182 ha đất tái định canh bị lấn chiếm chưa thể thu hồi sau 17 năm

Thứ tư, 08/05/2024 10:15
Năm 2006, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng Khu tái định canh (với diện tích 182 ha) cho người dân mất đất sản xuất khi triển khai Dự án Bô xít - Nhôm Lâm Đồng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này không được sử dụng cho mục đích tái định canh như mục tiêu đề ra, mà hoàn toàn bị người dân lấn chiếm suốt 17 năm qua để dựng nhà trái phép, trồng cà-phê hoặc mua đi bán lại…

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Bảo Lâm và Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng, hiện có hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu lấn chiếm, sản xuất, xây dựng trái phép trên diện tích 182 ha đất tái định canh này.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng Nguyễn Đình Trí cho biết, ngay từ đầu, Ban Quản lý nhận thức rằng việc UBND tỉnh giao đất là để đơn vị thuận lợi trong đầu tư hạ tầng khu tái định canh như: làm đường giao thông, đập tràn dẫn nước phục vụ sản xuất… rồi bàn giao lại cho huyện, chứ doanh nghiệp không hề có chức năng quản lý dân cư, phân bổ đất đai cho người dân tái định canh ở khu tái định cư này. Mặt khác, Ban cũng không đủ lực lượng và chuyên môn để quản lý đất đai.

Ông Trí cho biết, ngay sau khi nhận đất đầu tư hạ tầng, năm 2008, đơn vị đã ký hợp đồng với UBND xã Lộc Phú là đơn vị gần với khu đất tái định canh để thuê trông coi, bảo vệ diện tích đất trên và đã ứng 1 phần kinh phí hợp đồng cho xã. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú là người đại diện ký hợp đồng qua đời, sau đó các lãnh đạo xã Lộc Phú cũng không "mặn mà "thực hiện hợp đồng đã ký; Hợp đồng sau đó cũng không nghiệm thu, thanh lý...

Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra nhiều văn bản, yêu cầu giải tỏa, thu hồi diện tích đất lấn chiếm; đôn đốc triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND huyện Bảo Lâm vẫn đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, thông kê lại diện tích đất bị lấn chiếm và những người lấn chiếm để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Theo Chánh văn phòng UBND huyện Bảo Lâm, quá trình giải tỏa đất tái định canh bị lấn chiếm sẽ khó khăn, kéo dài do diện tích bị lấn chiếm quá lớn, số người tham gia lấn chiếm rất nhiều và nhiều lô đất đã bị mua đi bán lại qua nhiều đời chủ.

Mới đây nhất, tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ngày 12-4-2024, phía Tập đoàn đã kiến nghị tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm tiếp nhận và quản lý Khu tái định canh phục vụ dự án Tổ hợp Bô xít - nhôm Lâm Đồng theo quy định.

CHU QUỐC HÙNG