6 điểm cộng của Đà Nẵng sau tuần lễ người dân không ra khỏi nhà?

Chủ nhật, 22/08/2021 18:50

Với sự chủ động cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu, người dân Đà Nẵng đồng thuận, chấp hành nghiêm chủ trương không ra khỏi nhà để cùng chính quyền thành phố chung tay dập dịch. Từng ngôi nhà, khu dân cư như pháo đài “lấy tĩnh chế động”, người dân tự giác chấp nhận những điều bất thường trước mắt để sớm đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường lâu dài. Có thể thấy rõ 6 điểm cộng của thành phố sau một tuần lễ người dân “ai ở đâu, ở yên đấy”

1. Chính quyền quyết liệt, người dân đồng thuận

Ngày 14-8, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 2788 bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng chống dịch COVID-19. Nội dung nổi bật nhất của Quyết định này là yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, cơ quan đơn vị làm việc 3 tại chỗ… để thành phố triển khai các biện pháp y tế, đặc biệt là xét nghiệm diện rộng nhằm sớm có thành quả cụ thể trong thời gian 7 ngày, từ 8 giờ ngày 16 đến 8 giờ ngày 23-8.

Thực hiện chủ trương của thành phố, người dân Đà Nẵng đã có 7 ngày chấp hành nghiêm túc không ra khỏi nhà để chống dịch.

Khác với cảnh vất vả câu chuyện giấy đi đường trước đó, ngoài lực lượng được phép di chuyển làm nhiệm vụ, đại đa số người dân đều tự giác chấp hành nghiêm túc. Kể từ sau 8 giờ sáng ngày 16-8 đến nay, từng gia đình như “pháo đài nhỏ”, từng con đường, kiệt hẻm như vành đai an toàn, đường phố tĩnh lặng, bình yên. Tại nhiều khu dân cư, người dân gần như chỉ ra khỏi nhà vào thời điểm đi lấy mẫu xét nghiệm, mở cửa khi nhận rau củ quả hỗ trợ từ phường, tổ dân phố. Các trường hợp cố tình vi phạm, ra ngoài khi không có giấy tờ theo quy định, tụ tập hay chống đối lực lượng làm nhiệm vụ đều được xử lý nghiêm khắc theo quy định. Một chiến sĩ cảnh sát khu vực CAP. Hải Châu 1, Q. Hải Châu cho biết, thời gian của một chuyến tuần tra kiểm soát trong khu dân cư thường rất nhanh vi người dân rất tự giác tuân thủ. Số người bị xử lý theo quy định kể từ ngày 16-8 đến nay là rất ít, chỉ là những trường hợp cá biệt.

Ngay khi thành phố quyết định tiếp tục thực hiện Quyết định số 2788 với tinh thần “ai ở đâu thì ở đó” thêm 3 ngày, kể từ 8 giờ ngày 23-8 đến 8 giờ ngày 26-8-2021, người dân cũng rất ủng hộ và cho rằng  đây là quyết định cần thiết, hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế

2.Bóc tách hàng trăm f0 ra khỏi cộng đồng

Với chiến dịch xét nghiệm nhanh, tần suất thường xuyên nhất từ trước tới nay, ngành Y tế thành phố đã huy động tổng lực để phân chia thời gian lấy mẫu khoa học, phù hợp với từng địa bàn dân cư, càng ngày càng đảm bảo tính giãn cách. Sân của nhà văn hóa, công viên, đường phố, vỉa hè trở thành các điểm lấy mẫu để chia nhỏ số người trong khu dân cư, hạn chế tập trung đông người trong cùng một thời điểm. Có những nơi, người dân đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn ngồi chờ sẵn trước cổng nhà để nghe gọi tên trong nhóm gộp là nhanh chóng ra lấy mẫu. Một điều dễ nhận thấy nữa là sự thay đổi trong phương pháp, động tác của kỹ thuật viên. Họ đều đặn thay găng tay hoặc sát khuẩn, đứng tư thế vuông góc với người được lấy mẫu với những yêu cầu ngắn gọn là để khẩu trang che miệng, nín thở trong mấy giây đồng hồ.

