5 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Thành ủy Đà Nẵng: Có chuyển biến nhưng người dân vẫn chưa hài lòng

Thứ năm, 09/05/2019 07:16

Qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới” đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng; tác động lớn đến đời sống dân sinh, việc làm, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC thành phố..., khẳng định trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện  Chỉ thị 29 vừa được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 8-5.

Người dân liên hệ công việc tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng.

Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ.

Chuyển biến tích cực

Có thể khẳng định, Chỉ thị 29 đã, đang và sẽ là một kênh đánh giá, giám sát khá đầy đủ, toàn diện về tinh thần, thái độ, phương thức, lề lối làm việc của CBCCVC tại Đà Nẵng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng, qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị 29 được các địa phương, cơ quan, đơn vị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và các Quận ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến nay, hầu hết đảng viên, CBCCVC và người lao động tại các cơ quan, đơn vị đã được quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 29, đăng ký các nội dung thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ được giao và theo đúng tinh thần “5 xây, 3 chống”. Qua đăng ký, tất cả đảng viên, CBCCVC đã đề ra nhiều giải pháp, phương hướng cụ thể để thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện CCTTHC cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ.

“Thực tế, qua 5 năm triển khai thực hiện nhận thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của CBCCVC và người lao động được nâng lên; ý thức chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đảm bảo; trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị và địa phương được tăng cường hơn trước; xây dựng tác phong lề lối làm việc chuyên nghiệp hơn, thân thiện khi tiếp xúc với tổ chức, cá nhân. Thái độ, chất lượng phục vụ tại các cơ quan hành chính được nâng cao. Đa số các nhiệm vụ đã được các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện hoàn thành góp phần vào kết quả thực hiện chung của thành phố”, ông Đặng Việt Dũng nói.

Là đơn vị phụ trách quản lý đất đai - một lĩnh vực được xác định nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra sai phạm, thời gian qua, Sở TN-MT thành phố cũng đã có nhiều giải pháp nhằm CCHC. Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, 5 năm qua, Sở đã tham mưu ban hành 24 văn bản thuộc lĩnh vực quản lý ngành, trong đó có 15/24 văn bản về đất đai. Bên cạnh đó, Sở cũng tích cực thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đơn cử như rút ngắn thời gian thực hiện đánh giá tác động môi trường từ 50 ngày xuống còn 40 ngày; thời gian cấp GCNQSDĐ lần đầu từ 30 ngày xuống còn không quá 25 ngày; không quá 15 ngày đối với trường hợp bố trí tái định cư; 7 ngày đối với chuyển đổi nguyên trạng GCN; thời gian giải quyết các TTHC về khoáng sản, tài nguyên nước giảm từ 1/2 đến 1/3 so với quy định của Trung ương...

“Đến nay, 100% hồ sơ trình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện đến Sở TN-MT, Phòng TN-MT được thực hiện bằng phương thức điện tử”, ông Hùng cho biết thêm.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tặng Bằng khen cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Vẫn cần phải chấn chỉnh

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, thì qua quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 29 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thụ động trong công tác triển khai, chưa đưa ra các giải pháp cụ thể tại cơ quan, đơn vị; kết quả CCHC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu mong đợi của nhân dân thành phố; kỷ cương hành chính chưa nghiêm; việc giám sát, công khai minh bạch thông tin, các hoạt động công vụ chưa tốt.

Việc xây dựng các giải pháp thực hiện để tạo chuyển biến rõ nét trong các vấn đề “nóng” của ngành, lĩnh vực chưa cụ thể, chưa định lượng, chưa đánh giá kết quả đầu ra một cách rõ ràng. Một số lĩnh vực phức tạp, còn nhiều bất cập vẫn chưa được khắc phục, các giải pháp thực hiện thiếu quyết liệt như công tác quản lý xây dựng, giải tỏa đền bù, cấp GCNQSDĐ; ở một số địa phương, đơn vị, việc xây dựng các giải pháp còn mang tính đối phó...

Ông Tô Văn Hùng cho biết, tại Sở TN-MT vẫn còn tồn tại tình trạng trễ hẹn hồ sơ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do nhiều hồ sơ có tính lịch sử, phức tạp; các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ nên trong quá trình giải quyết hồ sơ phải lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp thì còn có nguyên nhân chủ quan là do chấp hành chưa nghiêm quy định về tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo cơ chế một cửa; trách nhiệm phối hợp giải quyết giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa tốt... Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ CCVC có tiến bộ song chưa thật sự chuyên nghiệp; vẫn còn biểu hiện gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong công việc, làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và niềm tin của nhân dân, đặc biệt là uy tín của ngành.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo ông Hùng, ngoài các giải pháp mang tính hành chính, nguyên tắc thì thời gian tới, Sở sẽ quyết liệt thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo đúng quy định, thay đổi cán bộ tại các vị trí công việc nhạy cảm, các cá nhân có biểu hiện trì trệ, thiếu năng động, ngại khó, không phù hợp về nghiệp vụ chuyên môn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, Chỉ thị 29 đã góp phần không nhỏ đến nhận thức, tinh thần trách nhiệm cao, bước đầu đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác CCHC của thành phố, công tác cán bộ và lề lối làm việc của CBCCVC. Tuy nhiên, theo ông Trí, trong thực tế, người dân vẫn chưa hài lòng đối với chính quyền, phản ánh của người dân về thái độ, tinh thần trách nhiệm của CBCCVC qua các kênh góp ý của thành phố còn nhiều. Thế nhưng, việc tiếp nhận xử lý của các cơ quan, đơn vị còn qua loa, một số trường hợp việc trả lời cho có, trả lời đại ý, đùn đẩy trách nhiệm...

Thời gian tới, ông Trí đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 29 gắn với việc triển khai các Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, qua đó tạo không khí thi đua trong đảng viên, CBCCVC, người lao động học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với “5 xây, 3 chống”. Tiếp tục đơn giản hóa TTHC, loại bỏ những thủ tục phiền hà, không cần thiết, tập trung đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp, thường xuyên đến các giao dịch kinh tế, dân sự của người dân và doanh nghiệp. Nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện các dịch vụ công; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở CCVC giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ của tổ chức, công dân đúng thời gian quy định. Đặc biệt, chấn chỉnh đạo đức công vụ của CBCCVC; kịp thời thay thế những CBCCVC năng lực yếu, giải quyết công việc chậm trễ, vi phạm đạo đức trong thực thi công vụ. Nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm những tổ chức, cá nhân có biểu hiện, hành vi sai phạm nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, trong hành động của CBCCVC; đồng thời tiến hành xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Chỉ thị của đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ...

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã quyết định tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 29.

D.HÙNG