100 năm sau vụ đắm tàu Titanic: Vì sao thảm họa vẫn lặp lại?
(Cadn.com.vn) - Ngày 15-4 tới đánh dấu kỷ niệm 100 năm vụ chìm tàu Titanic. Thảm họa này đã thúc đẩy các quốc gia bắt đầu tìm hiểu và theo dõi những tảng băng trôi. Nhưng, vì sao hàng loạt tàu sau đó vẫn bị chìm vì một nguyên nhân cũ rích: đâm vào băng trôi?
Tai nạn kinh hoàng
Tàu Titanic bắt đầu được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912, là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất lúc đó. Titanic lúc đó chính là tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của “ông chủ”, Cty vận tải biển The White Star Line. Thiết kế của Titanic sử dụng một số kỹ thuật tiên tiến nhất thời ấy, được cho là “không thể chìm”.
Tuy nhiên, chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên của nó đã trở thành chuyến đi cuối cùng vì đâm vào một tảng băng trôi, rồi chìm 3 giờ sau đó khiến hơn 1.500 người tử nạn. Đó là rạng sáng 15-4-1912. Vụ tai nạn thảm khốc này được xếp hạng là một trong những thảm họa hàng hải lớn nhất và nổi tiếng nhất trong thời bình. Rõ ràng, theo các nhà điều tra, nguyên nhân gây chìm tàu là do núi băng đã phá vỡ các tấm vỏ tàu, làm thủng một lỗ lớn khiến nước băng lạnh giá tràn vào trong Titanic. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn liên quan đến vụ Titanic. Nhiều giả thiết về nguyên nhân gây ra tai nạn đã được đưa ra như: sai lầm khi đóng tàu (gồm cả những vấn đề với các cửa an toàn và thiếu hay không có các bu lông riêng tại các tấm thân tàu) hay tàu chìm vì hiện tượng “siêu mặt trăng” tiến sát trái đất nhất trong vòng 1.400 năm và thủy triều dâng cao bất thường trong đêm định mệnh đó.
Trong 100 năm qua, thảm họa Titanic trở thành đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, các tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh. Trong đó, siêu phẩm “Titanic” vốn đi vào lịch sử Lễ trao giải điện ảnh danh giá nhất thế giới Oscar khi giành được đến 11 giải thưởng cho những hạng mục quan trọng nhất.
![]() |
Các núi băng và băng ngầm luôn là mối nguy hiểm hàng đầu cho các tàu trên biển. |
Theo dõi băng trôi
Trong hành trình của tàu Titanic, chỉ có duy nhất một đài phát thanh và một đài hướng dẫn tàu an toàn đi qua các vùng nước có băng ngầm và băng trôi. Sau vụ chìm tàu Titanic, các nhà nghiên cứu thắc mắc việc thuyền trưởng Edward Smiths dường như không đếm xỉa đến những cảnh báo về các tảng băng trôi trong khu vực. Và đó lại là nguyên nhân gây ra thảm họa.
Vì thế, ngay sau đó, các nhà lãnh đạo thế giới đã triệu tập Hội nghị Quốc tế An toàn trên biển tại London ngày 12-11-1913, trong đó tập trung giải quyết các mối đe dọa từ băng trôi. Ngày 30-1-1914, một hiệp ước được hội nghị thông qua dẫn tới sự hình thành quỹ quốc tế về Tuần tra Núi băng Quốc tế (IIP), một cơ quan của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đến ngày nay vẫn đảm nhiệm việc quan sát và thông báo vị trí các núi băng ở Bắc Đại Tây Dương có thể là một mối đe dọa đối với giao thông xuyên Đại Tây Dương.
IIP thực hiện nhiệm vụ giám sát bằng cách tuần tra trên không và sử dụng radar để xác định giới hạn của tảng băng trôi nguy hiểm và sau đó phát sóng trong bản tin hằng ngày. Các bên tham gia cũng đồng ý khách trên tàu đều được đảm bảo chỗ trên thuyền cứu sinh, các cuộc tập luyện an toàn phải được tiến hành đầy đủ, và liên lạc radio phải hoạt động 24/24 giờ và có thêm một nguồn điện dự phòng riêng, để không bao giờ bỏ qua bất kỳ một yêu cầu hỗ trợ nào. Thêm nữa, hội nghị cũng đồng thuận việc bắn pháo hiệu màu đỏ phải được hiểu là tín hiệu cầu cứu. Hiệp ước này theo dự định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-1915, nhưng đã bị trì hoãn bởi Thế chiến I.
Với đội ngũ giám sát chuyên dụng đưa ra thông tin hằng ngày thông qua các hình ảnh vệ tinh rõ ràng và chi tiết, nguy cơ tàu va chạm với những tảng băng lớn này đã giảm xuống đáng kể. Nhưng, thảm họa kinh hoàng vẫn xảy ra.
Những cú va chạm chết người
Ngày 15-4 tới, lễ kỷ niệm 100 năm ngày tàu Titanic bị chìm sẽ được tổ chức khắp thế giới. Vào ngày đó, Khu Titanic tại Belfast, Ireland sẽ được hoàn thành và một dự án tưởng niệm cũng được khánh thành để kỷ niệm những liên hệ của con tàu Titanic với Belfast, thành phố nơi con tàu được chế tạo. |
Và tất cả những tiến bộ và nỗ lực của các nước cũng không thể ngăn được “cuộc gặp gỡ” giữa tàu MS Explorer với một tảng băng trôi vào tối 23-11- 2007. Hậu quả là 154 hành khách phải viện đến bè cứu sinh, trôi nổi trong vùng nước băng giá. Mọi người sau đó đều sống sót, nhưng vụ việc được tờ New York Times mệnh danh là thảm họa “Titanic thời hiện đại”. Chưa đầy hai tháng sau vụ này, tàu MS Fram bị mất động cơ và lao vào một tảng băng. Vụ va chạm khiến một xuồng cứu sinh bị vỡ, nhưng may mắn 300 người trên khoang không hề hấn gì. Chỉ mới năm ngoái, một tảng băng trôi xé toạc thân của một tàu đánh cá của Nga quanh Nam Cực.
Hiện không có số liệu đối chiếu về những vụ va chạm với các tảng băng trôi, nhưng chúng xảy ra mỗi năm. Tại vùng Bắc bán cầu, từ năm 1980-2005, đã có 57 sự cố liên quan đến băng trôi, theo ông Brian Hill, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Công nghệ đại dương Anh.
Thanh Văn (Theo BBC, WIKI)