'Nhân dân là trung tâm của công cuộc Đổi mới'
"Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII.
* 9h15
5 bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đến 5 bài học kinh nghiệm, để Đại hội XIII cho ý kiến.
Đầu tiên là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiến trì đấu tranh, phòng chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm "chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu", nhất là các lãnh đạo ở Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy |
Bài học thứ hai, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
"Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, mọi động lực và tính ưu việt của chế độ...
Bài học thứ tư, Tổng bí thư, Chủ tịch nướcn đề cập đến việc tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế...
"Thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả và vai trò động lực của con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Thứ năm, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước...
* 8h58
"Những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển"
Trình bày Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Đất nước và dân tộc; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
"Cán bộ, đảng viên, nhân dân đang háo hức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đại hội".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy |
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Đại hội có chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước; phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN".
ĐH XIII của Đảng có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011; chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 – 2020; đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; xác định mục tiêu phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.
Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
* 8h15
Việt Nam "nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông nói Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết. Từ tình hình quốc tế, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đến các thách thức mang tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoại mục của tiến bộ khoa học công nghệ đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới.
"Cán bộ đảng viên, nhân dân đang mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội XIII, sáng 26/1. Ảnh: Giang Huy |
Đại hội XIII được tổ chức vào thời điểm nghị quyết lần thứ XII của Đảng đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn vẹn, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần tổ đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020.
"Đồng thời chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thức hoá khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045", Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh đó, Đại hội XIII có trách nhiệm to lớn đối với tổ quốc, đồng bào, dân tộc ta không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cho cả thập niên tới, cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Theo Thủ tướng, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật..., Đại hội XIII kiểm điểm sâu sắc công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới, đánh giá việc thi hành điều lệ Đảng; đặc biệt là bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh, trí tuệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm tới.
"Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiếp bước, sánh vai với các cường quốc năm châu thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta", Thủ tướng nói.
* 8h10
Đúng 8h, tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 1.587 đại biểu và các khách mời tham dự phiên khai mạc Đại hội XIII làm lễ chào cờ. Sau đó, Đoàn chủ tịch Đại hội được mời lên bục điều hành. Đoàn chủ tịch gồm 16 Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên khai mạc Đại hội XIII, sáng 26/1. Ảnh: TTXVN |
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu "hôm nay trong không khí phấn khởi, tự hào tại thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của Tổ quốc, Đảng cộng sản Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội XIII để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá tổng quá 35 năm tiến trình công cuộc đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045"...
Ông cho biết Đại hội lần này còn đánh giá công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII...
"Đây là nhiệm vụ rất trọng đại và hết sức vẻ vang mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã tin tưởng giao phó cho Đại hội. Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân, Tổ quốc, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Đại hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và thành công tốt đẹp", ông Vượng nói.
Thường trực Ban bí thư giới thiệu các đại biểu tham dự Đại hội: Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng... Đại hội còn có sự tham dự của nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng, các linh mục, tăng ni, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu.
* 8h00
Theo chương trình làm việc, sáng nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thay mặt Ban chấp hành Trung ương XII đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII. Sau đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận các văn kiện đại hội.
Trong 8 ngày làm việc từ hôm nay, Đại hội XIII sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị - Văn kiện trung tâm, cùng các báo cáo chuyên đề tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025.
Toàn cảnh phiên trù bị Đại hội XIII, sáng 25/1. Ảnh:TTXVN |
Ngoài ra, Đại hội XIII cũng sẽ thảo luận và thông qua các báo cáo: Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đại hội XIII sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Ban chấp hành Trung ương khóa mới dự kiến có 200 người, gồm 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết.
Đại hội XIII sẽ họp đến sáng 2/2.
Theo vnexpress