3 thất bại, 1 sai lầm
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, bóng đá Việt Nam đón nhận đến 3 thất bại đắng chát tại AFF Cup, SEA Games và giải U18 Đông Nam Á. Đặc biệt đáng nói, bóng đá Việt Nam “chết” ở cả 3 giải đấu ấy đều do lỗi thủ môn.
Nỗi buồn của thủ môn Y Eli Nie sau sai lầm ở trận thua U18 Myanmar. Ảnh: Zing |
AFF Cup 2016 là giải đấu mà bóng đá Việt Nam rất được kỳ vọng. ĐT Việt Nam khi ấy dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng, là sự kết hợp giữa lứa cầu thủ đang ở độ chín và lứa trẻ tài năng. Đội tuyển đã có quá trình chuẩn bị tốt và bước vào giải với tư thế ứng viên vô địch. Vượt qua vòng bảng, thầy trò HLV Hữu Thắng vào bán kết gặp Indonesia và thua 1-2 ở lượt đi. Lượt về trên sân Mỹ Đình, thủ môn Trần Nguyên Mạnh đã mắc sai lầm khó tha thứ khi đạp nguội đối thủ và nhận tấm thẻ đỏ khiến tuyển Việt Nam chỉ còn 10 người, thua chung cuộc Indonesia.
Sau sai lầm của Nguyên Mạnh, câu chuyện về “cái dớp” của giới thủ môn Việt Nam đã được nhiều người nhắc đến như một lời cảnh báo. Thế nhưng, sai lầm cứ kế tiếp đeo bám những thủ môn. Có thể kể đến cái tên Bùi Tiến Dũng với sai lầm đáng quên tại vòng loại U23 Châu Á 2018. Đó là pha băng ra không chính xác của Dũng ở phút 19 nhằm cản phá pha đá phạt của đối phương đã để bóng trôi ra sau, tạo cơ hội cho Lee Sang-heon ghi bàn đưa U22 Hàn Quốc vượt lên dẫn 1-0. Nhiều người cho rằng, nếu không có bàn thua lãng xẹt ấy thì U22 Việt Nam đã có thể giành một kết quả tốt hơn trên sân Thống Nhất. Tuy nhiên, sai lầm của Tiến Dũng cũng được chóng quên vì U22 Việt Nam thua Hàn Quốc nhưng vẫn giành vé dự VCK U23 Châu Á 2018. Chỉ có điều, với sai lầm này, Tiến Dũng sau đó không được HLV Hữu Thắng trọng dụng một phút nào tại SEA Games 29. Nên nhớ, Tiến Dũng là thủ môn số một của U20 Việt Nam từng dự World Cup.
Thất bại thứ hai của bóng đá Việt Nam cần phải kể đến tại SEA Games 29 là U22 Việt Nam ở giải đấu này nhận được sự kỳ vọng đặc biệt từ giới chuyên môn lẫn người hâm mộ vì sở hữu lứa cầu thủ toàn năng nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, ở trận đấu quyết định gặp Thái Lan ở lượt cuối vòng bảng nhằm tranh tấm vé vào bán kết, thủ môn Phí Minh Long đã mắc hai sai lầm không thể chấp nhận được (một pha bắt bóng khi đồng đội chuyền về và một pha bay ra không hợp lý) đã khiến U22 Việt Nam thua 0-3 và bị loại.
Gần nhất, thủ môn Y ELi Nie của tuyển U18 Việt Nam mắc sai lầm quá sơ đẳng khi bắt bóng không dính và tạo điều kiện cho U18 Myanmar giành chiến thắng ngược dòng 2-1. Thất bại khiến U18 Việt Nam bị loại ngay vòng bảng giải U18 Đông Nam Á 2017 trên đất Myanmar. Nói không quá, bóng đá Việt Nam đang sống trong cuộc “khủng hoảng khung gỗ”.
Cũng nên nhớ rằng, trước Nguyên Mạnh, Minh Long, Y ELi Nie, rất nhiều thủ môn khác của bóng đá Việt Nam đã mắc sai lầm chết người trong những trận cầu quyết định. Trong đó, nhiều người hẳn chưa quên sự cố chấp của thủ thành Tấn Trường tại trận chung kết SEA Games 2009 trên đất Lào. Tình huống quyết định, Tấn Trường bị gãy xương bả vai sau pha va chạm ở cuối hiệp 2. Dù Ban huấn luyện đã có ý định tung Khoa Điển vào bắt thay nhưng Tấn Trường vẫn ra hiệu tiếp tục thi đấu. Do bị chấn thương, Tấn Trường không còn phản xạ ra vào tốt dẫn đến bàn thua duy nhất của U23 Việt Nam trước U23 Malaysia.
Ai cũng hiểu rằng sai lầm của các thủ môn giống như tai nạn nghề nghiệp vậy. Tuy nhiên, sai lầm của các thủ môn ĐT Việt Nam diễn ra một cách có hệ thống và chủ yếu ở những trận đấu quyết định thì cần phải có phương pháp chấn chỉnh. Ở đây không đề cập đến khía cạnh “ngoài chuyên môn” mà nhấn mạnh đến bản lĩnh, tâm lý của các thủ môn.
Hễ cứ vào trận đấu quyết định là mắc sai lầm dễ trở thành “cái dớp” hay căn bệnh tâm lý với các thủ môn. Vì thế, muốn bóng đá Việt Nam không tiếp tục phải “chết” vì sai lầm của thủ môn nữa thì những người làm công tác huấn luyện và quản lý cần có phương pháp tâm lý để giúp các thủ môn đội tuyển đủ bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc.
QUANG HẢI