120 mùa xuân: Đà Nẵng và xe thô sơ

Thứ hai, 28/01/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Khác với mọi năm, những ngày cuối năm này, cũng như cả nước, anh em xe thô sơ, xe tự chế của Đà Nẵng có lắm tâm sự và nỗi niềm: Vì lẽ “thời vàng son nay đã sắp qua”, khi “hạn cuối cùng” để chấm dứt sự hiện diện của các loại xe thô sơ trên đường phố dần bắt đầu có hiệu lực. Cảm thông với những người sắp phải giã từ một nghề “muôn năm cũ”, tôi đã kiên nhẫn “lược sử” sự nghiệp vinh danh của các loại xe này cho bác tài sắp phải giã từ những chiếc xe thân yêu của mình nghe...

Sự xuất hiện của “ông tổ nghề

Phải khẳng định một điều rằng, tất cả những loại xe thô sơ còn lại đến ngày nay đều xuất phát từ xe kéo tay, chính nó là “ông tổ nghề” của giới xích-lô, xe thồ ở Đà Nẵng hiện nay. Dưới thời Pháp thuộc, người Việt mới biết đến chiếc xe kéo tay, khi người Pháp đưa nó du nhập vào Việt Nam từ năm 1883, riêng Đà Nẵng thì vào năm 1888 (nếu lệnh cấm hẳn các loại xe theo dạng này vào ngày 1-6-2008 thì Đà Nẵng đã có 120 năm tồn tại của các loại xe thô sơ này). Người ta nói rằng, xe kéo tay ra đời vào thời Minh Trị Duy Tân tại nước Nhật. Chiếc xe này, lúc đó có tên là Rickshaw hay Rickish gì đó và chỉ dùng chở những người lớn tuổi không đi lại được. Sau đó thực dân Anh tại Hồng Kông đã biến nó thành một phương tiện lưu thông cho tầng lớp quí tộc và quan lại tại đây. Tại Việt Nam, chiếc xe kéo đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội vào năm 1883 do Toàn quyền Bonnal cho phép đem từ Nhật Bản về. Vào năm 1888, trước sức ép của thực dân Pháp, vua Đồng Khánh đã phải ký đạo dụ ngày 27-8 năm Mậu Tý (3-10-1888) cắt các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây, tức vùng “ngũ xã”, nằm ở tả ngạn sông Hàn với diện tích 10.000ha (20.000 mẫu ta) để làm “nhượng địa” của thực dân Pháp. Cho nên, chiếc xe kéo tay ra đời tại Đà Nẵng thì cũng là lúc người ta mở những đường ngang, ngõ tắt, phố xá thênh thang cho nó tiện bề rong ruổi!

Thời đó, tại Đà Nẵng, chỉ có những công chức Pháp, những thương nhân ngoại kiều và một số ít quan chức người Việt mới được ngồi trên xe kéo tay để rong ruổi trên đường phố, còn người Việt bản xứ chỉ biết đi bộ. Chiếc xe kéo được kéo bởi một người cu-li và đôi khi được thêm 2 người khác đẩy. Nếu là quan lớn thì thường có người trẻ đi kế bên người phu kéo; bên cạnh xe kéo mà có người tay cầm ống điếu hoặc khay trầu thì chắc chắn người ngồi trên xe là một đại gia giàu có hoặc phụ nữ quý phái. Đại để của việc ra đời xe kéo tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước ta nói chung là vậy... 

Xe kéo tay ở Trung kỳ. 

Một gợi ý lạ đời

Lần nọ, trong chuyến công tác tại Hà Nội, tôi và nhà thơ Bùi Xuân đến làm việc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Người tiếp chúng tôi là Tiến sĩ T., anh là một trong những Tiến sĩ lưu trữ học đầu tiên của nước ta được đào tạo tại Nga. Khi biết chúng tôi cần tư liệu về Đà Nẵng, anh T. tỏ ra rất hứng thú và cho biết anh đang nghiên cứu một loại phương tiện giao thông dành cho đô thị rất đặc trưng thời Pháp thuộc, đó là chiếc xe kéo tay. Đồng thời gợi ý “Đà Nẵng nên làm ngay một bộ sưu tập về xe kéo tay đi! Năm ngoái bọn mình mới mua được 1 chiếc xe kéo tay gọng đồng từ Đà Nẵng của ông đấy!”.

