20 năm, chuyện tình yêu mới kể

Thứ năm, 28/08/2008 00:00

(Cadn.com.vn) – 1. Tôi biết họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từ lâu và trong thâm tâm luôn thầm kính phục sức lao động, tư duy, sáng tạo không ngừng nghỉ, nuôi bền ngọn lửa hội họa trong chị. Sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật, chị là con gái “rượu” của nhà văn Kim Lân. Những người em trai khác của chị là Thành Chương, Nguyễn Mạnh Đức, Từ Ninh, Nguyễn Việt Tuấn, em dâu Nguyễn Thị Đào (vợ Việt Tuấn), con gái là Lê Hiền Minh cùng chồng là họa sĩ Gregory Max Jewtt (Mỹ) đều là những tên tuổi trong làng hội họa. Chồng chị  là nhà nghiên cứu Hán - Nôm nổi tiếng Lê Dưỡng Hạo. Song, có một người nổi tiếng khác suýt góp thêm một “tên tuổi” trong gia đình của chị, đó là nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.

2. Trong một lần làm khách mời của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tại căn hộ nhỏ của chị mà giới văn nghệ sĩ thường gọi đùa là “tổ chim” trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, góc bệnh viện Từ Dũ, TPHCM, tôi đã nghe nói về chuyện tình của nữ chủ nhân và Lưu Quang Vũ. Giữa họ đã có nhiều bài thơ, bức tranh tặng nhau với đầy xúc cảm và kỷ niệm.

Một lần khác, tôi đến “tổ chim” đúng lúc đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhà quay phim Nguyễn Thước, đạo diễn Đào Trọng Khánh phỏng vấn nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho phim “Lưu Quang Vũ” dự định phát sóng nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà viết kịch, nhà thơ, nhà văn hiện đại của Việt Nam Lưu Quang Vũ. Chị đã lục tìm cho tôi khá nhiều tư liệu quý vẫn còn lưu giữ. Tư liệu này VTV chỉ sử dụng một ít. Đó là những bài thơ, bức thư, ảnh, tranh minh họa... do chính Lưu Quang Vũ viết. Thật bất ngờ khi biết giữa 2 tâm hồn tài hoa này lại có những phút giây bùng cháy cho cuộc tình khó quên đến như vậy.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền 

Lưu Quang Vũ đến với Nguyễn Thị Hiền khi đã chia tay với tình yêu đầu là nghệ sĩ diễn viên Tố Uyên, người đóng vai chính trong phim “Chim Vành Khuyên” nổi tiếng. Cái anh cần nhất là một tâm hồn vị tha, hiểu nghệ thuật, hiểu anh và chia sẻ với anh bởi thời điểm bấy giờ là giai đoạn đặc biệt khó khăn trong cuộc đời anh: thất bại, đỗ vỡ trong hạnh phúc gia đình, không có việc làm..., như thơ anh viết vừa đau đớn, trần trụi vừa tự kỷ: “Tôi không biết làm gì, tôi chẳng biết đi đâu”…

Ngay với người thân, bạn bè, anh cũng rất ít tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm. Khát khao được làm việc và được cháy lên trong sáng tạo nghệ thuật, anh đã gặp ở họa sĩ Nguyễn Thị Hiền sự đồng cảm. Như chị Hiền kể, lúc bấy giờ, chị đang vẽ rất nhiều và đã nhận được nhiều giải thưởng tranh quốc tế. Hai người quen nhau trong một lần Lưu Quang Vũ đến họp cộng tác viên ở tạp chí Thanh Niên do chị Hiền phụ trách. Tình yêu của họ càng thắm đượm khi nhiều quan niệm, suy nghĩ về nghệ thuật “song hành”. Lưu Quang Vũ đã viết rất nhiều thơ tặng chị, trong đó không thiếu những bài giận hờn, tự trách vì biết khó đến được với nhau. Trong một bài tặng riêng chị, anh như rút cạn lòng mình: “Một tình yêu không biết nói cùng ai / Cứ điên dại, cứ nghẹn ngào đau đớn” ("Em, tình yêu, những năm đau xót và hy vọng"). Họ đã có những phút giây thanh cao tuyệt đỉnh nhất của tình yêu mà trong thơ của anh hay trong những bức tranh của chị vẫn còn cuộn sóng. Cuộc tình này kéo dài một thời gian cho đến khi Lưu Quang Vũ gặp Xuân Quỳnh và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng gặp tình yêu của mình là nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo.

3. Trong một bài thơ viết chữ thảo, nét bút khá bay bướm của Lưu Quang Vũ mà chị Hiền cho tôi xem còn có cả bức tranh vẽ chân dung người “đàn ông cô đơn” – Lưu Quang Vũ tặng chị. Đây cũng là bức ký họa đầu tiên của Lưu Quang Vũ mà tôi được thấy. Nét vẽ khá bay và cá tính.

Chị Hiền vẫn tha thiết, quấn quýt với kỷ niệm tình yêu cũ. Chị vẫn cho rằng, đây là chuyện tình đẹp nhất, trong sáng nhất mà định mệnh đã dành cho chị. Chị cho biết sẽ thực hiện một vài chân dung Lưu Quang Vũ bằng sơn dầu “không phai qua năm tháng” qua hồi ức của chị. Đó sẽ là những “chân dung không tuổi” vì họ đã sống lý tưởng, đi qua những thử thách khi trái tim cùng chung nhịp đập hướng về nhau...

Bút tích những bài thơ Lưu Quang Vũ
tặng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Đông Dương. 

Nguyễn Hữu Hồng Minh