25 năm nối dây cho những cánh diều

Thứ tư, 26/10/2016 09:01

(Cadn.com.vn) - Ra đời trước Hội Khuyến học Việt Nam 5 năm và cũng là Hội Khuyến học thành lập sớm nhất của cả nước, hôm nay (26-10), Hội Khuyến học TP Đà Nẵng (tiền thân là Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng) tròn 25 tuổi. Trong suốt 25 năm ấy, Hội đã nối dây cho biết bao học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường thực hiện mơ ước học chữ để khai trí lập thân, lập nghiệp, góp phần chung sức xây dựng quê hương, đất nước.

Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác truyền thông về xây dựng xã hội học tập.

Nhớ về những người khởi xướng

Trong những ngày tất bật chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, những người làm công tác khuyến học và ngành GD-ĐT TP nói chung, cũng như những người biết và yêu kính Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Hảo nói riêng đều cảm thấy mất mát trước sự ra đi của ông - một trong những người khởi xướng thành lập Hội Khuyến học tỉnh QN- ĐN (cũ), Hội Khuyến học Đà Nẵng hôm nay. Ông cũng là người giữ cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học QN-ĐN rồi Hội Khuyến học TP Đà Nẵng lâu nhất với thâm niên 22 năm (4 nhiệm kỳ liền)... Từng tiếp xúc và từng được nghe nhiều người kể về Nhà giáo ưu tú đáng kính này, nên khi đọc bài viết "Chú Hảo của chúng tôi" của 2 nhà giáo Lê Phú Kỳ và Huỳnh Văn Hoa đăng trên tập kỷ yếu do Hội Khuyến học TP "ưu tiên" tặng trước, tôi nghe lòng mình rưng rưng...

Sinh thời lúc còn sống, khi được hỏi vì sao ông lại có ý tưởng thành lập Hội Khuyến học, Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Hảo cho biết, ý tưởng khởi xướng ấy bắt nguồn từ một tiếng khóc trẻ con. Chuyện rằng, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước khi đang là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh QN-ĐN, một lần đi công tác lên H. Tiên Phước (Quảng Nam), trong giờ nghỉ trưa, ông bỗng nghe có tiếng khóc của một đứa trẻ. Hỏi thì đứa trẻ cho biết, cháu xin mẹ tiền nộp học nhưng mẹ bảo không có.

Tìm hiểu ngọn ngành, mới biết gia đình cháu quá nghèo, làm quần quật nhưng vẫn không đủ ăn, lấy đâu ra tiền để cho con nộp học... Câu chuyện về hoàn cảnh gia đình cháu bé ấy ám ảnh ông mãi. Và từ câu hỏi "Đến bao giờ học trò nghèo xứ Quảng được học hết phổ thông" đã thôi thúc người thầy đáng kính này cùng 6 nhà giáo kỳ cựu, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" gồm: Lê Phú Lộc, Nguyễn Ngữ, Phan Khôi, Hồ Huyền, Nguyễn Văn Xuân và Phan Châu Toàn đã đứng ra tổ chức vận động, đi xin các cấp lãnh đạo cho phép được thành lập Hội Khuyến học. Uy tín và nhiệt huyết của 7 nhà giáo kỳ cựu ấy đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh QN-ĐN khi ấy đồng ý ra quyết định thành lập Hội Khuyến học tỉnh QN-ĐN ngày 26-10-1991. Lúc đó, Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Hảo về hưu được 1 năm...

Thật khó có thể hình dung được rằng, những ngày đầu mới thành lập, quỹ Hội vỏn vẹn trên 3 triệu đồng, trong đó 200.000 đồng do Cố Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước, Cố vấn BCH Trung ương Đảng Võ Chí Công và 3 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó Chủ tịch nước - gửi ủng hộ cùng một khoản tiền rất nhỏ do các thành viên trong Ban chấp hành đóng góp để làm kinh phí hoạt động. Từ số tiền ít ỏi đó, sau 25 năm thành lập và vận động xây dựng quỹ khuyến học, đến nay, số HS được tiếp sức đến trường đã lên đến con số hàng vạn em...

 Hội Khuyến học TP Đà Nẵng phối hợp cùng các ngân hàng trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

Sức lan tỏa từ những trái tim khuyến học

Từ 2 huyện, 4 xã có tổ chức hội với 200 hội viên của những ngày đầu thành lập, đến nay, toàn TP có 1.734 Chi hội với 167.522 hội viên (16,2%) và hơn 6.600 người là cán bộ khuyến học hoạt động rộng khắp trên địa bàn từ Thành hội đến các quận, huyện. Không chỉ có thôn, tổ dân phố, trường học, tộc họ tham gia, đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã thành lập Ban Khuyến học để động viên, khích lệ phong trào khuyến học của con em trong đơn vị.

Ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, của Mặt trận, các hội đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, có thể nói, điều làm nên sức mạnh, tạo được sự lan tỏa của phong trào khuyến học ở Đà Nẵng chính là nhờ vào những trái tim yêu thương, hết lòng vì học trò của những thành viên Hội Khuyến học ngày ấy, bây giờ. Bằng uy tín của mình và nhờ biết kết hợp, phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất "Ngũ phụng tề phi", họ đã kêu gọi, vận động các tổ chức xã hội trong ngoài nước, những tấm lòng hảo tâm, các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, tiếp sức, "nối dây" cho những HS nghèo khó tiếp tục cuộc hành trình khai trí, vượt lên khó khăn, hoàn thành ước nguyện được học chữ để khai trí lập thân, lập nghiệp...

Nói rộng hơn, điểm mạnh nhất và cũng là nét nổi bật nhất mà các thành viên của Hội Khuyến học TP Đà Nẵng và Hội Khuyến học các quận, huyện đã làm được trong 25 năm qua chính là đã biết phát huy, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội cùng chung tay vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập...

Ông Trần Đình Liễn- Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, cho biết, Quỹ Khuyến học của TP và các địa phương trong 25 năm qua đạt khoảng 150 tỷ đồng, giúp đỡ học bổng và hỗ trợ phương tiện học tập cho hàng vạn HS có hoàn cảnh khó khăn, động viên khen thưởng hàng vạn HS có thành tích học tập tốt. "Riêng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Quỹ Khuyến học toàn TP đã huy động được 15 tỷ đồng", ông Liễn cho biết thêm. Một trong những học bổng do Hội Khuyến học thành lập có sức lan tỏa và thâm niên lâu nhất là giải thưởng khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng. Đến nay, giải thưởng này đã trao được 18 lần với 527 HS xuất sắc được khen thưởng.

Trong quá trình hoạt động, các thành viên của Hội Khuyến học TP Đà Nẵng luôn xác định đây là một hoạt động đầy tính nhân văn nên không được chạy theo thành tích giả tạo, không tính toán vụ lợi cho cá nhân.  Có lẽ, xuất phát từ kim chỉ nam ấy mà 25 năm qua, Hội Khuyến học QN-ĐN ngày ấy, Đà Nẵng hôm nay đã chắp cánh, "nối dây" cho biết bao "cánh diều" được tiếp tục hành trình khai trí để lập thân, lập nghiệp.

P.T