Với việc phong tỏa chặt, xét nghiệm rộng, hàng trăm F0 đã được bóc tách khỏi cộng đồng.

Chiến lược trong đợt xét nghiệm này chú trọng làm mẫu đơn cho các đối tượng đi từ vùng dịch về hay các F1, gộp 5 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao và gộp 10 cho khu dân cư, cộng đồng. Với những sự thay đổi tích cực này, thành phố đã tăng tốc xét nghiệm diện rộng, nâng tầng suất lấy mẫu nhằm sớm phát hiện, bóc tách hàng trăm ca mắc COVID-19 ra khỏi cộng đồng.

Thống kê cho thấy, kể từ khi phong tỏa chặt, xét nghiệm diện rộng, số ca mắc COVID-19 được phát hiện trong ngày tăng dần. Cụ thể ngày 16-8 Đà Nẵng là 96, tiếp đó là 124 ca (ngày 17), 134 ca (ngày 18), 164 ca (ngày 19), 167 ca (ngày 20) và 197 ca (ngày 21). Số ca mắc trong cộng đồng được phát hiện cũng tăng theo chiến dịch xét nghiệm hộ gia đình là điều khiến người dân lo lắng nhưng cũng chính là kết quả phản ánh đúng thực tế, thể hiện hiệu quả phương án mà thành phố Nếu không sớm đóng cửa xét nghiệm thì số f0 trong cộng đồng sẽ đến mức khó kiếm soát

3. Cải thiện năng lực cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân

Trong lần phong tỏa P. Nại Hiên Đông, sau đó là các phường khác của Q. Sơn Trà hồi đầu tháng 8, áp lực về thời gian, nguồn cung ứng đã khiến chính quyền địa phương có phần bối rối khi nguồn thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả chậm đến tay các hộ gia đình. Không biết đổ bức xúc vào đâu, một số người dân đã đưa lên mạng xã hội tạo ra hiệu ứng tiêu cực. Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện có cả những trường hợp nói quá, nhưng thực tế là có nhiều gia đình thiếu rau xanh do trước đó chưa kịp chuẩn bị. Con đường cung ứng vào khu phong tỏa buộc phải tuân thủ quy định kiểm soát dịch bệnh, phương án điều phối bị động trong những ngày đầu nên nhiều người nhận được rau khi đã héo úa.

Rau củ được chia về phường, từ đây được chi kịp thời xuống tổ dân phố, đến thẳng tay người dân.

Trong đợt “phong thành” 7 ngày vừa qua, cùng với sự chủng động của người dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chính quyền các địa phương kết nghĩa đã tặng người dân Đà Nẵng hàng nghìn tấn rau củ quả. Với việc điều phối khoa học, phát huy được vai trò của ban ngành, đoàn thể ở cơ sở nên hàng ngày các hộ gia đình đều nhận được rau xanh. Khi thì bắp cải, cà rốt, bí đó; khi thì khoai tây, củ dền, cà tím, bí xanh… Tổng cộng đã có khoảng 4 nghìn tấn rau củ đã được phát đến tận tay người dân trong thời gian 7 ngày. Đây là con số kỷ lục cả về nguồn lực tài chính và sức người. Điều dễ nhận thấy là trong tuần lễ người dân không ra khỏi nhà vừa qua, mạng xã hội ngập tràn những lời cảm ơn chính quyền vì đã không để người dân thiếu thốn như cam kết.

4. Phát huy vai trò của Ban điều hành tổ dân phố

Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở mức độ cao, Đà Nẵng đã huy động hiệu quả vai trò của Ban điều hành tổ dân phố, chi bộ khu dân cư, ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ cơ sở. Đặc biệt những người đứng mũi chịu sào, tiếp nhận, điều hành và xử lý công việc nhiều nhất cho nhân dân chính là tổ trưởng tổ dân phố. Công việc thường xuyên nhất mà họ đảm nhận là “từ order đến shipper” nhu yếu phẩm được phân bổ về cũng như người dân đặt mua qua tổ. Tiếp đó là thông báo lịch, phát phiếu xét nghiệm đến từng hộ gia đình phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở nhân dân tuân thủ việc ở yên trong nhà.

