36 tháng không thể “tiêu” 30.000 tỷ đồng!

Thứ sáu, 13/12/2013 11:22

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-11, Tập đoàn Sungroup tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động DA nhà ở xã hội (NƠXH) Sun Home tại KDC An Hòa, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng và  được xem là “dấu mốc đầu tiên” mà gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng “đi vào cuộc sống”.

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đây là công trình NƠXH đầu tiên trên cả nước kể từ khi Chính phủ triển khai gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được khánh thành, góp phần thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là “điểm sáng” hiếm hoi, còn thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với tiến độ như bây giờ, phải mất hàng chục năm nữa mới giải ngân hết gói hỗ trợ này.

Thực tế không như kỳ vọng

Đà Nẵng đã giải ngân được 28 tỷ đồng

NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân có tỷ lệ cao so với cả nước. Tính đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giải ngân cho 250 khách hàng với số tiền 28 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều NH giải ngân đạt kết quả cao là Agribank Đà Nẵng, Agribank Hải Châu, Vietcombank Đà Nẵng, Vietinbank Đà Nẵng, Vietinbank Ngũ Hành Sơn... Theo ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói cho vay mua NƠXH, chúng tôi yêu cầu các NH phải tăng cường triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay được càng nhiều càng tốt.

Xuân Đương

Ngày 1-6, “gói” tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay mua nhà lãi suất 6%/năm được triển khai. Theo mục tiêu mà NHNN và Bộ Xây dựng đề ra là chậm nhất trong vòng 36 tháng, phải hoàn thành việc giải ngân. Trái ngược với sự lạc quan và hy vọng của rất nhiều người, 6 tháng đã trôi qua và năm 2013 sắp kết thúc nhưng dấu hiệu phục hồi của thị trường BĐS vẫn “tít mù khơi”, còn gói 30.000 tỷ đồng vẫn đang gần như “bất động”.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30-11-2013, 5 NH là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB mới chỉ giải ngân được 470,8 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng cho 1.236 khách hàng. Như vậy, sau 6 tháng triển khai, số tiền giải ngân mới chỉ đạt chưa đến 1,6%. Và theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ này, phải mất... 32 năm nữa thì số tiền 30.000 tỷ mới giải ngân xong?

Thực tế, trong quá trình triển khai đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc và đã có nhiều đề xuất, điều chỉnh được đưa ra như mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời gian cho vay, đơn giản hóa thủ tục... nhưng tất cả đã không phát huy tác dụng. Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, nhu cầu mua NƠXH của người dân là rất lớn.

Tuy nhiên, đây là vấn đề trung và dài hạn, không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ đồng được, bởi người dân cũng cần phải có thời gian tìm hiểu, cân nhắc các lợi ích, khả năng tài chính, trả nợ... Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người vay, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các NHTM phải tạo điều kiện tối đa để người dân và DN tiếp cận dễ dàng gói này. “Thủ tục, điều kiện vay vốn hiện nay chỉ cần xác nhận của cơ quan, thay vì cả chính quyền như trước đây. Cùng với đó, Bộ cũng đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn chuyển đổi nhà thương mại để người dân dễ dàng tiếp cận, dễ mua nhà hơn” - Bộ trưởng khẳng định.

Khu Dự án nhà ở xã hội Sun Home tại Đà Nẵng. Ảnh: D.T

Đã thất bại?

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng nhìn nhận, việc đưa ra gói 30.000 tỷ đồng là một chủ trương đúng trong bối cảnh hiện nay. Việc ách tắc trong giải ngân là do cách đặt vấn đề không đúng của các cơ quan thẩm quyền. TS Liêm cũng quan ngại về tính khả thi của gói 30.000 tỷ đồng, bởi hiện ngân sách đang thiếu hụt.

Phát biểu trên báo giới mới đây, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, với gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, các cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận thực tế là đã thất bại. Bởi đến thời điểm này, hầu như không có, hoặc có rất ít DN hay DA được “cứu” từ gói kích cầu này.

Theo ông Đực, nguyên nhân khiến cho gói 30.000 tỷ đồng thất bại là do Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ đồng đã ra đời muộn mất 2 năm. Khi thị trường BĐS mới bắt đầu “lâm bệnh” thì vẫn còn có khả năng chữa trị. Nhưng đến khi BĐS chìm nặng trong bệnh tật thì việc cứu chữa là đã muộn màng. Ông Đực thể hiện bi quan, bây giờ chẳng còn gì để mà cứu chữa nữa vì đã quá trễ rồi. Năm 2013 này là liệu pháp cuối cùng để trị bệnh nhưng không thành, nên năm 2014 sẽ đổ vỡ hàng loạt”.

Trong khi đó, trên chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” hôm 17-11, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thị trường BĐS Sẽ còn rất khó khăn nhưng đang hồi phục từng bước. Theo Bộ trưởng Dũng, thị trường BĐS sau một thời gian đóng băng thì năm 2013, nhất là những tháng gần đây đã có chuyển động rất tích cực, giao dịch tăng lên, đặc biệt phân khúc nhà ở có quy mô trung bình và quy mô nhỏ, giá thấp, nguồn cung thiếu so với cầu.

Nó chứng minh chính sách của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã “trúng” và từng bước đi vào cuộc sống. Bộ trưởng cho hay, gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu đồng/m2, dưới 70m2 trong khi nhu cầu của người dân rất lớn.

Lý giải cho việc giải ngân ì ạch, Bộ trưởng cho biết, nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước. Dư luận không đồng tình nhưng không phải vì làm chặt mà chậm tiến độ. Trong sự bế tắc đó, mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền và ngành NH hạ bớt các tiêu chí cho vay, để cải thiện tốc độ giải ngân.

Như vậy, có thể thấy, mục tiêu đặt ra là 36 tháng phải “tiêu” hết 30.000 tỷ đồng so với thực tại giải ngân được 470,8 tỷ đồng thì đúng là một sự thất bại!

Nhật Minh