2 thập kỷ đi tìm đồng đội
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi tìm gặp nữ thương binh Trương Thị Lai (70 tuổi, ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) đúng lúc bà đang nói chuyện điện thoại với đồng đội ở Hải Phòng về công tác chuẩn bị cho chuyến đi tìm hài cốt đồng đội sắp tới. Bà Lai cho biết, mấy ngày nay bà đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi về Hiệp Đức (Quảng Nam) tìm hài cốt của 5 đồng đội hy sinh ở đây. Bà Lai nhẩm tính: “Phải mất gần 2 năm trời, thu thập hết thông tin từ những người đồng đội cũ chúng tôi mới xác định được vị trí của 5 liệt sĩ này. Hy vọng chuyến đi thuận lợi, tìm được các anh để đưa các anh về chứ mùa mưa rồi”.
Năm 11 tuổi, bà Lai theo cha hoạt động cách mạng, làm giao liên ở 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 1960, bà trở về quê nhà hoạt động cách mạng. Năm 1965, bà trở thành nữ quân y Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2, là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu 5. Sau ngày giải phóng bà về công tác ở Đội Vệ sinh phòng dịch Sơn Tịnh, rồi làm Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hà. Là nữ quân y ở chiến trường, bà Lai đã cùng đồng đội chữa trị, cứu sống hàng trăm CBCS và cũng chính bà ngậm ngùi, xót xa khi phải chôn cất nhiều đồng đội hy sinh. Trong những tháng ngày hòa bình bà rất muốn đi tìm lại đồng đội của mình, nhưng cuộc sống khó khăn đành gác lại tâm nguyện. Năm 1994, bà nghỉ hưu.
Bà Lai (thứ tư từ phải sang) trong một chuyến đi tìm hài cốt đồng đội. |
Chuyện đi tìm đồng đội của bà Lai bắt đầu từ năm 1995, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Ba Gia - Vạn Tường, khi các cựu binh Trung đoàn Ba Gia họp mặt. Nhân cơ hội, bà Lai trình bày tâm niệm tìm hài cốt đồng đội được mình nung nấu bấy lâu. Sau đó, bà cùng với 6 đồng đội trong đơn vị, tham mưu cho tỉnh đề nghị thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh Ba Gia - Vạn Tường tỉnh Quảng Ngãi nhằm quy tụ các đồng đội tham gia chiến trường năm xưa. Từ đó mỗi lần gặp lại đồng đội, bà cùng Ban liên lạc thống kê lại số liệt sĩ hy sinh, tên gì, ở đâu, ai đã tìm được, ai chưa tìm được mộ để bàn phương hướng tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả nước bạn Lào và Campuchia.
Từ đó đến nay, bà cùng đồng đội đi khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả nước bạn Lào và Campuchia, tìm được gần 60 liệt sĩ, riêng 1 mình bà tự bỏ tiền túi dẫn người thân liệt sĩ đi tìm được 8 mộ. Việc làm của bà Lai được sự ủng hộ rất lớn từ đại gia đình. Ông Phạm Văn Trợ, chồng bà không chỉ lo việc nhà để bà yên tâm cho những chuyến đi xa mà còn dành lương hưu để vợ có kinh phí đi tìm đồng đội. Còn anh con rể của bà thường trực tiếp lái xe chở bà cùng đồng đội mỗi khi đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở xa.
Nơi chôn cất các liệt sĩ thường nằm trên những ngọn núi cao hay cánh rừng già, đường đi cách trở và khó khăn. Nhiều nơi quang cảnh nhiều thay đổi nên khó xác định địa điểm chôn cất, có những mộ phải đi đến 4,5 lần mới tìm ra. Còn có những mộ tìm mấy chục năm nay nhưng vẫn chưa có tung tích. Với bà Lai, chuyến đi cực khổ nhất, khó khăn nhất là tìm liệt sĩ Phan Dương Tiến, tham mưu trưởng Trung đoàn Ba Gia quê ở xã Bình Đông, H. Bình Sơn ở điểm cao 723 thuộc tỉnh Savanakhet nước bạn Lào. Từ Quảng Ngãi, sáu thành viên và người thân của liệt sĩ ra Đông Hà rồi ngược lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Từ đó, hướng về thị trấn Sê Pôn rồi ngược lên chừng 70 km tìm về cứ điểm. Đường lên điểm cao, có đoạn lối mòn che kín. Hai thanh niên thuê dẫn đường phải thả dây mà kéo từng người lên. Bà Lai bị trượt ngã, chân sưng to lên đi đứng không được. Anh em chặt cây rừng để làm cáng khiêng nhưng bà Lai từ chối mà tự mình chống gậy đi từng bước. Chuyến đi đó mất cả nửa tháng trời, bà Lai trở về với thân hình gầy xọp nhưng bà không nản lòng mà sau đó còn tham gia nhiều đợt tìm kiếm khác ở Quảng Nam, Kon Tum...
Nữ thương binh Trương Thị Lai. |
“Bị thương vẫn không sao, chỉ cần tìm thấy hài cốt đồng đội là tôi khỏe ra liền thôi. Chứ nằm một chỗ ở nhà không biết tình hình anh em tìm kiếm như thế nào thì không yên”, bà Lai ưu tư.
Chuyến đi lên điểm cao Ngọt Tà Vạt, nằm gần đèo Lò Xo, vùng giáp ranh Quảng Ngãi - Kon Tum cũng là một trong những chuyến đi đầy kỷ niệm với bà Lai và các đồng đội. Bà Lai kể: “Năm 1968, khi tiểu đoàn từ Tây Trường Sơn về đánh điểm cao Ngọt Tà Vạt. Máy bay B52 thả bom mù trời. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh này. Trong số đó có hai người cùng tên là Võ Mạnh và Phạm Mạnh cùng ở Bình Sơn. Anh chị em trong đội phẫu chọn mảnh đất cạnh một bản làng đồng bào dân tộc để các anh nằm và đánh dấu bằng một tảng đá to và một cây lớn”. Nhưng rồi sau chiến tranh dấu vết của khu mộ chôn liệt sĩ thay đổi nhiều hơn. Khi bà Lai cùng các anh tìm lại thì bản làng xưa đã dời đi nơi khác. Chuyến đi đó, bà Lai cùng đồng đội tìm kiếm bất thành. Rồi chuyến đi thứ hai kéo dài gần nửa tháng trời, họ đã cuốc nát nhiều bìa rừng thì tìm được liệt sĩ Võ Mạnh, còn liệt sĩ Phạm Mạnh đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Ở tuổi 70, nhiều người nghỉ ngơi vui vẻ bên con cháu nhưng người nữ thương binh này vẫn không ngừng chinh chiến nơi núi rừng để tìm kiếm hài cốt của đồng đội. Bà luôn canh cánh trong lòng nỗi lo âu vì còn rất nhiều đồng đội của bà vẫn chưa được tìm thấy. Còn rất nhiều gia đình liệt sĩ mòn mỏi chờ đưa chồng, cha của họ về quê hương. “Còn sức khỏe còn đi được ngày nào thì tôi sẽ tiếp tục công việc tìm hài cốt đồng đội, chừng nào đi không được nữa tôi sẽ ở nhà tìm kiếm thông tin giúp anh em”, bà Lai khẳng định.
Châu Vi