Đại diện một tổ dân phố, chi bộ tại P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn chở rau xanh xuống tận nhà cho người dân.

Ngoài lực lượng tuần tra thì dễ nhận thấy người di chuyển nhiều nhất trong 7 ngày qua ở các khu dân cư chính là tổ trưởng dân phố. Bắt đầu từ mờ sáng, họ đã trực tiếp điều hành việc phân chia rau củ quả, sau đó len lỏi trong khu dân cư, qua kiệt hẻm, đường làng ngõ xóm để phát không thiếu một gia đình nào. Không những thế, tổ trưởng phải tham gia lên lịch xét nghiệm hợp lý, đi mua bỉm sữa cho trẻ con, thuốc men cần thiết cho người lớn. Sự nhiệt tình, nhanh nhẹn, chịu khó của tổ trưởng tổ dân phố trên toàn địa bàn thành phố đã tạo cảm tình, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

5. Công an vừa TTKS vừa thành “người vận chuyển”

Với việc chuyển trạng thái cấm trại, yêu cầu đảm bảo 100% quân số kể từ cuối tháng 7-2021, sau thời gian chốt chặn ở các chốt kiểm soát, lực lượng công an đã tăng cường tuần tra trong khu dân cư để đảm bảo người dân thực hiện nghiêm túc việc không ra khỏi nhà theo Quyết định 2788 của UBND thành phố Đà Nẵng. Ngoài những trường hợp cá biệt không tuân thủ hoặc người có hành vi chống đối bị xử lý nghiêm, đại bộ phận người dân tuân thủ “ai ở đâu, ở yên đấy”. Sự tự giác của nhân dân tạo điều kiện cho công an cơ sở có thời gian kết hợp tuần tra kiểm soát và vận chuyển rau xanh cùng tổ dân phố. Trong dịch bệnh, người dân không chỉ chứng kiến người chiến sĩ công an bản lĩnh bám chốt, kiên quyết với tội phạm, mạnh tay với các hành vi vi phạm phòng chống dịch mà còn tận thấy câu chuyện nhân văn khi chiến sĩ cảnh sát khu vực mồ hôi nhễ nhại cùng tổ trưởng dân phố phân chia rau củ quả, tặng quà cho lao động ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, đưa người già đi cấp cứu…

Trong giờ làm nhiệm vụ, Thượng úy Trần Phương Hoài Linh (CAX. Hòa Sơn, H. Hòa Vang) lái xe chở sản phụ ở địa phương đi sinh.

6. Vaccine về tới đâu, tiêm cho dân tới đó

Trong thời gian này, thành phố Đà Nẵng vừa nhận thêm 54.000 liều vaccine phân bổ từ Bộ Y tế. Ngành Y tế đã nhanh chóng triển khai khai tiêm ngay cho hơn 40.000 người, trong đó có hơn 24.000 người được tiêm mũi 2. Tính đến hết ngày 20-8, Đà Nẵng đã tiêm vaccine cho 111.473 lượt người, đạt 78,10% (số liệu trên không bao gồm lực lượng công an, quân đội). Dự kiến, đến ngày 23-8, thành phố sẽ hoàn thành tiêm 142.730 liều (đạt 100%) theo các kế mà ngành Y tế đã xây dựng.

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, nguồn vaccine từ Bộ Y tế phân bổ về đến đâu sẽ tiêm kịp thời cho người dân đến đó.

Theo kế hoạch, UBND thành phố đặt ra tiến độ tiêm chủng nhanh nhất  (20.000 người/ngày và có thể lên đến 35.000 người/ngày), đồng thời sẽ thiết lập  từ 100-110 điểm tiêm chủng tại các quận, huyện và 2 điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND thành phố và số lượng vaccine phân bổ của Bộ Y tế, ngành Y tế thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tiêm đúng tiến độ, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ tiêm đủ cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

CÔNG KHANH