70 năm Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
(Cadn.com.vn) - Sau Cách mạng Tháng 8, nước ta vừa giành độc lập thì nạn ngoại xâm đã ập tới. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Tiếp đó, Người qua Pháp chỉ đạo phái đoàn Chính phủ ta đàm phán với Chính phủ Pháp tại Phông-ten-blô. Cuộc đàm phán thất bại do lập trường phía Pháp vẫn theo đuổi chính sách thống trị Việt Nam. Với ý tưởng “Còn nước còn tát”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14-9-1946. Ngày 16-9-1946, Người rời cảng Tu-lông (Pháp) trở về nước. Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước không được thực hiện ở Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, ngày 23-11-1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng. Tại Hà Nội, những hành động khiêu khích của quân Pháp ngày càng trắng trợn. Dã tâm gây hấn của Pháp ở Thủ đô bộc lộ rõ rệt khi quân đội Pháp gửi tối hậu thư buộc ta phải hạ vũ khí.
Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. Từ ngày 3 đến 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làng Vạn Phúc sống trong nhà ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, ngày 19-12, trên căn gác xép, Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
20 giờ ngày 19-12-1946, Thủ đô Hà Nội rền vang tiếng súng, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Có thể nói nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”. Kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quần chúng trong lịch sử. Người luôn luôn nhắc nhở vai trò của dân: “Dựa vào dân, có dân là có tất cả”. Trong lịch sử dân tộc ta, Nguyễn Trãi đã từng nói: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Tư tưởng “chiến tranh toàn dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên năm 1944 trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, phải động viên toàn dân và vũ trang toàn dân”. Chỉ thị này được coi như một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân và lực lượng vũ trang ba thứ quân. Tiếp theo Chỉ thị đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn thể dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ...
70 năm trôi qua, sự kiện Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đã đi vào lịch sử, và tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa lịch sử của những năm tháng hào hùng đó vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Khí thế của những ngày Toàn quốc kháng chiến như vẫn còn vang vọng, luôn nhắc nhở, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Cường