15 năm sau vụ khủng bố 11-9: Mỹ sa lầy trong chiến tranh liên miên

Thứ hai, 12/09/2016 07:46

(Cadn.com.vn) - Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 đã mãi mãi thay đổi nước Mỹ cũng như làm đảo lộn chính sách an ninh quốc gia và cả chính sách ngoại giao của cường quốc số 1 thế giới này.

Thực tế năm 2016 đang chứng minh một điều, 15 năm sau loạt tấn công khủng bố 11-9 khiến nước Mỹ bẽ mặt, cường quốc này vẫn sa lầy trong những cuộc chiến tranh liên miên. Và điều đáng lo ngại, nước Mỹ vẫn chưa thể an toàn hơn.

Có lẽ không một người Mỹ nào có thể quên được khoảnh khắc này, khi 2 chiếc máy bay của những tên không tặc đâm sầm vào tòa tháp đôi WTC hôm 11-9-2001.Ảnh: AFP

Khi “hộp Pandora đã được mở ra”

Theo như lời cảnh báo trước khi Mỹ xâm chiếm Iraq, hộp Pandora một khi đã được mở ra, bóng ma chiến tranh sẽ ngập tràn khắp Trung Đông. Thực tế đang chứng minh điều đó là đúng.

“Ở Afghanistan, Iraq, Syria và xa hơn nữa, chúng tôi sẽ không ngừng chống lại những kẻ khủng bố như Al-Qaeda và IS. Chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng, sẽ tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ quê hương của chúng tôi”, Tổng thống Barack Obama nói trong bài phát biểu hôm 10-9 (giờ địa phương).

Cuộc chiến ở Afghanistan kéo dài. Iraq vẫn bất ổn. Libya và Syria vẫn xung đột đẫm máu. Hơn nữa, tổ chức khủng bố IS đã kiểm soát khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria và thúc giục chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới phát triển. Các cuộc chiến tranh tàn phá ở Trung Đông làm bùng nổ cuộc di cư hàng loạt đến Châu Âu và đẩy lục địa già vào họng súng khủng bố nguy hiểm. Bạo lực cũng nổ ra ở Ai Cập, Yemen và một số nước Arab khác, trong khi tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine bị sa lầy trong thế bế tắc không thể phá vỡ. Cái gọi là “Mùa xuân Arab” đã kết thúc trong hỗn loạn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017, nỗ lực đưa binh sĩ Mỹ ra khỏi những vũng lầy ở Iraq và Afghanistan và cả những cuộc chiến xung đột kiểu “chống khủng bố” đang tàn phá nước Mỹ. Đây là những “di sản” mà người tiền nhiệm George W. Bush để lại trong sự trỗi dậy các cuộc tấn công 11-9 đã giết chết gần 3.000 người. Nhưng giờ đây, khi chỉ còn thời hạn chưa đầy 5 tháng nữa, di sản của ông Obama vẫn là mớ hỗn độn.

Trong khi Tổng thống Obama làm việc chăm chỉ để mang nước Mỹ đến gần hơn với thế giới Hồi giáo, ông rồi đây sẽ rời nhiệm sở với hiện trạng rõ ràng: Mỹ đang sa lầy vào cuộc xung đột dường như vô tận chống khủng bố ở trong và ngoài nước.

Nước Mỹ…

Ngày 11-9-2001, 19 kẻ khủng bố cướp 2 máy bay lao vào Trung tâm thương mại (WTC), một máy bay nhằm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (một máy bay rơi xuống cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania), giết chết 2.977 người.

Nỗi đau quá lớn của thân nhân những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Ảnh: Getty Images

Đây là cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng đầu tiên trên đất Mỹ kể từ sau vụ đánh bom Trân Châu Cảng, một căn cứ quân sự xa xôi của Washington. Nước Mỹ bàng hoàng và bao trùm trong nỗi sợ hãi. Họ thật sự bị tổn thương bởi vẫn luôn tự vỗ ngực cho rằng, “nước Mỹ là bất khả xâm phạm đối với những kẻ khủng bố”. Tổng thống Obama nhớ lại, sau khi máy bay thứ hai nhắm vào tòa nhà WTC, ông rời khỏi tòa nhà văn phòng Thượng viện ở Chicago. “Lúc đó tôi tự hỏi liệu thế giới của những đứa trẻ như con gái của chúng tôi sẽ sống sau này như thế nào”, ông nói đồng thời cho biết, “lần đầu tiên tôi có cảm giác, đất nước chúng ta thực sự dễ bị tổn thương”.

