40 năm làm nghề treo băng rôn

Thứ ba, 06/09/2016 11:06

(Cadn.com.vn) - 40 năm qua, ông Ngô Long (còn có tên là Quốc, 1959, trú 125/41 đường Ngô Gia Tự, P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) gắn bó với nghề treo băng rôn cho các sự kiện của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày xưa và thành phố Đà Nẵng bây giờ. Công việc lặng lẽ đó của ông góp phần quan trọng tô điểm cho phố phường Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp.

40 năm qua, ông Quốc gắn bó với nghề treo băng rôn cho các sự kiện ở thành phố Đà Nẵng.

Theo lời giới thiệu của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng, tôi tìm đến nhà ông Ngô Long, mọi người vẫn gọi ông là Quốc "băng rôn". Căn nhà chỉ vỏn vẹn 12,5m2, 1 căn gác nhưng hiện có tổng cộng 13 nhân khẩu gồm vợ chồng ông Quốc, con, cháu đang sinh sống. Vợ ông bệnh nhiều năm nay, hiện cũng đang nằm nhà và tất cả nhờ vào tiền công lao động hàng ngày của ông. Thế nhưng, người đàn ông gần 60 tuổi này vẫn luôn dành tình yêu cho nghệ thuật và nghề treo băng rôn vẫn là niềm đam mê như thời còn son trẻ.

Ông Quốc kể: "Trước năm 1975, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tui ngày xưa làm nghề thợ nề, phụ hồ kiếm sống. Thời gian đó tui có chơi với một số anh em nghệ sĩ, mỹ thuật của Trung tâm văn hóa thông tin, họ thường làm các tranh cổ động. Vốn mê nghệ thuật nên tui bắt đầu suy nghĩ là đi theo anh em nghệ sĩ làm nghề treo các băng rôn, phướn... vào các dịp lễ, tết. Đúng ngày 2-9-1975, trong khí thế đất nước hoàn toàn giải phóng, toàn dân tộc đang trong khí thế bừng bừng chiến thắng, tui cũng chính thức bước vào làm cộng tác viên cho Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ cho đến bây giờ". 40 năm qua, mỗi khi có sự kiện văn hóa, chính trị... của thành phố Đà Nẵng, của Trung ương diễn ra trên địa bàn, ông Quốc luôn là người được giao nhiệm vụ treo băng rôn, cờ phướn. Nhiều năm trong nghề nên ông rất rành rẽ từ việc treo băng rôn ở đâu cho phù hợp, tại vị trí nào cho dễ nhìn đến cách buộc dây như thế nào cho chắc chắn, gió không đánh rơi... Nhiều hôm việc nhiều mà cần gấp, ông phải huy động con cái trong nhà, người thân ra phụ giúp cho kịp tiến độ.

Căn nhà của ông Quốc quá chật chội với 13 người sinh sống

Nghề của ông chủ yếu là leo trèo, kể cả ban ngày hay đêm khuya, tuy nhiên do ông chỉ là cộng tác viên, làm theo vụ việc nên không được hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Dù chế độ không đáng là bao, nhưng nói về công việc của mình, mắt ông ánh lên đầy tự tin. Ông Quốc cho biết: "Mấy năm nay thành phố thực hiện chương trình "Văn hóa, văn minh đô thị", việc treo băng rôn, khẩu hiệu cũng phải ở những vị trí quy định, vì vậy tôi cũng suy nghĩ, làm thế nào để treo băng rôn vừa đẹp, vừa có văn minh lại thuận lợi cho người dân có thể nhìn thấy". "Cũng nhờ theo nghề này mà tôi nuôi được cả đàn con khôn lớn. Giờ đây chúng có vợ, có chồng tôi cũng mừng và biết ơn những người đã giúp đỡ, hỗ trợ tôi trong những năm qua"-ông Quốc tâm sự. Nhìn cảnh nhà chật chội, nhếch nhác, tôi hỏi: "Nhà cửa chật chội thế này làm sao sống được", ông buồn buồn bảo: "Vài năm trước tôi có làm đơn xin thuê chung cư để con cháu có điều kiện sống tốt hơn nhưng đến nay vẫn chưa thấy thành phố xét duyệt". Được biết, vợ ông Quốc ốm đau thường xuyên, bản thân ông cũng bị bệnh hẹp van tim phải uống thuốc định kỳ. Nhưng theo ông nói trời cũng còn thương nên sức khỏe cũng không quặt quẹo lắm, và công việc treo băng rôn vẫn còn đồng hành cùng ông. Ông chỉ mong mỏi nguyện vọng có một căn nhà chung cư để giải quyết nơi ở cho gia đình 13 người sẽ được thành phố xét duyệt. Chúng tôi cũng mong sao thành phố, ngành văn hóa du lịch Đà Nẵng, chính quyền Q. Hải Châu quan tâm, giúp đỡ ông Quốc, để ông có nơi ở ổn định và tiếp tục công việc, góp phần cho Đà Nẵng ngày càng văn minh, đẹp hơn.

Nguyễn Tuấn