Lần đó, sau khi về lại Đà Nẵng, tôi bắt đầu để tâm đến xe kéo tay và dĩ nhiên không phải làm một bộ sưu tập như Tiến sĩ T. đã gợi ý mà muốn biết xem người Việt tại đất Hàn nhớ gì đến loại xe nổi tiếng và thông dụng một thời này. Thật bất ngờ, dù không chủ đích song hầu hết những người cao niên gốc Đà Nẵng đã kể cho tôi nhiều kỷ niệm gắn liền với xe kéo tay tại đất Hàn.

Những người biết về xe kéo tay đã kể cho tôi một cách rành rẽ về chiếc xe này như sau: Chiếc xe kéo đầu tiên có bánh làm bằng sắt nên chạy không được êm, mặc dù vậy, phương tiện này luôn là biểu hiệu cho sự giàu có và uy quyền của chủ xe. Thời đó, lúc nào, dù ở đâu, hình ảnh người phu kéo xe gò lưng kéo chiếc xe chở một ông chủ Tây vẫn gây ra sự hiếu kỳ cho đám đông. Bởi, thời điểm ấy tất cả những gì do Tây đem tới đều được dân chúng An Nam cho là văn minh. Song những cô thiếu nữ mặc dù rất thích nhưng không dám ngồi trên xe kéo vì sợ tiếng đời cười chê là “me Tây” - nghĩa là có chồng Tây!?

 Cùng với thời gian, là sự tiến bộ về mặt kỹ thuật, chiếc bánh xe sắt của xe kéo tay được thay thế bằng bánh cao su đặc, tạo nên sự êm ái cho người ngồi trên xe và dĩ nhiên là tiết kiệm sức lực hơn cho những người phu. Tuy nhiên, ngay cả những xe kéo với bánh cao su cũng chia ra làm 2 loại, loại bình thường và loại của hãng OMIC. Loại này được dân xứ Hàn mình gọi là “xe gọng đồng”, xe có chỗ ngồi bằng aluminium trắng bóng và có nệm lò xo cũng được bọc vải trắng và dĩ nhiên nó đắt tiền hơn loại xe thường và chỉ có giới quan lại, quý tộc mới dám bỏ tiền ra tậu một vài chiếc! 

Xe tay trên đường phố Đà Nẵng – 1940

Xuất hiện trong “Trung kỳ dân biến”

Theo cụ Nguyễn Thúy - một đảng viên 70 tuổi Đảng, mới qua đời tại Đà Nẵng vào năm ngoái - thì ký ức của xe kéo tay trong ông khá hào hùng qua sự kiện dân Quảng Nam xuống đường đấu tranh chống sưu thuế vào mùa Xuân năm 1908. Ông kể: “Cha tôi là một trong những người tham gia chống thuế tại Điện Bàn lúc bấy giờ.

Thời đó, xe kéo tay chỉ có nhiều ở Đà Nẵng và Hội An, ở các phủ, huyện thì chỉ có một vài chiếc dành cho quan phủ hoặc quan huyện và phục vụ cho việc đón các quan trên về địa phương trong những lần công cán. Cha tôi kể rằng: Sáng 22-3-1908, có 8.000 người kéo đến phủ đường Điện Bàn, đứng đầy trong công đường và ngoài sân. Viên tri phủ Trần Văn Thống ngủ dậy muộn, sợ hắn tẩu thoát, dân chúng bao vây bốn mặt.

Một lúc sau, viên tri phủ đi ra có vẻ sợ hãi, lúng túng. Mọi người mời viên tri phủ đi xuống tòa Sứ xin xâu, xin thuế giúp họ nhưng viên tri phủ thoái thác. Anh Túy người phủ Thăng Bình, ước chừng 40 tuổi, cao lớn, vạm vỡ, chạy vào nhà xe, kéo một cái xe tay ra giữa sân nói to lên rằng: “Không mời mọc chi cả, quan phủ phải ra đây lên xe mà đi, không đi không được!”. Giữa lúc đoàn người hăm hở “kéo xe” cho quan tri phủ, thì viên đề lại của Thống đã lén xuống báo với công sứ Pháp tại Hội An. Lập tức, 30 lính tập dưới sự chỉ huy của viên thiếu úy người Pháp tên là Sogny vội vã đi cứu viên tri phủ Điện Bàn.

