Liên khúc dân ca Liên khu 5, thầy dành hết thời gian để nghiên cứu lý luận âm nhạc và dạy nhạc. Do đó, đến nay, đã vượt khỏi ngưỡng tuổi 100 mà thầy vẫn dành tặng học trò một bản tình ca thì thật là một sự việc xưa nay hiếm, quá bất ngờ, đáng trân trọng và nên giới thiệu, chia sẻ rộng rãi để mọi người yêu nhạc cùng thưởng thức.

Trần Trung Sáng