GẶP MẶT CÁN BỘ AN NINH QN-ĐN THỜI KỲ CHỐNG MỸ:

40 năm trọn nghĩa, vẹn tình

Thứ năm, 26/03/2015 08:03

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (26-3), đông đảo cán bộ an ninh QN-ĐN thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước có cuộc hội ngộ, giao lưu với lực lượng CATP Đà Nẵng và CA tỉnh Quảng Nam nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Sẽ là một ngày không thể quên với những người đồng chí, đồng đội năm xưa cũng như thế hệ hôm nay nhìn về một thời hoa lửa, gian khổ nhưng rất hào hùng...

Thượng tướng Lê Thế Tiệm, đại diện lãnh đạo Bộ Công an và CATP Đà Nẵng, CA tỉnh Quảng Nam gặp gỡ với các cán bộ an ninh Anh hùng LLVTND thời chống Mỹ, cứu nước.

Chuyện những người "viết sử"

40 năm trôi qua, đã dự không biết bao cuộc gặp gỡ đồng đội trong chiến tranh nhưng với Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ (bí danh Minh Hiệp, Bảy), khi nói về cuộc hội ngộ lần này bà không giấu được nỗi mừng vui, xúc động. Bà bảo, hồi hộp lắm, thổn thức lắm bởi thiêng liêng lắm. Người phụ nữ vốn gan dạ, dũng cảm, kiên cường sắt đá trước kẻ thù bao nhiêu, thì ngược lại lại yếu mềm, dễ rung động khi nhớ về những tháng ngày hoạt động ở nội thành bấy nhiêu. Với bà, đó là những năm tháng ý nghĩa nhất cuộc đời. Bà còn nhớ trong thời gian (từ 1963 đến 1968) công tác tại Tổ điệp báo Đà Nẵng-sau này là Ban An ninh Đà Nẵng, bà đã xây dựng được 27 cơ sở, tạo thành đường dây liên lạc thông suốt, an toàn và hoạt động liên tục trong thời kỳ địch bố ráp, đánh phá ác liệt nhất.

Kỷ niệm nhớ nhất với bà, đó là thời kỳ chuẩn bị cho đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, khi được giao nhiệm vụ truyền đạt chỉ thị của cấp trên đến các đồng chí lãnh đạo đang hoạt động trong nội thành, do địch kiểm soát rất nghiêm ngặt, việc mang tài liệu xâm nhập vào đó là điều không tưởng, vì thế, bà đã cố gắng học thuộc lòng các chỉ thị, mệnh lệnh, sau đó cải trang dưới nhiều hình thức để qua mắt địch. Thế nhưng khi vào đến nơi, do phải đối phó căng thẳng với địch, cơ sở dẫn đường đã dẫn nhầm bà đến nhà của một tên cảnh sát ngụy vào lúc nửa đêm. Khi biết nhầm, bà đã bình tĩnh, mưu trí tìm cách đối phó nên thoát được sự nghi vấn, cuối cùng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ...

Thượng tướng Lê Thế Tiệm tặng hoa cho các Anh hùng LLVTND (đồng chí Ngô Thị Huệ, ngoài cùng bên phải).

Năm 14 tuổi, Anh hùng LLVTND Mai Thị Rân đã là đội viên Đội Trinh sát vũ trang mật của xã Hòa Hải. Trong suốt 11 năm chiến đấu (1964 đến 1975), từ một trinh sát lên đội trưởng Trinh sát vũ trang, Phó Ban An ninh, rồi cán bộ An ninh huyện Hòa Vang phụ trách xã, Mai Thị Rân đã trực tiếp đánh 20 trận, diệt 5 tên Mỹ, 20 cảnh sát, tề, bình định, ác ôn; phá hủy 4 xe của địch. Đến bây giờ bà còn nhớ từng chi tiết trận đánh địch ở chợ Cồn (Đà Nẵng) vào năm 1969. Khi ấy, địch ráo riết thực hiện việc dồn dân, lập ấp để cắt đứt mối quan hệ giữa cán bộ cách mạng với nhân dân. Cảnh sát ngụy ở chợ Cồn kiểm soát gắt gao hòng cấm ngặt việc mua bán, vận chuyển dầu lửa, gạo, muối... tiếp  tế cho cách mạng.

Trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra là phải tiêu diệt bọn cảnh sát ở chợ Cồn. Nhận nhiệm vụ này, Mai Thị Rân dành hơn một tháng để theo dõi quy luật hoạt động của địch và tìm ra cách tiêu diệt chúng bằng mìn clây-mo. Bằng nhiều cách, chị đã vận chuyển mìn vào thành phố an toàn. Sau 4 ngày kiên trì bám địch, 11 giờ trưa ngày 20-8-1969, xác định thời cơ đánh địch đã đến, chị tiếp cận và nhanh chóng gắn kíp vào trái mìn định hướng, rồi thản nhiên rời địa điểm trước khi quả mìn nổ: 4 tên cảnh sát chết tại chỗ, 2 tên khác bị thương nặng, nhiều tài sản khác bị phá hủy. Còn trong ký ức AHLLVTND Trần Công Dũng-người được mệnh danh là "trinh sát an ninh anh hùng của căn cứ Lõm K20", vẫn không quên cái ngày tự tay tiêu diệt kẻ phản bội Nguyễn Thị Chát, nguyên Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng du kích xã Hòa Hải. Thị đã phản bội, chỉ điểm cho địch bắt, tra tấn 32 cơ sở của ta, dẫn địch phục kích bắn chết 12 cán bộ cách mạng...

