55 năm Trường Quân sự Quân khu 5: Mái trường độc đáo ở Mặt trận 579
(Cadn.com.vn) - Ra đời ngày 11-4-1961, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Quân sự Quân khu 5, đơn vị Anh hùng LLVTND đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, bổ sung các chiến trường. Sau năm 1975, đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh biên giới tây nam, những người thầy giáo năm xưa lại một lần nữa đi về phía súng nổ. Trường Quân chính Mặt trận 579 ra đời.
Đại tá Nguyễn Hữu Lợi, Chính ủy trường Quân sự Quân khu 5 (ngoài cùng bên trái) |
Từ bãi le bên bờ sông Strung Treng…
Đại tá Lê Văn Cúc, nguyên Hiệu phó về Chính trị trường Quân chính Mặt trận 579 tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ như in mái trường độc đáo của Quân khu 5 trong những năm giúp bạn thoát nạn diệt chủng Pôn-pốt Jêng Sari. Ông kể: “Để sát thực tế chiến trường và kịp thời đáp ứng nhu cầu cán bộ cho các đơn vị quân tình nguyện ở Mặt trận 579 và sĩ quan của bạn, giải quyết khó khăn về thiếu cán bộ quân sự, tháng 10-1982, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã điều động anh Lê Minh Châu (Thiếu tướng, đã mất) từ trường Quân sự sang làm Hiệu trưởng và tôi dẫn đoàn gồm 40 đồng chí, trong đó có 20 cán bộ chuyên gia giảng dạy và bộ phận phục vụ 20 người qua Strung Treng (Campuchia) thành lập trường”. Nơi đoàn đứng chân là bờ sông Strung Treng hoang vắng với bãi le và cây dại. Từng kinh qua chống Mỹ, cứu nước, dạn dày bản lĩnh lại vừa tham gia xây dựng trường Quân sự Quân khu từ bãi mìn hoang hoá sau ngày giải phóng nên trước thử thách mới, mọi người bảo nhau dù khó khăn đến mấy cũng phải làm trường cho ra trường, lớp cho ra lớp.
Vậy là từ cán bộ đến nhân viên cùng với học viên được tăng cường bắt tay chặt le làm khung nhà, vào rừng cắt tranh săng để lợp, rồi xin rơm về trét đất làm tường. Dần dà khi đông quân hơn thì lấy đất, xây lò nung gạch cải thiện nhà ở, tạo một mái trường hoàn chỉnh, tươm tất. Bàn ghế cũng tự tay cán bộ, chiến sĩ của trường đóng, phục vụ cho đơn vị và cho cả cơ quan Mặt trận 579. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Strung-treng (tỉnh Strung-treng) đến thăm đã bày tỏ sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ và gọi đây là kỳ tích. Năm 1988, khi về nước, trường bàn giao toàn bộ cơ ngơi lại cho bạn tiếp tục đào tạo cán bộ quân sự. Hiện nay, mái trường này đã mang tên Trường Quân sự Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Campuchia, được đầu tư khang trang và tiếp tục nhận sự hỗ trợ nhiều mặt của Quân khu 5.