Tại Phú Chiêm (Thanh Chiêm), lính tập đã dùng roi, gậy gộc để đánh nhân dân và nổ súng đàn áp đoàn biểu tình. Quần chúng chạy tán loạn, có 3 người ngã xuống sông Thanh Hà chết đuối. Nhân dân tổ chức lễ truy điệu và chôn cất rất chu đáo”. Như vậy, sau chừng 10 năm xuất hiện tại xứ Quảng, chiếc xe kéo tay đã chứng kiến một sự kiện chưa từng thấy lúc bấy giờ, cũng như nó sẽ trở thành chứng nhân trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Nẵng năm 1945 sau này.

Dấu xưa “ngựa người - người ngựa”

Thời Pháp thuộc, hình ảnh thường thấy tại Đà Nẵng là: Một ông Tây béo phì ngồi chễm chệ trên chiếc xe do người phu xe bản xứ gầy gò, mồ hôi nhễ nhại đang hì hục kéo đi, gợi lên cho bao người dân mất nước một nỗi niềm đau xót. Vì thế, chiếc xe kéo tay và những “quan Tây” ngồi trên trở thành một biểu tượng cho nền thuộc địa mới của Pháp tại Việt Nam, là hiện thân chua xót của kiếp nô lệ, đọa đày cho mỗi phận người lúc bấy giờ. Theo số liệu trong một tập công báo Trung kỳ, đến năm 1937, Đà Nẵng có đến 327 xe kéo tay! Tuy nhiên, không phải ai cũng có quyền lập ra tụ điểm cho thuê xe kéo tay hoặc sắm cho mình một chiếc như cách chúng ta đang sở hữu xe máy hiện nay. Bởi, nhận thấy đây là ngành kinh doanh béo bở nên người Pháp độc quyền việc nhập những chiếc xe và phụ kiện của nó. Hơn nữa, dưới thời Pháp thuộc, người Pháp quy định: Hằng năm, trên cơ sở mở đường mới, tu sửa đường cũ, người ta thống kê mỗi năm làm được bao nhiêu mét đường rải nhựa, bao nhiêu đường cấp phối để căn cứ vào đó mà cho bao nhiêu xe ô-tô, bao nhiêu xe ngựa, xe kéo tay được phép lưu hành.

Loại xe nhà (tiếng Pháp gọi là pousse-pousse de maitre) để phân biệt với xe tay hay xe kéo thuê nằm trong dịch vụ chuyên chở công cộng. Loại xe nhà được các quan chức hay nhà phú hộ có khả năng tậu một chiếc xe riêng cho gia đình, thuê một người kéo xe quanh năm với giá rẻ mạt. Mỗi chiều, chủ nhân và con cái họ ngồi chễm chệ trên xe để anh cu li kéo đi quanh phố, thậm chí đi xa đến 15 - 20km, vừa tiện lợi, vừa thể hiện rõ vẻ giàu sang, phú quý!

Còn đối với loại xe dịch vụ công cộng, tại Đà Nẵng, anh em nhà Morin là một trong những người lập nghiệp đầu tiên, họ có cả một nhà xe kéo tay hàng chục chiếc và thuê nhiều cu li, hằng ngày mặc đồng phục, đội mũ đứng trước khách sạn để đón khách đến và đi khắp nơi trong thành phố. Sau này, khách sạn Morin Đà Nẵng được in trên bưu thiếp Đông Dương nên hình ảnh mấy anh cu li xe kéo tay sang trọng trước khách sạn mà ta thấy còn đến ngày nay là vì thế.

