Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (1975 – 2015):

40 năm - xương rồng nở hoa trên cát trắng

Thứ bảy, 19/09/2015 07:20

(Cadn.com.vn) - 40 năm trước, ngay sau ngày miền Nam giải phóng, được sự phân công của tổ chức, thầy Lý Ngọc Sáng khi ấy là Phó Tiến sĩ (PTS), Phó Chủ nhiệm khoa Cơ khí luyện kim Trường ĐHBK Hà Nội (nay đã nghỉ hưu) cùng một số PTS, kỹ sư của Trường ĐHBK Hà Nội đã khoác ba lô lên đường vào Đà Nẵng để xây dựng Viện Đại học Đà Nẵng, tiền thân Trường ĐHBK Đà Nẵng ngày nay.

Từ trên mảnh đất Hòa Khánh khô cằn cát trắng chỉ toàn xương rồng ngày ấy, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt tận tình của các thế hệ cán bộ, giảng viên trình độ cao, hết lòng vì sinh viên (SV), 40 năm qua, lớp lớp SV của Trường ĐHBK Đà Nẵng đã tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc, đem kiến thức, tài năng góp phần xây dựng quê hương, đất nước...

Sinh viên khóa II Trường ĐHBK Đà Nẵng. Ảnh do GS.TS Trần Văn Nam cung cấp. 

Những năm tháng không thể nào quên!

Đang nằm điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng do tai biến, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Diệp - nguyên giảng viên khóa đầu tiên Trường ĐHBK Đà Nẵng, rất xúc động khi tôi tìm đến hỏi về những ngày đầu gian khó thành lập trường. Thầy Diệp nhớ lại: “Tháng 11-1975, đang là giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội, tôi được tổ chức phân công vào giảng dạy tại Viện Đại học Đà Nẵng, trường ĐH đầu tiên của tỉnh QN-ĐN (cũ) vừa mới thành lập. 21 năm xa quê hương, cầm quyết định trên tay mà lòng vui không tả xiết.

Ngày ấy, xã Hòa Khánh còn thưa thớt dân cư, nơi trường đóng chân toàn cát trắng, chằng chịt dây thép gai, bãi mìn của chế độ cũ để lại, thỉnh thoảng bộ đội đến dọn mìn. Trường mới thành lập chỉ có 1 giảng đường 4 tầng (giảng đường A bây giờ), 2 nhà xưởng với 330 SV của các khoa: Dự bị, Cơ khí, Điện và Kinh tế. SV là những HS năm cuối THPT đã qua thi tuyển và các đồng chí bộ đội trở về sau chiến tranh. Tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Khoa cơ khí, Chủ nhiệm bộ môn cơ khí động lực. Khoa Cơ khí khóa I ngày ấy là những SV ưu tú, say mê học tập và nghiên cứu. Trong đó, nổi bật nhất là SV Bùi Văn Ga, nay là GS.TSKH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. SV ngày ấy cực khổ lắm, nhưng không khí say sưa, miệt mài học tập thì không chê vào đâu được. Đội ngũ giảng viên nhiệt tình, hết lòng vì SV thân yêu...”.

Mới thành lập, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy thiếu thốn vô cùng. “Chúng tôi phải sang Quân khu V xin xe ô-tô, xác máy bay của chế độ cũ để lại về “mổ” ra từng bộ phận để dạy SV. Có lần, chúng tôi vào tận sân bay Chu Lai chở máy bay trực thăng về làm dụng cụ thực tập cho SV... Cực khổ, vất vả là vậy nhưng tình cảm thầy trò chan hòa lắm!”, thầy Diệp bùi ngùi nhớ lại.

Là một trong 6 SV khóa 16 tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại Trường ĐHBK Hà Nội làm giảng viên được phân công vào dạy tại Trường ĐHBK Đà Nẵng tháng 5-1977, PGS-TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Yến xúc động chia sẻ: “Ngày đó, việc chi viện cho Miền Nam được ưu tiên hàng đầu. Trong số SV đủ tiêu chuẩn để trở thành cán bộ giảng dạy, các trường miền Nam được lựa chọn cán bộ trước, đến trường Đại học Quân sự, sau đó mới đến các trường ở miền Bắc. Những người đi miền Nam được cấp Bằng tốt nghiệp ĐH ngay, được cấp tiền và vé máy bay “đi B”. Tôi nhớ mãi chuyến bay của mình đi từ sân bay Gia Lâm Hà Nội vào sân bay Đà Nẵng phải mất 3 ngày 2 đêm do thời tiết xấu... Ngày ấy đời sống còn nhiều khó khăn, bù lại, lúc đó mọi người gắn bó như anh em trong một nhà, cùng nhau vượt khó, chung tay xây dựng trường. SV khi ấy ít lắm, tổng cộng chưa được 10 lớp, mỗi lớp không đến 40 người. Đa số SV chỉ kém tôi 4-5 tuổi, có một số bằng hoặc nhiều tuổi hơn tôi. Đến nay, SV khóa I của trường có rất nhiều người thành đạt, đóng góp nhiều cho đất nước”.

Từ Hà Nội, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cựu SV khóa I, nguyên Hiệu trưởng ĐHBK Đà Nẵng, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, kể: “Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh các thầy cô giáo đi nhặt nhạnh, gom góp từng linh kiện điện tử, từng chi tiết máy hỏng của thiết bị chiến tranh, dành những đồng lương ít ỏi của mình để mua sắm vật tư xây dựng nên những bài thực hành, thực nghiệm cho SV. Các thầy cô đã dạy chúng tôi những bài học thực tiễn đầu tiên bằng những công cụ thí nghiệm rất thô sơ nhưng đầy thích thú... Chúng tôi học lẫn nhau. Bạn nào không hiểu thì các bạn giỏi phụ đạo cho đến khi hiểu được bài mới thôi...”.

Sinh viên Trường ĐHBK Đà Nẵng đạt giải tại cuộc thi thiết kế TI-MCU 2014. 

40 năm phát triển vượt bậc

Lật từng trang sử mới thấy nhận xét của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Diệp về thành tựu mà Trường ĐHBK Đà Nẵng đạt được như ngày hôm nay là “bước tiến vượt bậc”. Từ 4 khoa ban đầu với 1 giảng đường A, 2 nhà xưởng, đến nay trường đã có 8 phòng, 14 khoa và 10 Trung tâm, Viện trực thuộc. Từ số giảng viên có thể đếm trên đầu ngón tay, đến nay tổng số cán bộ viên chức của trường là 598 người, trong đó có 30 GS, PGS; 127 TS Khoa học - Tiến sĩ; 235 Thạc sĩ; 70 Giảng viên Cao cấp, Giảng viên Chính. Từ 330 SV khóa đầu, đến nay trường đã có hơn 16.000 SV đang theo học...

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ ngôi trường này, đã có hơn 35.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 1.000 tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường, tỏa đi khắp mọi miền đất nước, góp tài năng, trí tuệ để xây dựng cho quê hương, đất nước, trong đó, nhiều người hiện giữ các vị trí, chức vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực... 

40 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHBK Đà Nẵng xứng đáng là một trong những trường thành viên nòng cốt, hoa tiêu, làm động lực để phát triển ĐH Đà Nẵng như lời GS.TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHBK, cựu SV khóa II của trường nhận xét.

P.Thủy