Dưới thời nắm quyền của mình, Tổng thống Obama đề ra kỷ nguyên mới trong chiến tranh của Mỹ - chiến tranh nhỏ lẻ hơn. Một trong đó bị chi phối bởi những cuộc không kích bằng máy bay không người lái, điều lực lượng đặc biệt và huấn luyện cho các chiến binh địa phương. Chi phí tài chính và nhân lực của những kiểu chiến tranh “không quy mô lớn” như thế này sẽ hạn chế thiệt hại hơn sau khi Mỹ chứng kiến tổn thất 5.300 quân nhân, 50.000 binh sĩ khác bị thương và tiêu tốn 1.600 tỷ USD cho cuộc chiến Iraq và  Afghanistan từ năm 2001-2014.

Chiến lược của Tổng thống Obama ghi dấu ấn thành công tốt nhất vào tháng 5-2011, khi các lực lượng đặc biệt của Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố Al-Qaeda Obama bin Laden, chủ mưu các vụ tấn công 11-9. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích, chính sách của ông Obama thậm chí còn tồi tệ hơn so với một cuộc chiến tranh lâu dài vì nước Mỹ vẫn không thể an toàn hơn.

Trên thực tế, Mỹ xây dựng bộ máy giám sát khổng lồ hậu 11-9 cả trong và ngoài nước. Ngân sách cho Cục tình báo Trung ương (CIA), Cục điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tăng gần gấp đôi kể từ năm 2001. Tuy nhiên, các mối đe dọa khủng bố mà Mỹ đối mặt đã “tiến hóa hơn”, ám chỉ các cuộc tấn công của những “con sói đơn độc” tại Mỹ như vụ thảm sát hộp đêm ở Orlando hồi tháng 6.

… và thế giới có an toàn hơn?

Các mối đe dọa khủng bố Hồi giáo buộc Tổng thống Obama chống lại chính mình, để một lần nữa kéo liên quân tham chiến ở Iraq và tiếp đó là Syria và cả Libya.

AFP dẫn lời chuyên gia Tamara Cofman Wittes nhận định, các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, di căn của nhóm IS, cực đoan trực tuyến và loạt vụ tấn công ở các thành phố Châu Âu và Mỹ cho thấy mô hình của một “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”. Và tất nhiên, rất khó có thể chấm dứt cuộc chiến này. Các cuộc chiến tranh phá hủy cuộc sống của hàng chục triệu người ở Afghanistan, Trung Đông và Bắc Phi. Các nền kinh tế gần như bị phá hủy, cuộc sống bình thường trở thành thứ xa xỉ trong khi xã hội đang tan vỡ trong sự trỗi dậy của chiến tranh và bạo lực.

Khả Anh

Bà Clinton, ông Trump đối mặt vụ 11-9 như thế nào?

Khi Tòa tháp đôi WTC đổ sụp trong ngày 11-9-2001, bà Hillary Clinton lúc đó là thượng nghị sĩ New York và ông Donald Trump vẫn còn là ông trùm kinh doanh New York. Theo tờ People, cả bà Clinton và Trump - hai ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế tổng thống Mỹ - đã đến thăm khu Ground Zero trong những ngày sau các vụ tấn công khủng bố và có những phản ứng khác nhau về loạt tấn công này.

Bà Clinton thường xuyên đến thăm khu Ground Zero trong năm 2001 và cho thấy hình ảnh của một nữ chính trị gia ấm áp mạnh mẽ. Bà Clinton khi đó đã “có những nỗ lực không mệt mỏi để giúp đỡ các nạn nhân, trở thành “nhà vô địch” có những phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả”. Ông Trump đang ở căn hộ tại Manhattan khi vụ tấn công xảy ra. Ông cũng đến thăm Ground Zero nhưng không có nhiều nỗ lực được ghi nhận như bà Clinton. Ông Trump cũng nói nhiều về vụ 11-9 trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016. Và ông đối mặt chỉ trích dữ dội khi tuyên bố đã chứng kiến “hàng ngàn, hàng ngàn” người Hồi giáo ở New Jersey ăn mừng vụ tấn công 11-9.

T.Linh