Ngay từ ngày đầu thành lập, trường Quân chính Mặt trận đã gắn nhà trường gắn với chiến trường; liên tục cử cán bộ, học viên tham gia nhiều trận đánh, bổ sung vào nội dung huấn luyện của các đơn vị. Giáo viên tay súng, tay bút, vừa là người thầy vừa trực tiếp chiến đấu khi gặp địch. Tính ra trong 6 năm (1982-1988), trường đã đào tạo, bổ túc được khoảng gần 2.000 học viên là cán bộ chỉ huy trung đội và đại đội, thời gian đào tạo từ 3-6 tháng. 1/3 trong số đó là cán bộ quân sự của bạn từ các đơn vị về học tập. Dạy đến đâu, đưa ra chiến trường đến đó. Sau này nhiều cán bộ của ta và bạn đã trưởng thành từ mái trường này. Cao điểm là tháng 11-1985, để chuẩn bị chiến dịch mùa khô, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cử 200 cán bộ, giáo viên sang đất nước Chùa Tháp. Trường Quân chính Mặt trận 579 đã được chính phủ Vương quốc Campuchia tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cán bộ, giáo viên từng công tác ở trường Quân chính Mặt trận 579 (từ trái qua: Đại tá Đỗ Mạnh Tường, Đại tá Nguyễn Công Vinh, Thượng tá Nguyễn Trường Học) |
Đến học viên nước bạn ở Đà Nẵng
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên trong toàn Quân khu; bồi dưỡng kiến thức quốc QP-AN cho cán bộ là đối tượng 2; giáo dục QP - AN cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, từ năm 2003 đến nay, trường Quân sự Quân khu 5 (đứng chân ở Hòa Cầm, Đà Nẵng) đều bồi dưỡng bổ túc quân sự cho sĩ quan quân đội nhân dân Lào và quân đội Hoàng gia Campuchia. Trường thành lập riêng hệ quốc tế và kiến thức quốc phòng chăm lo việc ăn ở và học tập cho các đối tượng này. Riêng học viên Campuchia, mỗi khóa có xấp xỉ 50 sĩ quan cấp chỉ huy đại đội đến tiểu đoàn, học trong 3 tháng. Đại tá Nguyễn Công Vinh, vừa nghỉ hưu trên cương vị Trưởng khoa Binh chủng hợp thành là người có nhiều duyên nợ với sĩ quan Campuchia. Giảng dạy chiến thuật ở trường Quân chính Mặt trận 579, ông luôn đi cùng các Sư đoàn trong những chiến dịch then chốt. Ông nói: “Đã có máu xương của chúng tôi đổ xuống đất bạn”. Đồng chí Cao Thế Phương, Phó khoa giáo viên chiến thuật đã hy sinh tại trường vì giẫm mìn. Sau này thêm hai thầy giáo về Sư đoàn 307 đã thành liệt sĩ. Danh sách dài dằng dặc hơn 200 cán bộ, giáo viên, chiến sĩ của trường ngã xuống trong chống Mỹ, cứu nước lại bổ sung thêm những người lính làm nhiệm vụ quốc tế. Không chỉ huấn luyện cho ta, thầy Vinh và đồng nghiệp còn tham gia huấn luyện cho Trung đoàn 18, 19 của bạn. Sau mỗi trận chiến đấu, giáo án lại có thêm bài học kinh nghiệm mới. Người phiên dịch của bạn tên là Tich-non, sau này trở thành đại tá của Quân khu 1 Hoàng gia Campuchia, lần đến trường Quân sự Quân khu đã đi tìm bằng được thầy Vinh.
Cùng với thủ trưởng của mình, Thượng tá Nguyễn Giao, Phó khoa Binh chủng hợp thành là người thân thiết của hệ quốc tế. Hơn 10 năm nay anh luôn được tin tưởng giao lên lớp môn kỹ thuật bắn súng. Anh cũng là người vừa được Chính phủ Hoàng gia Campuchia trao tặng Huân chương Hữu nghị tại Đà Nẵng (3-2016) vì đã có thành tích thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước. Không chỉ học tiếng Khơ-me để có thể giao tiếp xã giao thông thường, anh còn học những từ về kỹ thuật chuyên ngành của mình giúp người học dễ hiểu, dễ nhớ mà không quá phụ thuộc vào phiên dịch. Kết quả huấn luyện năm sau luôn cao hơn năm trước là sự cổ vũ, động viên để hàng năm trường luôn đón nhận sĩ quan bạn qua bồi dưỡng kiến thức quân sự theo ký kết giữa quân đội hai nước.
55 năm, trường Quân sự Quân khu 5 đã viết nên những trang sử vẻ vang, đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ quân sự, góp phần xây dựng LLVT Quân khu 5 và QĐND Việt Nam vững mạnh. Trường cũng tự hào đã góp phần đào tạo nhiều sĩ quan của bạn không ngừng trưởng thành, bảo vệ bình yên đất nước Campuchia tươi đẹp.
Hồng Vân