45 năm thắm đượm nghĩa tình thầy trò

Thứ bảy, 20/01/2018 10:34

Hôm nay (20-1), các thế hệ thầy trò Trường THCS Tây Sơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) náo nức về trường kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng III. Từ ngôi trường này, gần nửa thế kỷ qua, các thế hệ thầy, cô giáo đã tận tâm, tận lực dìu dắt, nâng cánh, chắp ước mơ cho biết bao thế hệ học trò bay xa vào đời.

Nhà giáo Đinh Tấn Phát đang hướng dẫn HS làm bài tập toán trên bảng.

Một thời khó thể nào quên

Đọc biên niên sử Trường THCS Tây Sơn mới thấy, đây có lẽ là ngôi trường thay đổi tên gọi, liên cấp đào tạo vào loại "bậc nhất" của thành phố từ trước đến nay. Tiền thân Trường THCS Tây Sơn là trường  Nguyễn Tri Phương, được thành lập ngày 10-1-1973. Năm học đầu tiên, trường có 30 lớp gồm 10 lớp 6, 10 lớp 7, 8 lớp 8, 1 lớp 9 và 1 lớp 10. Ít lâu sau, trường đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Trường Tộ. Hòa bình lập lại, trường trở thành trường phổ thông (PT) cấp 1, 2 Nguyễn Trường Tộ. Đến năm học 1981-1982 đổi thành Trường PTCS Núi Thành. Năm học 1985-1986, trường lại đổi tên thành Trường cấp 2, 3 Tây Sơn. Mãi đến năm học 1990-1991, mới chính thức trở thành Trường THCS Tây Sơn.

Là Hiệu trưởng giai đoạn Trường liên cấp 2, 3 mang tên quê hương vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, thầy Võ Đăng Nhã không thể nào quên ngày đầu tiên về nhận nhiệm sở: "Tôi về nhận nhiệm sở đúng ngày 2-9-1985, chỉ còn 3 ngày là khai giảng năm học mới 1985-1986. Công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đã được thầy trò trong trường chuẩn bị đâu vào đấy! Đêm trước ngày khai giảng, tôi sực nghĩ ra chuyện nên tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo, đại biểu về dự trồng cây lưu niệm. Nhưng thời gian quá gấp gáp, lấy đâu ra cây xanh? Tôi đem ý định này nói với thầy Nguyễn Bảy, giáo viên dạy Toán. Thầy Bảy hồ hởi bảo để đó thầy lo cho. Sớm hôm sau, khi tôi đến trường đã thấy thầy Bảy ở sân trường. Thấy tôi, thầy cười nói: "Có 2 cây bằng lăng rồi đó anh!". Tôi thở phào, xúc động đến nghẹn ngào! Hai cây bằng lăng giờ vẫn còn ở trong sân trường. Suốt 5 năm làm hiệu trưởng ở Trường Tây Sơn, ấn tượng sâu đậm nhất chính là tình đồng nghiệp, tinh thần đoàn kết, hết lòng vì HS của tập thể sư phạm nơi đây rất tuyệt vời!".

Qua thầy Đăng Nhã và các thế hệ thầy cô đi trước, được biết, ngày ấy, khu vực Hòa Cường được xem là vùng ngoại ô TP, chưa có trường THPT. HS ở đây muốn học lên cấp ba phải lên Hòa Vang hoặc về THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh. Vì lẽ đó, lãnh đạo tỉnh QN-ĐN, TP và Sở GD-ĐT ngày ấy mới quyết định chuyển đổi hình thức đào tạo của trường từ PT cấp 1, 2 lên cấp 2, 3 để giải quyết bài toán cho con em bậc THPT vùng ven ngoại ô này. Đây chính là bước đệm để xây dựng trường THPT Bán công Hòa Cường, tiền thân trường THPT bán công rồi THPT công lập Nguyễn Hiền ngày nay.

Qua ký ức thầy Đăng Nhã và các thầy cô khác, ngày ấy, cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp, có lớp sụt lún đến 10 phân, phòng học thiếu trước hụt sau. Dù thế, đội ngũ sư phạm, nhân viên nhà trường thì nhiệt tâm, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo vô cùng. Nhờ tinh thần đoàn kết, linh hoạt, biết phân công, tổ chức công việc nên dù trường chỉ có một hiệu trưởng, hai hiệu phó phụ trách chuyên môn cho 2 cấp nhưng vẫn vận hành tốt công việc.

