3 bị can bị khởi tố giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng thế nào?
Mới đây, Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Mai Nhi (SN 1983, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (SN 1992, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (SN 1994, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”
3 bị can trên có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Nguyên Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam livestream xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân của 8 cá nhân. Cụ thể, từ tháng 3/2021, bà Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội như: Youtube, Facebook, TikTok để phát ngôn trực tiếp (livestream) thông qua mạng Internet. Bên cạnh đó, bà Hằng đưa các thông tin chưa được kiểm chứng gây xúc phạm tới uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Các cá nhân giúp sức trong các buổi livestream của bà Hằng gồm: ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà, bà Nguyễn Thị Mai Nhi.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ đưa thông tin trái phép trên mạng internet của bà Nguyễn Phương Hằng diễn ra liên tục trong thời gian dài, việc thực hiện các buổi phát trực tiếp đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ, có nhiều người hỗ trợ mới có thể thực hiện được.
Không chỉ một mình bà Phương Hằng thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội mà còn có rất nhiều người cùng tham gia cổ súy, tung hô, có dấu hiệu của hành vi giúp sức, xúi giục bà Hằng đăng đàn làm khuấy đảo mạng xã hội một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố thêm 3 đồng phạm khác về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ là điều đã được nhiều chuyên gia pháp lý dự báo từ trước.
Theo quy định của pháp luật, đồng phạm là có từ 2 người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Cụ thể Điều 17. Bộ luật hình sự quy định về đồng phạm như sau: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.".
Do đó, đồng phạm có thể tồn tại ở dạng đồng phạm giản đơn hoặc là tội phạm có tổ chức. Đồng phạm giản đơn là những người có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có sự cấu kết chặt chẽ với nhau. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Đồng phạm sẽ gồm nhiều người có chung một ý chí, có cùng một mục đích để thực hiện hành vi phạm tội. Trong nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đó, mỗi đối tượng có thể thực hiện với những vai trò khác nhau, làm tăng tính chất nguy hiểm của vụ án hình sự, gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sự việc.
Bộ luật hình sự quy định: Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định bà Nguyễn Phương Hằng là người chủ mưu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định tại Điều 331 bộ luật hình sự. Hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên bà hằng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.
Để thực hiện các buổi phát trực tiếp lên mạng xã hội, bà Hằng sẽ có những người cung cấp thông tin, những người chuẩn bị hồ sơ tài liệu, chuẩn bị phương tiện, công cụ, có những người tư vấn và có thể là còn tham gia các buổi phát trực tiếp... Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ triệu tập tất cả những lời có liên quan đến sự việc này để làm rõ ý chí, nhận thức và quá trình thực hiện hành vi có liên quan đến bà Hằng.
Nếu không có những người giúp sức, xúi giục bà Hằng thực hiện hành vi đưa tin sai sự thật, vụ việc cũng không đi quá xa như vậy. Những người xúi giục, giúp sức bà Hằng thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích của các tổ chức cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với vai trò đồng phạm.
Để xử lý đối với những người có hành vi liên quan với vai trò đồng phạm với bà Hằng, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh những người này biết hành vi của bà Hằng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn giúp sức bà hằng thực hiện hành vi hoặc xúi giục bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Hành vi của các đồng phạm có thể thể hiện ở việc cung cấp thông tin, việc chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật hoặc thể hiện ở hành vi cùng tham gia các buổi phát trực tiếp để có những lời nói xúi giục, thúc đẩy bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Với những người có hiểu biết pháp luật, hiểu biết xã hội, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi để đẩy những người khác cùng phạm tội là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và phải bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng
Theo kienthuc