6 tỉnh bàn cách cứu tiêu

Thứ hai, 29/12/2014 07:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 27-12, tại Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc), Bộ NN & PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy công tác nghiên cứu và triển khai các mô hình phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu với sự tham gia của ngành nông nghiệp 6 tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước là Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước và Đồng Nai.

Những năm qua, dịch hại trên hồ tiêu cũng ngày trở trên nghiêm trọng, bệnh chết nhanh, bệnh vàng lá chết chậm diễn ra khá phổ biến ở các vùng trong cả nước như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước... dẫn đến hàng ngàn héc-ta bị chết, những cây không chết thì năng suất và chất lượng hồ tiêu giảm đáng kể. Tại Đắc Lắc, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.473 ha hồ tiêu, bệnh vàng lá chết chậm chiếm 915,4 ha, bệnh vàng lá chết nhanh chiếm 703,58 ha chủ yếu nằm ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Ea H'leo, Cư Kuin, Buôn Đôn...

Cũng như Đắc Lắc, ở Gia Lai tình trạng hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm cũng khá phổ biến, tính đến ngày 10-12-2014 diện tích tiêu bị chết do bệnh héo chết nhanh 380.827 trụ, bệnh do chết chậm khoảng 9.215,6 ha tập trung ở Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư sê... Ở tỉnh Bình Phước, diện tích bị chết chậm là 121 ha. Riêng tỉnh Đắc Nông năm 2014 có 180.96 ha hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, nhiều nhất phải kể đến H. Đắc Rlấp có 65,4 ha bị chết, H. Đắc Song với 39,5 ha bị chết, Đắc Mil với 17,4 ha bị chết.

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắc Lắc cho biết: Đa số diện tích trồng mới cây tiêu trên vùng đất không phù hợp, trồng một cách tạm bợ, chưa chú trọng đến che bóng cho tiêu... ngoài ra phân hóa học được bón với liều lượng cao, mất cân đối do vậy bệnh hại trên cây tiêu đang ngày càng phát triển mạnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bệnh chết nhanh, chết chậm hại trên cây hồ tiêu là hai đối tượng dịch hại nguy hiểm, thường xuyên đe dọa và gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào các tháng mùa mưa, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi bệnh sẽ lây lan nhanh.

Chỉ ra nguyên nhân tình trạng hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh, chết chậm, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai nhận xét: Bệnh xuất hiện và gây hại từ tháng 6,7 đến tháng 8,9 bệnh phát sinh mạnh. Bệnh bộc phát làm cây tiêu vàng rụng lá và chết hàng loạt trong thời gian ngắn vào thời điểm chuyển tiếp mùa mưa sang mùa khô... Bệnh gây hại nặng trên vùng đất thoát nước kém, đất dí chặt, thiết kế bồn không thoát nước trong mùa mưa, các vườn tiêu chăm sóc kém không đảm bảo quy trình kỹ thuật, lạm dụng việc bón phân hóa học...



Nhiều diện tích hồ tiêu của nông dân đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh hồ tiêu là do nấm phytophthora gây ra, trong đó phytophthora tropicalis là loài có vai trò gây hại quan trọng bậc nhất, chúng gây hại trong đất, khó phòng trừ, sức phát triển và gây hại của nấm này thay đổi theo từng vùng sinh thái và phụ thuộc vào độ ẩm của đất... Bệnh chết chậm do nhiều tác nhân gây hại gây ra gồm tuyến trùng Meloidogyne incognita, rệp sáp hại rễ và một số nấm đất như: Fusarium, Pythium...

Từ thực tế trên, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra quy trình kỹ thuật (tạm thời) phòng chống bệnh chết nhanh, hội chứng vàng lá chết chậm và tuyến trùng hại hồ tiêu. Trong đó các biện pháp phòng chống bệnh này như sử dụng giống chống chịu và cây giống sạch bệnh; các biện pháp canh tác như chọn đất, phơi đất, đào hố thoát nước, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng xen canh cây họ đậu, phủ các loại rơm rạ, vỏ trấu vào mùa khô, bón phân hữu cơ...; Biện pháp kiểm dịch không mang đất, cây giống ở khu vực nhiễm bệnh vào khu vực chưa nhiễm bệnh; sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT nhấn mạnh: Hiện nay, hồ tiêu là cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Do vậy các địa phương có diện tích hồ tiêu cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ với những biện pháp quyết liệt về các yếu tố kỹ thuật, trước mắt ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh gây hại đối với những vùng tiêu hiện đang phát triển tốt. Vấn đề quan trọng hơn là, biện pháp chuyển tải thông tin về phương pháp phòng trừ các loại bệnh gây hại trên cây hồ tiêu phải đến tận hộ dân để nông dân thực hiện theo đúng hướng dẫn. Ngoài ra cần tiến hành rà soát lại quy hoạch, kìm chế việc phá vỡ quy hoạch trên cơ sở tính toán về mặt kinh tế dài hạn...

Văn Thanh