15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX): Định vị thành phố sự kiện

Thứ bảy, 22/09/2018 08:32

Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Award) đã vinh danh Đà Nẵng là Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu Châu Á. Đây là minh chứng cho thành công của hàng loạt sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Đà Nẵng thời gian qua, đồng thời cũng tạo tiền đề để TP tiếp tục đầu tư, phát triển thương hiệu TP sự kiện trong thời gian tới.

Các doanh nhân hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị kinh doanh tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng.

Sau thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 cả thế giới đã biết đến Đà Nẵng. Có thể nói sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử TP. Qua sự kiện đã chứng minh một điều, Đà Nẵng hoàn toàn có thể là lựa chọn hàng đầu cho những sự kiện quốc tế tầm cỡ thế giới. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên, 7 tháng sau, một sự kiện mang tính chất toàn cầu cũng được tổ chức tại Đà Nẵng. Đó là kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6. Sự kiện này đã thu hút 1.500 đại biểu tới từ 183 quốc gia, khoảng 200 tổ chức phi chính phủ, hàng ngàn phóng viên quốc tế, hàng trăm hội thảo lớn nhỏ. Kỳ họp đã bàn những vấn đề lớn mang tính toàn cầu liên quan tới lĩnh vực môi trường. Có thể nói, đây là sự kiện lớn chỉ sau APEC. Tất nhiên, để tổ chức được 2 sự kiện tầm cỡ như vậy, Đà Nẵng đã phải có quá trình xây dựng, tích lũy lâu dài từ hệ thống dịch vụ đẳng cấp, hạ tầng giao thông phát triển, môi trường cảnh quan hấp dẫn, an ninh an toàn, người dân thân thiện... Nói chung, đó đều là các yếu tố cần cả một quá trình dài đầu tư, xây dựng và chọn lựa.

Quay lại thời gian trước, Đà Nẵng cũng đã tổ chức được nhiều sự kiện, lễ hội có dấu ấn, từng bước hình thành và khẳng định thương hiệu TP sự kiện. Có thể kể ra hàng loạt sự kiện lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc thi IRONMAN 70.3 và IRONKID Việt Nam, Cuộc thi Maraton quốc tế Đà Nẵng, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Đại hội Du lịch Golf Châu Á... Với nhiều sự kiện quốc tế đã tổ chức, Đà Nẵng được World Travel Award vinh danh là Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu Châu Á.

Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Cty du lịch Việt Đà cho rằng, thời gian qua lượng khách du lịch tới Đà Nẵng tăng cao bên cạnh các yếu tố về chất lượng hạ tầng, dịch vụ thì còn lý do có nhiều sự kiện, lễ hội lớn. Tuy nhiên, du khách thường đến đông, gây quá tải vào mùa cao điểm, như dịp lễ, hè. Để thu hút du khách quanh năm, TP cần tạo ra nhiều sự kiện định kỳ hàng tháng, hàng tuần như các hoạt động giao lưu âm nhạc, thể thao bãi biển, triển lãm ngoài trời... Đặc biệt, ông Lộc cho rằng, Đà Nẵng phải tập trung phát triển du lịch M.I.C.E, một lĩnh vực TP rất có lợi thế, nhất là từ sau APEC. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới Sở Du lịch sẽ tổ chức định kỳ 2 năm/lần Hội chợ du lịch MICE nhằm thu hút khách du lịch MICE trong khu vực. Ngoài ra, Sở Du lịch đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của loại hình du lịch công vụ M.I.C.E thông qua chiến lược xúc tiến quảng bá với thông điệp “Đà Nẵng- Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu Châu Á” bằng các hoạt động cụ thể như tổ chức chương trình quảng bá đến các thị trường trong và ngoài nước như roadshow, tham gia các hội chợ, tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip đến tham quan, khảo sát điểm đến...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để Đà Nẵng thực sự là TP sự kiện, thu hút đông đảo du khách thì cần quan tâm phát triển các phố đi bộ, chợ đêm. Ông Jose Barosso, Phó Lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng cho biết, TP cần tổ chức nhiều hơn các sự kiện quốc tế theo chủ đề như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, các hoạt động ngoài trời và thể thao tại bãi biển. Ngoài ra, Đà Nẵng cần kêu gọi đầu tư xây dựng Cuộc sống về đêm lành mạnh như hình thành chợ đêm ở các khu vực dành cho người đi bộ, nơi khách du lịch có thể tìm thấy các đặc sản địa phương. Riêng khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi cần xây dựng triển lãm nghệ thuật ngoài trời. Đặc biệt hơn, đã là TP sự kiện thì phải làm cho việc đi bộ của du khách dễ dàng hơn. TP cần nâng cấp vỉa hè, cấm đậu đỗ xe trên vỉa hè, có làn đường cho xe đạp. Như vậy chợ đêm và phố đi bộ gần như đặc trưng không thể thiếu của một TP sự kiện. Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, ông Nguyễn Hà Bắc cho biết, quả thực TP đang thiếu những khu chợ đêm được quy hoạch và đầu tư quy mô, bài bản tạo điểm nhấn đặc sắc cho du khách. Tuy nhiên, TP đã thấy được việc đó và đang triển khai thực hiện tại nhiều khu vực. Cụ thể tại Q.Hải Châu, phố đi bộ và chợ đêm (đường Bạch Đằng nối dài từ cầu Rồng tới cầu Nguyễn Văn Trỗi) dự kiến được hình thành với diện tích 21 ngàn m2, dài 1km, kinh phí khoảng 40 tỷ đồng, được quy hoạch các phân khu cụ thể sắp triển khai. Chợ đêm Sơn Trà được hình thành tại khu vực gần cầu Rồng (trên 2 đoạn đường Mai Hắc Đế và Lý Nam Đế). Ngoài ra, một số quận đang triển khai các tuyến phố đi bộ, chợ đêm như Phố du lịch An Thượng, Phố đi bộ tại chân cầu Trần Thị Lý trên đường Chương Dương, Chợ đêm Công viên 29-3...

Ngoài việc tạo ra các sự kiện hấp dẫn (yêu cầu bắt buộc của TP sự kiện) thì việc kiểm soát, đảm bảo lành mạnh giá cả các loại dịch vụ khi diễn ra lễ hội, sự kiện cũng cực kỳ quan trọng. Đây cũng là nội dung mà trong quá trình xây dựng thương hiệu TP sự kiện, Đà Nẵng rất trú trọng, ít nhiều đã tạo ấn tượng tốt với du khách. Ông Bắc cho biết, tại Lễ hội pháo hoa vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành TP đã kiểm soát tốt giá cả các dịch vụ lưu trú, vận tải, ăn uống, trông giữ xe... TP đã thành lập tổ phản ứng nhanh du lịch đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong hoạt động du lịch. Đơn cử như nửa đầu năm 2018, Tổ đã tiếp nhận và xử lý hơn 50 cuộc gọi. Ngoài ra trung tâm hỗ trợ du khách đã phục vụ giải đáp hơn 50 ngàn lượt, hơn 2.700 cuộc gọi, kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách.

Có thể khẳng định Đà Nẵng đã phát huy được hạ tầng, cảnh quan, môi trường để tổ chức được nhiều sự kiện, lễ hội quốc tế lớn. Điều này đã giúp thương hiệu TP sự kiện của Đà Nẵng ngày càng được đông đảo du khách biết tới, chọn Đà Nẵng là điểm đến trong hành trình du lịch của mình.

HẢI QUỲNH