70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Ngày 18-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam”.
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng soạn thảo, là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng mà chúng ta xây dựng. 70 năm qua, dân tộc ta, Đảng ta đã trải qua những chặng đường gian khổ, hào hùng, làm nên những thắng lợi vẻ vang. Bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể đã có nhiều đổi thay nhưng những nội dung cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn sự cần thiết, như một tất yếu, việc ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam ở thời điểm 70 năm trước; tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hội thảo phân tích những quan điểm, nguyên tắc, giá trị to lớn, trường tồn của Đề cương Văn hóa năm 1943. Đó là nguyên tắc Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo văn hóa; các nguyên tắc, tính chất “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” của văn hóa Việt Nam; việc vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng ta về văn hóa trong Đề cương Văn hóa 1943 trong quá trình 70 năm qua, thể hiện trong các văn kiện của Đảng, nhất là trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ việc nhìn lại, hội thảo đánh giá sâu sắc hơn tầm vóc, vai trò vô cùng to lớn của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa. Qua đó rút ra những bài học, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển nền văn hóa của đất nước trong thời gian tới, để văn hóa thật sự vừa làm mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước, là nền tảng tinh thần xã hội, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hương Thủy