 Khách sạn Morin tại Đà Nẵng đầu thế kỷ XX

Nhớ thời oanh liệt

Biết tôi lưu tâm đến xe kéo tay, cụ Nguyễn Quang Cân, hiện ở P. An Khê gợi ý: “Chú trở về ngã tư Yên Khê, chỗ nớ ngày xưa có gia đình ông Thủ Điển chuyên làm nghề kéo xe tay. Cách đây chừng mươi năm, tôi đến thăm thì thấy gia đình con ổng vẫn còn xác một chiếc xe kéo tay! Hồi xưa, ông Điển là phu kéo xe tay sau đó gặp thời phất lên thành người cho thuê xe kéo tay, nhờ vậy mà trở nên người vai vế trong làng, được bầu vào chức Thủ của làng!”. Tôi tìm đúng địa chỉ thì chỉ gặp người con trai út của ông Thủ Điển là ông B. (nay đã gần 80 tuổi) và nhìn thấy trước sân nhà, bên cạnh một bụi tre cỗi gốc, một chiếc bánh xe kéo tay bọc cao su nằm chỏng chơ giữa nắng mưa. Tôi phải nói rõ như thế, bởi mãi đến năm 1940, Đà Nẵng mới có những chiếc xe kéo tay có bánh cao su bơm hơi, vì vậy chiếc bánh xe nhà ông Thủ Điển hẳn phải ra đời trước đó! Ông B. nhớ lại: “Cha tôi là người kéo xe cho ông Tây làm Thị trưởng Đà Nẵng nên cũng được oai lây! Sau đó, ông dành dụm, ki cóp sắm riêng cho mình một chiếc xe kéo tay để kiếm sống, dần dà trở nên khá giả và trở thành người cho thuê xe!”.

Rồi, xe kéo tay trở thành đề tài đả kích của nhà báo lừng danh Tam Lang về “ngựa người” và câu chuyện “ngựa người và người ngựa” của nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan vang động một thời. Sau đó, để mang lại sự thăng bằng, một sáng kiến mới được nảy sinh, ai đó đã biến chiếc xe kéo tay ngày nào thành chiếc xe xích-lô (cyclo - pouse): Vừa đạp vừa đẩy. Xe xích-lô có mặt đầu tiên tại Sài Gòn vào những năm 40 của thế kỷ trước, lúc đầu nó mang tên khác và cấu tạo cũng khác, người ta gọi nó là xe lôi! Xe lôi gồm có: Chiếc xe đạp kéo theo sau một cái thùng có thể chở hàng và người. Sức kéo của loại xe này rất khỏe, có thể kéo đằng sau từ 4 - 6 người lớn và nhiều hàng hóa khác. Rồi chiếc xe xích-lô nhanh chóng trở nên thông dụng cả nước, kể cả Đà Nẵng. Lúc đó, chiếc xích-lô đạp được dân xứ Hàn gọi là “xích lô Tây”, người phu ngồi phía sau để đạp, chở khách đi, coi có vẻ lịch sự và văn minh, bớt nô lệ hơn!

Chính những phóng sự nóng hổi thời đó đã tạo nên dư luận quần chúng một cách tích cực, vạch rõ được nỗi cực nhọc của người phu kéo xe “cu-li xe” (coolie de pouse - pouse) và sự bóc lột của những ông chủ, là nền tảng để Đảng Cộng sản Đông Dương sau này tuyên truyền, giác ngộ tầng lớp lao khổ này. Vì lẽ đó, anh em kéo xe tay Đà Nẵng đã hưởng ứng nhiệt tình vụ “xuống đường” đưa dân nguyện cho Goda khi ông ta đến Đà Nẵng năm 1937. Và, cũng chính họ đã giúp cho lực lượng an ninh do ông Nguyễn Thành Nho (sau này là Giám đốc Sở Công an Quảng Nam – Đà Nẵng) trong Ủy ban bạo động cướp chính quyền Đà Nẵng, ban đêm đột nhập nhà bắt toàn bộ nhóm phản động của Mai Trọng Tánh bỏ lên xe kéo tay mà kéo đi giam lỏng nơi khác... Sau ngày giành được chính quyền, UBND cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng tổ chức mít-tinh ra mắt nhân dân thì anh em phu kéo xe tay đã tự động dán lên những chiếc xe của mình những khẩu hiệu: “Nước Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hoan nghênh hòa bình đã tới”, “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”... Đấy cũng là hình ảnh cuối cùng của những chiếc xe kéo tay ở Đà Nẵng. Tuy chiếc xe kéo tay đã đi vào quá vãng, song cái kế nghiệp nó là chiếc xích-lô vẫn còn tồn tại cho đến nay.

Với tôi, mỗi sớm, mỗi chiều đi và về từ công sở, nhìn dưới tán cây ở góc đường Quang Trung, những người xích-lô, xe thồ đang nằm, ngồi đợi khách tôi thầm nghĩ: “Rồi đến bao giờ “tàu điện” làm thay công việc của các anh?”. 

Lưu Hoàng Giang