5 sự kiện đáng nhớ của ngành giáo dục Việt Nam năm 2015

Thứ sáu, 01/01/2016 13:23

(Cadn.com.vn) - Năm 2015, ngành giáo dục Việt Nam là tâm điểm của dư luận cả nước khi Bộ GD-ĐT có những sáng kiến nhằm đổi mới nhưng đầy bất cập. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đau đầu vì những câu chuyện quá bi hài. Báo Công an TP Đà Nẵng xin điểm lại 5 sự kiện đáng nhớ trong bức tranh giáo dục Việt Nam năm 2015.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi "hai trong một". Tức là, một kỳ thi nhưng kết quả được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Kỳ thi này đã đạt được những thành công nhất định như: giảm thí sinh ảo, bớt tốn kém cho xã hội, giảm áp lực về giao thông cũng như chỗ ở của thí sinh cho các thành phố lớn...

Dù vậy, kỳ thi "hai trong một" này khó tránh khỏi những bất cập. Đầu tiên phải kể đến sự bỡ ngỡ của thí sinh, phụ huynh cũng như các đơn vị tổ chức thi do sự thay đổi diễn ra trong thời gian quá ngắn của Bộ GD-ĐT. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, kỳ thi này đã thất bại hoàn toàn vì đã để cho số lượng lớn thí sinh sau khi biết điểm được đăng ký 4 ngành trong nguyện vọng của mình, nhưng chỉ được thay đổi trong vòng 20 ngày. Chính điều này đã tạo nên tình trạng "hỗn loạn" khi các thí sinh nộp hồ sơ và tiếp tục theo dõi điểm công bố của trường ĐH, rồi lại rút hồ sơ gửi đến các trường công bố điểm. Thí sinh và phụ huynh luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ vì điều này. Có quá nhiều những câu chuyện bi hài diễn ra, mà câu chuyện một phụ huynh ở Hà Tĩnh thuê riêng 1 xe cấp cứu 115 ra Hà Nội nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho con trai đã gây xôn xao dư luận.

 Những bất cập trên khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải lên tiếng nhận trách nhiệm khi chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp trong việc thiết kế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Tích hợp môn Lịch sử

Dự thảo "Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể" có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên "Công dân với Tổ quốc" của Bộ GD-ĐT là một sự kiện "đau lòng" của ngành Giáo dục Việt Nam. Nhiều ý kiến của các nhà sử học, giáo viên dạy Lịch sử không đồng tình với dự thảo này. Chiều 3-11, Bộ GD-ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật và các đơn vị liên quan về dự thảo. Ngày 15-11, tại Hội thảo khoa học về môn Lịch sử, giới chuyên môn chỉ trích Bộ GD-ĐT đang "khai tử môn Lịch sử" khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS Trần Thị Vinh, Khoa  Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ phá vỡ môn Lịch sử. Học sinh sẽ không nhận thức được tính hệ thống, liên tục của dòng chảy lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Việc lắp ghép lịch sử vào môn giáo dục công dân là sự lắp ghép những kiến thức rời rạc, "những mảnh vỡ của lịch sử" vào một môn học chưa từng có tiền lệ". 

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội chiều 27-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết trong đó yêu cầu "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Sau nhiều cuộc họp bàn, ngày 8-12, Bộ GD&ĐT thống nhất với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Lịch sử thi đại học sẽ học nâng cao và đây là môn độc lập.

Giáo viên đang dạy bỗng dưng bị cắt hợp đồng

Trước thềm năm học mới 2015, một số huyện, thị xã, thành phố bỗng dưng đồng loạt chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên đang ký hợp đồng giảng dạy với nhà trường. Thay vì tạo điều kiện cho các giáo viên này thi viên chức thì đồng loạt các tỉnh đã sa thải đột ngột hàng loạt giáo viên khiến dư luận hoang mang và những đơn thư của các giáo viên liên tục được gửi đến Bộ Nội vụ nhờ giải đáp.

SGK dạy học sinh lớp một "đi trên mảnh thủy tinh"

Cuối tháng 8-2015, ngành Giáo dục nước nhà một phen "dậy sóng" khi TS Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1" đã dạy cho học sinh muốn can đảm thì hãy đi lên thảm có những mảnh thủy tinh đã được đập vỡ. Nhiều ý kiến trái chiều về sách này và cuối cùng Bộ GD-ĐT yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam thu hồi cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1", có tựa đề bài học "Vượt qua nỗi sợ", xuất bản năm 2014, đang được bày bán trên thị trường. Theo văn bản ngày 26-8 Bộ GD-ĐT gửi NXB Giáo dục Việt Nam, ngoài việc thu hồi sách, cơ quan này cũng yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan trong việc liên kết xuất bản cuốn sách trên và xử lý theo thẩm quyền.

Đà Nẵng kiện nhân tài

Từ năm 2004, Đà Nẵng thực hiện đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ chất lượng cho TP. Hơn 630 học viên đã tham gia dự án thì có hơn nửa về làm việc cho TP sau khi được tạo điều kiện đi học. Tuy nhiên, có nhiều học viên không về làm việc mà xin ở lại học tiếp lên cao hoặc chưa làm hết thời gian cam kết lại bỏ ra nước ngoài… gây khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự cũng như giảm uy tín, ảnh hưởng kinh tế cho TP. Trung tâm phát triển nguồn lực chất lượng cao Đà Nẵng đã khởi kiện 7 học viên vi phạm hợp đồng. Sau phiên sơ thẩm, tòa tuyên án các học viên phải bồi thường thiệt hại cho TP. Tuy nhiên, họ tiếp tục kháng cáo với mong muốn được giảm án phí bồi thường, tiền bồi thường được trả chậm tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của NH Nhà nước.

Cũng từ 5 "sự kiện" này, câu chuyện thu hút nhân tài của đất nước đã trở thành đề tài nóng bỏng.

Quang Hải
(tổng hợp)