70 năm cuộc đào thoát vĩ đại
(Cadn.com.vn) - Ngày 24-3 (giờ địa phương), buổi lễ kỷ niệm cuộc đào thoát vĩ đại, vụ trốn chạy của các tù nhân Đức Quốc xã khỏi trại Stalag Luft III vào năm 1944, diễn ra tại Ba Lan. Trong số những người thoát khỏi trại, chỉ có 3 người trốn được, 73 người bị bắt lại và 50 người bị bắn chết.
Những người sống sót, gia đình các tù nhân, các quan chức Anh và Ba Lan tập trung tại Zagan, ôn lại vụ việc nổi tiếng xảy ra cách đây 70 năm. Lễ kỷ niệm lần này là hoạt động chính thức đầu tiên tưởng nhớ những người này. Khoảng 50 binh sĩ Không quân Hoàng gia Anh sẽ diễu hành trong 4 ngày đến nghĩa trang ở Poznan, nơi sẽ diễn ra lễ đặt vòng hoa tại mộ 50 tử tù.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Nguyên soái Không quân Hoàng gia Stuart Atha cho biết, cuộc đào thoát Vĩ đại là “chương đặc biệt” trong lịch sử của lực lượng không quân đồng minh. Những người trốn thoát là “đội phi công đặc biệt có lòng dũng cảm, sự khéo léo và tinh thần kiên cường, một tấm gương của mọi thời đại”, ông nói thêm.
Kế hoạch trốn thoát
Stalag Luft III, nằm cách Berlin 160km về phía đông, trên biên giới Ba Lan, là nơi giam giữ khoảng 10.000 tù nhân. Các thành viên Không quân Hoàng gia, Không quân Mỹ và lực lượng đồng minh khác nằm trong số các tù nhân tại trại này. Vì những thay đổi về biên giới, hiện nay Stalag Luft III nằm trên đất của Ba Lan.
Một ủy ban trốn thoát được thành lập tại trại này vào mùa Xuân năm 1943 và kế hoạch trốn thoát được đặt dưới sự lãnh đạo của Đội trưởng Roger Bushell. 3 đường hầm gồm Tom, Dick và Harry được đào bí mật bắt đầu vào tháng 4-1943. Các đường hầm được đào đến độ sâu hơn 9m và được chống đỡ bằng ván gỗ từ giường tù nhân. Đêm 24-3-1944, khoảng 200 tù nhân chuẩn bị thoát qua đường hầm Harry, dài hơn 90m, nằm bên dưới phòng giam 104.
Tuy nhiên, chỉ có 76 người trốn thoát thành công. 2 phi công Na Uy Per Bergsland và Jens Muller, và phi công người Hà Lan Bram van der Stok nằm trong số những người an toàn thoát khỏi nhà tù. 73 người bị bắt lại, sau đó 50 người bị Đức Quốc xã bắn chết theo lệnh của Adolf Hitler.
Các tù nhân bị giam giữ tại Stalag Luft III. Ảnh: BBC |
Cơn thịnh nộ của Hitler
Nhà báo Simon Pearson của Times, người viết một cuốn sách về thủ lĩnh của cuộc đào thoát, Đội trưởng Roger Bushell, cho biết, quân Đức được đặt trong tình trạng báo động cao trong 36 giờ sau đó. “Hitler nổi cơn giận dữ.
Ông ấy muốn tất cả những người bị bắt lại phải bị bắn ngay tức khắc, nhưng 2 cố vấn Goering và Himmler thuyết phục ông chỉ bắn 50 người nhằm giảm bớt những phản đối quốc tế sau đó. 50 người được lựa chọn ngẫu nhiên”, ông Pearson cho biết.
Binh sĩ người Anh Andrew Wiseman, người bị đưa đến Stalag Luft III ngay sau khi xảy ra cuộc đào thoát vĩ đại cho biết: “Khi tôi đến trại, mọi người ở đây đang trong trạng thái sốc. Không ai có thể tin những gì quân Đức làm đối với 50 tù nhân.
Sau đó, các tù nhân chiến tranh của quân đội Hoàng gia Anh bị người Đức giám sát kỹ hơn”. Theo tờ Daily Telegraph, Dick Churchill, 94 tuổi, là người sống sót cuối cùng trong số 76 tù vượt ngục thành công. Ông và một người Australia tên Paul Royle là 2 người còn sống đến nay.
Năm 1963, cuộc đấu tranh giành tự do của các tù nhân của Đức Quốc xã được tái hiện trong bộ phim kinh điển “The Great Escape” (Cuộc đào thoát vĩ đại).
An Bình
(Theo BBC)