70 năm chia tách Ấn Độ - Pakistan: Những câu chuyện kinh hoàng

Thứ tư, 16/08/2017 09:44

70 năm trước, vào ngày 14-8-1947, Anh chấm dứt cai trị tiểu lục địa Ấn Độ với việc chia thuộc địa này thành 2 quốc gia độc lập: Ấn Độ với phần lớn là người theo đạo Hindu và Pakistan với phần lớn người theo đạo Hồi. Sự chia tách này dẫn tới một trong những cuộc di dân hàng loạt lớn nhất trong lịch sử hiện đại và làm bùng nổ bạo lực sắc tộc.

Cuộc di dân năm 1947 khiến ít nhất 1 triệu người thiệt mạng.     Ảnh: Telegrap

Chia tách trong bạo lực

Phong trào độc lập Ấn Độ bắt đầu vào năm 1857 với mục tiêu khởi nghĩa thoát khỏi sự cai trị của Anh. Từ những năm 1920, ông Mahatma Gandhi trở thành nhà lãnh đạo của phong trào độc lập Ấn Độ. Năm 1942, Quốc hội phát động phong trào “Rút khỏi Ấn Độ”. Anh, dẫn đầu cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít trong Thế chiến II cùng với 2,5 triệu binh sĩ Ấn Độ, hứa sẽ trao trả độc lập cho Ấn Độ sau chiến tranh. Kinh tế Anh sau chiến tranh bị thiệt hại nặng nề, và duy trì thuộc địa ở Ấn Độ trở thành một gánh nặng. Thủ tướng Anh Clement Atlee buộc phải tuyên bố rút khỏi Ấn Độ, dự kiến vào tháng 6-1948.

Trước thềm độc lập, người Hồi giáo, đại diện là Liên đoàn Hồi giáo, do Muhammad Ali Jinnah đứng đầu, đấu tranh mạnh mẽ để tách ra thành quốc gia Pakistan của riêng mình. Tuy đã cùng đấu tranh giành độc lập, Jinnah và đảng Quốc đại Ấn Độ do ông Jawaharlal Nehru bất đồng về số phận của Ấn Độ sau độc lập. Ông Nehru muốn các tôn giáo sẽ cùng tồn tại trong một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, là nhóm thiểu số, người Hồi giáo lo ngại quyền lực sẽ luôn về tay người Hindu.

Sau nhiều tháng căng thẳng, ngày 16-8-1946, Jinnah kêu gọi người Hồi giáo tổng đình công trên toàn Ấn Độ để đòi ly khai. Bạo loạn bùng phát tại Calcutta, châm ngòi cho một tuần đẫm máu được lịch sử đặt tên “Đại thảm sát Calcutta” khiến 5.000 người thiệt mạng, Bạo lực tiếp tục lan sang các tỉnh lân cận, nơi các băng đảng Hồi giáo và Hindu giáo thảm sát lẫn nhau. Giữa cảnh bạo lực trong các làng xã ngày một trầm trọng, Anh quyết định đẩy ngày độc lập cho Ấn Độ sớm hơn gần một năm, tức ngày 15-8-1947 thay vì tháng 6-1948 như dự kiến. Ấn Độ thành hai quốc gia. Theo đó, các tỉnh đa số người Hồi giáo sẽ thuộc về Pakistan, còn các tỉnh đa số người Hindu sẽ thuộc về Ấn Độ.

Cuộc di dân lớn nhất lịch sử

Sau khi biên giới giữa hai nước được vạch định năm 1947, hàng triệu người, phải bỏ lại tài sản, nhà cửa và tháo chạy. Người Hồi giáo chạy sang Pakistan còn người Hindu và Sikh sang Ấn Độ. Hơn 15 triệu người tị nạn di chuyển từ Ấn Độ sang Pakistan và ngược lại. Bệnh tật hoành hành, trẻ em bị bỏ rơi ở hai bên đường. Số khác sơ tán bằng những chuyến tàu di dân giữa Ấn Độ và Pakistan, quá tải tới mức người tị nạn bám kín hai bên và trên nóc các toa tàu. Ít nhất 1 triệu người đã thiệt mạng dọc hành trình chạy trốn và hàng chục ngàn phụ nữ bị bắt cóc. Hàng nghìn người khổ sở trong các trại tị nạn.

Vẫn tiếp diễn

Quan hệ Ấn Độ - Pakistan tới giờ vẫn chưa phục hồi sau thảm họa này trong khi xung đột tranh giành thung lũng Kashmir vẫn chưa được giải quyết. Ấn Độ và Pakistan trải qua    3 cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát Kashmir. Hiện nay, hai nước kiểm soát mỗi bên của khu vực này, dọc theo đường Biên giới Kiểm soát (LoC).

AN BÌNH (Theo BBC, Telegraph)