Nhớ về thời kỳ còn nhiều gian khó này, thầy Đinh Tấn Phát- nhà giáo có thâm niên gắn bó lâu năm nhất, hiện còn dạy tại trường- xúc động: "Sau 2 năm dạy ở trường THCS Trưng Vương, tháng 10-1980, tôi được phân về dạy tại trường PT cấp 1, 2 Nguyễn Trường Tộ. Dù chỉ cách một con đường Duy Tân, nhưng phía nam đường Duy Tân ngày ấy được gọi là... vùng nhà quê. Học trò nơi đây ngoan hiền, chất phác, thương lắm. Ngày đầu tiên về trường, tôi mới 23 tuổi, cách học trò lớp 9 khoảng 5-7 tuổi mà thôi. Nhiều em chạy ra ngó xem thầy mình chủ nhiệm là người như thế nào. Giáo viên ngày đó nghèo lắm, nhiều thầy cô nhà ở xa, sáng đạp xe đến trường sợ trễ giờ dạy nên đều nhịn ăn sáng. Đi giữa đường chỉ sợ xe gặp sự cố, trật sên, xì lốp. Khổ, khó là vậy, nhưng tình thầy trò thì rất đậm".

Kể làm sao cho hết những đêm không ngủ, cả tập thể thầy cô, nhân viên ở lại trường trong dịp Tết để lo chuẩn bị tổ chức ngày truyền thống mồng 7 tháng giêng- ngày chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; hay chuyện đi vận động, xin chính quyền địa phương, hợp tác xã, Quân khu V cho xi măng, sắt thép, gạch, đất cát, rồi phụ huynh hỗ trợ ngày công để nâng tầng với 5 phòng học ở phía Bắc của trường do quá tải...

Ngoài thành tích về chất lượng dạy-học, Trường THCS Tây Sơn hôm nay còn được biết đến là ngôi trường có nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện các kỹ năng sống, giáo dục đạo đức lối sống cho HS rất tốt. Những thành tích này đều được kế thừa, phát huy trên nền tảng của các thế hệ đi trước. Những năm đất nước còn khó khăn, trường Tây Sơn là một trong trường có thế mạnh về tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa HS đi lao động sản xuất tại xưởng đóng tàu của Cty Sông Thu, tổ chức hoạt động xã hội văn nghệ gây quỹ, hướng nghiệp dạy nghề cho HS... Xưởng cơ khí, sửa chữa ô-tô của trường đã góp phần dạy cho những HS không có khả năng, điều kiện tiếp tục học lên trên có được tay nghề chắc để vào đời lập nghiệp.

 Nhớ về trường cũ nơi mình gắn bó suốt 4 năm THCS, Hồ Thị Hiếu Hiền- người mang giải nhất Quốc gia viết UPU Quốc tế đầu tiên về cho trường, hiện là SV năm thứ 2 ngành Quản lý nhân lực Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng)- bày tỏ: "Với em, thầy cô Trường THCS Tây Sơn thực sự là người truyền lửa, truyền đam mê cho HS. Không chỉ truyền dạy kiến thức, tri thức, các thầy cô còn nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách, cho chúng em những nền tảng vững chắc để bước xa hơn trên con đường vào đời. Em luôn biết ơn sự dìu dắt tận tình của các thầy cô Tây Sơn".

Thương hiệu "Ngôi trường UPU"

Sau khi chính thức mang tên Trường THCS Tây Sơn, từ năm 1990-1991 đến nay, các thế hệ thầy trò Tây Sơn bước vào giai đoạn phát triển mới. Từ 30 lớp của những ngày đầu thành lập, đến năm học mới 2017-2018,  toàn trường có 45 lớp với 1.980 HS, gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo của các thế hệ nhà giáo đi trước, trong cơ chế thị trường, tập thể sư phạm Trường THCS Tây Sơn hôm nay đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, nhất là trong tổ chức hoạt động ngoại khóa, góp phần đưa trường nằm trong tốp những trường THCS có chất lượng dạy-tốt của TP, được công nhận cấp độ 3 trong công tác kiểm định chất lượng.

Đặc biệt, từ sau khi được chọn là một trong 2 trường THCS của TP dạy thí điểm tiếng Nhật và sự kiện Hiếu Hiền đoạt giải nhất Quốc gia Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm 2010 đã gây tiếng vang, tạo tiền đề những năm tiếp theo. Thương hiệu "ngôi trường UPU" ra đời trong năm Hiếu Hiền đạt giải nhất, bởi  năm đó, ngoài em, trường có thêm hai HS nữa đạt giải Khuyến khích. Tính đến nay, nhà trường có 3 HS đoạt giải nhất Quốc gia ở cuộc thi này, 1 HS đoạt giải nhất và 2 giải khuyến khích quốc tế.

Trong niềm vui trường tròn 45 tuổi, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Tú Anh khiêm tốn bộc bạch: "Có được ngày hôm nay là cả một quá trình không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, tất cả vì HS thân yêu của các thế hệ thầy cô, nhân viên qua các thời kỳ. Với phương châm "HS Tây Sơn chăm ngoan, học giỏi, sống có hoài bão hướng tới tương lai", trong quá trình tổ chức hoạt động dạy-học, tập thể sư phạm nhà trường luôn tâm niệm làm sao để ngày nay các em tự hào về nhà trường, nhưng tương lai, nhà trường tự hào về các em"!.

PHAN THỦY