Một đêm trung tuần tháng 3-1970, trong một hang núi gần căn cứ Lõm K20, lãnh đạo và đồng đội ở Ban An ninh Quận 3 đã long trọng làm lễ "truy điệu sống" cho Trần Công Dũng trước khi xuất kích thực thi nhiệm vụ. Trang bị cho mình lựu đạn, súng ngắn, Trần Công Dũng theo chân cơ sở hóa trang thành một thanh niên đi lượm rác trong bãi rác Mỹ. Khi biết Chát vừa ăn bún xong, đang ngồi uống nước gần đó, Trần Công Dũng tiến đến gần và nổ súng kết liễu...

Còn nhiều, rất nhiều gương anh hùng của tập thể, cán bộ, chiến sỹ an ninh Đà Nẵng, Quảng Nam thời chống Mỹ, cứu nước cần được tuyên dương, tuy nhiên trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi không thể chuyển tải hết được. Những chiến công của họ đã, đang và sẽ được lịch sử và nhân dân ghi nhận.

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ (ngoài cùng, bên phải) trong một buổi giao lưu với thế hệ trẻ CATP Đà Nẵng.

Di sản tinh thần vô giá

Do đặc điểm tình hình và yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng, trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Đà Nẵng và Quảng Nam đã nhiều lần tách, nhập. Cuối năm 1962, QN-ĐN được chia tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà (gồm các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hiên, Giằng, Hòa Vang, thị xã Hội An và TP Đà Nẵng). Đến 1964, theo chỉ đạo của Khu ủy 5, TP Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Đà, gồm 3 quận là quận Nhất, quận Nhì và quận Ba. Tháng 11-1967, trước cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), tỉnh Quảng Đà và Đà Nẵng hợp nhất thành Đặc khu Quảng Đà.

Đà Nẵng được phân thành 3 quận là quận Nhất, quận Nhì và quận Ba, huyện Hòa Vang tách thành 3 khu là khu I, khu II, khu III. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 10-1975, tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà hợp nhất thành tỉnh QN-ĐN. Từ tháng 1-1-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức trở thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng...Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc chia tách, sát nhập địa giới hành chính này là do yêu cầu cách mạng, phù hợp với từng thời điểm lịch sử, tuy nhiên, xét về bản chất, lực lượng An ninh thời chống Mỹ có địa bàn hoạt động, chiến đấu trải dài từ Dốc Sỏi đến đèo Hải Vân. Ban An ninh tỉnh QN-ĐN  (tên gọi của lực lượng CAND QN-ĐN trong kháng chiến chống Mỹ) được thành lập tháng 3-1961.

Trong quá trình chiến đấu và công tác ở một địa bàn hết sức ác liệt, lực lượng ANND QN-ĐN đã chiến đấu độc lập 7.396 trận, diệt 22.023 tên địch, bắt 632 tên, đại bộ phận là bọn tình báo, chỉ điểm, cảnh sát ác ôn, bọn tề điệp và tay sai đắc lực của địch, trong đó có nhiều tên đầu sỏ, phá hàng trăm vụ án gián điệp, san bằng 123 trụ sở hội đồng xã, 96 trụ sở chi, khu cảnh sát, 11 trụ sở quận bộ của Quốc dân đảng, thu nhiều tài liệu quan trọng của địch. Đã phối hợp với Quân đội và nhân dân đánh 1.154 trận khác, loại khỏi vòng chiến đấu 1 vạn tên địch, san bằng 9 quận lỵ, hàng trăm đồn bốt của địch, phá hàng nghìn ấp chiến lược, phá tan 19 cụm gom dân, thanh lọc của địch, thu hàng nghìn tấn vũ khí đạn dược và các phương tiện chiến tranh khác...

Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, khi nói về những chiến công của lực lượng An ninh ĐN-QN, chúng ta không thể không nhắc tới sự cống hiến, hy sinh của lực lượng công an chi viện từ miền Bắc. "Công cuộc chi viện cán bộ an ninh cho miền Nam là một sự kiện lịch sử hết sức vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam. Với tấm lòng vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc, từ năm 1959 đến 1975, hàng ngàn cán bộ công an ưu tú được Bộ Công an chi viện thì có không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh, bị địch bắt, tra tấn dã man, tuy nhiên họ vẫn giữ khí tiết người cán bộ công an cách mạng, đóng góp nhiều chiến công xuất sắc vào trang sử hào hùng của lực lượng an ninh QN, ĐN thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ phải luôn biết trân trọng và ghi ơn công lao của họ", Thượng tướng Lê Thế Tiệm nhấn mạnh.

40 năm đã trôi qua nhưng không khí hào hùng trong những ngày đánh Mỹ vẫn còn vang mãi trong lòng các cựu binh. Việc thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử sẽ giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay, góp phần tôn vinh một di sản tinh thần vô giá của lực lượng CAND Việt Nam về một thời kỳ lịch sử hết sức vẻ vang của một dân tộc Anh hùng...

Doãn Hùng