Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững

Thứ tư, 09/07/2025 09:00

Chiều 8-7, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Cùng tham gia chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.

Thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế

Nhấn mạnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến rất nhanh, rất phức tạp và khó lường, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phân tích một số xu hướng lớn. Đó là: Thách thức từ sự bất định khi các cú sốc và biến động địa chính trị, địa kinh tế ngày càng thường xuyên, đa chiều hơn; KHCN đang thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế và định hình lại chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu; tác động của phân tách, phân mảnh kinh tế; suy giảm niềm tin bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược đang hạn chế vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương; sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc; xuất hiện nhiều yếu tố kìm hãm xu hướng phát triển bền vững và bao trùm; các thách thức an ninh phi truyền thống.

Tại Việt Nam, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đến nay nước ta đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút FDI. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Việt Nam đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước. "Việt Nam xác định muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời phải hành động quyết liệt, thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và phải có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế", Phó Thủ tướng khẳng định.

Khơi thông các nguồn lực phát triển

Để hóa giải khó khăn thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Thời gian qua, nước ta đã tập trung giải quyết được một số "điểm nghẽn" về thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chinhd, phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền các cấp trong nhiều lĩnh vực phù hợp với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch… Đồng thời, ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của hơn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Ngoài ra, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để "dẫn dắt", là "vốn mồi" để huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; đồng bộ, đa dạng hoá các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.

Cùng với đó là tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.

Để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, Phó Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, các địa phương hãy đồng lòng, chung sức, cùng Chính phủ, các ban, bộ, ngành thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng xây dựng đất nước trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, là trung tâm sản xuất, dịch vụ, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

TIÊN SA

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống hàng giả

Đó là những ý kiến, đề xuất của đa số các đại biểu tại Hội nghị về chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là BCĐ 389 Quốc gia) đã tổ chức tại TP Đà Nẵng vào ngày 7-7.

Tập trung triển khai các dự án tạo động lực phát triển Đà Nẵng mới

Ngày 4-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với Sở Tài chính về triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, thu chi ngân sách, giải ngân đầu tư công.

Đà Nẵng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 10% trở lên, giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công

Đây là mục tiêu được hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng diễn ra ngày 3-7 đặt ra để phấn đấu trong năm 2025.